Nhiều đạo diễn trẻ “bỏ quên” đề tài chiến tranh!
Thứ tư, 04/01/2012 10:18

Hiện nay nhiều đạo diễn trẻ thích chọn đề tài hiện đại, trong khi mảng chiến tranh bị bỏ quên. Chiến tranh vẫn đang là vấn đề nóng bỏng trên thế giới...

Cùng lúc trên HTV9 (Đài Truyền hình TPHCM) và VTV1 (Đài Truyền hình VN) đang phát sóng hai bộ phim truyền hình nhiều tập “Vòng tròn cạm bẫy” (ảnh) và “Đi qua ngày biển động” của đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng.

Đại diện cho một thế hệ trẻ năng động, trước đây Bùi Tuấn Dũng từng được biết đến ở nhiều phim truyện nhựa như “Đường thư”, “Vũ điệu tử thần”… và hiện chuẩn bị cho phim truyện nhựa “Những người viết huyền thoại”.

cảnh trong phim "Vòng tròn cạm bẫy"

Đạo diễn nhiều phim ở các đề tài khác nhau, vì anh đang tìm đường hay vì “tạng” anh phải thế?

- Vì tôi không muốn lặp lại mình. Mỗi phim có một cách thể hiện, phải tìm ra chìa khóa để mở bộ phim đó. Chọn đúng diễn viên, chọn đúng quay phim, không là “á khẩu” liền. Với những phim hành động như “Nhiệm vụ đặc biệt” thì phương pháp thể hiện là sử dụng chuyển động máy liên tục, diễn viên chuyển động liên tục trong các cảnh quay. Tiết tấu nhanh, thông tin dồn dập, xử lý nhanh để khán giả có thể bắt kịp.

Nhưng với phim “Đi qua ngày biển động” (35 tập) khai thác xung đột nội tại giữa các gia đình trong thời đổi mới. Vì thế, cả phim không sử dụng chuyển động máy. Khuôn hình tĩnh, giàu mỹ cảm, hướng về màu sắc hội họa Phục hưng đề cao tính cổ điển để diễn tả sự vững bền cần thiết của văn hóa gia đình. Còn “Vòng tròn cạm bẫy” là phim thương trường.

Xung đột giữa thế hệ trẻ kinh doanh giành giật từng hợp đồng, mọi thủ đoạn đều được sử dụng. Mọi tình cảm thiêng liêng nhất đều bị chà đạp. Không quan tâm đến câu chuyện, mà quan tâm đến hành vi của nhân vật, xung đột đẩy lên vỡ òa. Chuyển động máy chỉ để thay đổi không gian, sự dịch chuyển chủ yếu giữa các nhân vật tĩnh, nhưng máy chuyển động.

Còn “Những người viết huyền thoại” mà anh đang triển khai?

- “Những người viết huyền thoại” (kịch bản: Nguyễn Anh Dũng) là câu chuyện về đường Trường Sơn và đường ống dẫn dầu với cuộc chiến giữa những con người, trong đó có người lính bộ đội Cụ Hồ ở mặt đất với không lực của Mỹ và quân ngụy (1967)... Phim không ca ngợi một cá nhân, một chiến công mà ca ngợi ý chí cả một thế hệ từ những em bé nhỏ đến những người lính bạc đầu.

Chính những con người bình thường làm nên huyền thoại. Đây là phim tài trợ (khoảng 8,6 tỉ đồng). Khó nhất với tôi là việc tái tạo đường ống dẫn dầu trong chiến tranh được xây dựng dưới bom đạn. Từ đầu đến cuối phim phải lên được sự khốc liệt giữa cuộc chiến hậu phương và tiền tuyến. Quay phim tôi chọn anh Lý Thái Dũng, còn diễn viên chúng tôi đang chọn.

Nó có gì khác so với “Đường thư” và vì sao anh thích làm đề tài chiến tranh?

- Phim “Đường thư” là lát cắt ngang chiến tranh, tránh né để giảm chi phí. Còn phim này là sự bổ dọc qua hành trình một viên tướng đi thị sát chiến trường trước khi xây dựng đường ống dẫn dầu.

Hiện nay nhiều đạo diễn trẻ thích chọn đề tài hiện đại, trong khi mảng chiến tranh bị bỏ quên. Chiến tranh vẫn đang là vấn đề nóng bỏng trên thế giới...

Vì sao VN không có làn sóng điện ảnh trẻ?

- Muốn tạo ra phải có bước đột phá về đầu tư và định hướng theo một chiến lược dài hơi. Hàng loạt vấn đề từ xây dựng rạp chiếu, văn hóa xem phim và đặc biệt cần đầu tư một hệ thống con người với đào tạo ở các khâu từ thiết kế đạo cụ, hiệu quả đặc biệt, hóa trang...

Còn tôi trước đây có tham gia các lớp điện ảnh hiệu quả đặc biệt học ở Đức, sau tự học qua mạng. Nếu đạo diễn rành tiếng Anh thì có thể tự học công nghệ. Nhưng nếu những bộ phận khác không có người cùng làm, thì cũng vứt, vì điện ảnh đòi hỏi tính tập thể cao.

 

 

Lao Động
Tag: Điện ảnh Việt Nam , Phim Việt Nam , Đề tài chiến tranh