Không cần đến cơ sở y tế khám vẫn được cấp giấy chứng nhận sức khoẻ, điều đặc biệt người cần muốn bao nhiêu cũng có.
Giấy chứng nhận sức khoẻ của Bệnh viện Xây dựng được cấp cho người không đến khám theo quy định |
Chỉ cần chi từ 100 nghìn đến 150 nghìn đồng cùng với dòng tin nhắn qua điện thoại di động, người có nhu cầu về giấy khám sức khoẻ có thể được "trang bị" ngay lập tức. Điều đặc biệt, qua quảng cáo cho thấy, nếu khách có nhu cầu, muốn mua bao nhiêu cũng được, trên giấy chứng nhận được mua - bán ấy ghi tên Bệnh viện Xây dựng Hà Nội.
Đặt hàng trước, trả tiền sau
Biết tôi có nhu cầu kiếm giấy chứng nhận sức khoẻ (GCNSK) siêu tốc cho người nhà đang hoàn thiện hồ sơ xin việc làm, anh bạn thân tỏ ra hồ hởi giới thiệu: "Tôi có một địa chỉ cực hay. Ông chỉ cần lấy số điện thoại di động của người cung cấp GCNSK rồi nhắn tin và chỉ việc đợi sau vài phút phía đầu dây bên kia sẽ xác nhận, trả lời".
Việc xuất hiện "nhà cung cấp" GCNSK kiểu mới này vừa giúp người có nhu cầu tiết kiệm về mặt thời gian đi lại, vừa tiết kiệm được thời gian vàng bạc không phải ngồi chờ đợi đến lượt mình khám tại các cơ sở y tế để ra được tờ GCNSK như mong muốn. Trong khi đó, người mua chỉ cần hẹn địa chỉ cụ thể, thậm chí là quán nước sẽ có người mang GCNSK đến giao tận nơi miễn là trả đủ tiền.
Thấy tôi ngạc nhiên, anh bạn bồi tiếp: "Ông không tin cứ lấy số điện thoại thử thao tác xem sao?". Quả đúng như những gì anh bạn thân đã quảng cáo. Sau khi nhắn tin bằng máy di động, chúng tôi dễ dàng "mua" được GCNSK do Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng) cấp, mà không cần phải trực tiếp đến bệnh viện khám hay làm các xét nghiệm gì. Chỉ sau khoảng 2 - 3 phút nhắn một tin nhắn, với nội dung "tôi cần lấy GCNSK, giá bao nhiêu?" vào số máy 0948984…, chúng tôi đã nhận được hồi âm: "Bạn nhắn thông tin: họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, chiều cao, cân nặng của người cần làm, tớ lấy cho. Giá mỗi GCNSK bình thường bằng tờ giấy A3 là 100.000 đồng còn GCNSK dùng để thi bằng lái xe các loại là 150.000 đồng...". Đề cập đến mong muốn làm GCNSK của một bệnh viện khác cấp, người này khẳng định chỉ lấy được của Bệnh viện Xây dựng, không làm được của bệnh việc khác!.
Nhiều cò kiếm được cả chục triệu đồng/tháng nhờ "bán" giấy khám sức khỏe (Ảnh minh họa).
Có hay không sự tiếp tay của bệnh viện?
Anh Trần Tuấn Anh, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: "Từ khi xuất hiện dịch vụ cung cấp GCNSK này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân rất nhiều. Trước kia, mỗi khi đi làm hồ sơ xin việc, tôi phải rất vất vả mới làm được tờ GCNSK, nào thì phải đi lại, xếp hàng chờ đợi cả buổi tại bệnh viện, thậm chí phải nhờ đội ngũ "cò" mồi ở cổng các bệnh viện, cũng khá tốn kém. Bây giờ có dịch vụ này, chẳng cần phải đi đâu hết, chỉ cần cầm máy điện thoại nhắn những thông tin mà họ yêu cầu và chỉ sau một vài tiếng đồng hồ là họ có thể đưa đến tận tay, theo đúng địa chỉ mà giá cũng chỉ 100.000 đồng một tờ GCNSK bình thường và 150.000 đồng đối với GCNSK đối với thi giấy phép lái xe. Nếu muốn dán ảnh, có đóng dấu giáp lai chỉ cần chuyển ảnh qua người làm dịch vụ là xong".
Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Tuấn Hùng, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết thêm: "Vừa qua cơ quan tôi có đợt thi chuyển ngạch cho nên nhiều người có nhu cầu GCNSK. Qua sự giới thiệu của bạn bè tôi đã liên lạc với số điện thoại trên. Lúc đầu cứ ngỡ họ không làm số lượng nhiều được nhưng qua trao đổi phía đầu dây kia cho biết không chỉ 15 - 20 tờ như đề cập mà muốn hàng trăm tờ cũng được. Không chỉ vậy, họ còn nhấn mạnh nếu làm nhiều sẽ được giảm giá từ 100.000 đồng/tờ xuống còn 70 - 80.000 đồng/tờ". "Được việc thật đấy nhưng tôi choáng, không hiểu Bệnh viện hay là cái chợ nữa" - anh Hùng nhấn mạnh".
Theo quy định của bộ Y tế về thủ tục khám, cấp GCNSK được các cơ sở y tế, bệnh viện thực hiện, thì việc quản lý khám, cấp GCNSK rất chặt chẽ. Cụ thể, người muốn có GCNSK phải đến các bệnh viện, cơ sở y tế có thẩm quyền cấp GCNSK đăng kí số, mua giấy khám. Sau đó dán ảnh, điền thông tin cá nhân và đến các phòng khám chuyên để khám. Sau khi hoàn thành các bước này, người khám phải quay lại nơi đăng kí nộp giấy khám sức khoẻ để bộ phận này trình người có thẩm quyền kí, đóng dấu chứng nhận có đủ điều kiện về sức khoẻ hay không.
Tuy nhiên, hiện đang tồn tại dịch vụ cung cấp GCNSK từ xa, không cần đến bệnh viện khám mà lại có con dấu, chữ kí của lãnh đạo Bệnh viện Xây dưng (bộ Xây dựng) cho thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật về Luật khám chữa bệnh. Điều đáng nói, dù không trực tiếp đến khám, nhưng tất cả các thông tin về sức khỏe của đối tượng khám sức khỏe, từ mắt, mũi đến các bệnh về tim, mạch; từ khám lâm sàng đến khám cận lâm sàng đều được ghi đầy đủ trên GCNSK và đều được kết luận là bình thường, với đầy đủ chữ ký, họ, tên của các bác sỹ khám và cuối cùng là ký tên, đóng dấu chức danh phó giám đốc Bệnh viện Xây dựng - TS. BS Bùi Ngọc Minh. Ngay cả phần kết luận của tất cả các GCNSK này đều ghi rõ: "Hiện tại đủ sức khỏe để học tập và làm việc; đủ sức khỏe để lái xe mô tô hạng A1, lái xe ô tô hạng B1, B2...".
Ngoài ra, tất cả những tờ GCNSK đều không ghi ngày khám sức khỏe cũng như ngày hết hạn khiến cho người dùng có thể sử dụng vào bất kỳ thời gian nào, trong khi đó GCNSK chỉ có giá trị trong vòng 6 tháng. Đặc biệt hơn, với kiểu "cấp" siêu tốc như vậy chắc chắn sẽ không tránh khỏi những trường hợp không đủ sức khỏe, cụt chân, cụt tay, mù mắt..., thậm chí là đã chết cũng vẫn được cấp GCNSK. Có thể thấy, không phải ngẫu nhiên trong các hồ sơ đều bắt buộc phải có GCNSK với thời gian khám gần nhất. Bởi lẽ, đây là điều kiện tiên quyết để xác định xem người đó có đảm bảo sức khỏe để công tác, học tập... hay không, rồi mới tính đến các điều kiện khác. Vậy mà không hiểu sao, hiện vẫn có rất nhiều GCNSK của Bệnh viện Xây dựng được cấp một cách tràn lan, không cần biết người đó như thế nào.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?