Chiếu theo mức giá của Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền, trường hợp anh Thành tìm mẹ Út nếu giám định ADN vào năm 2008 sẽ mất chừng 2 – 5 triệu.
Nhà báo Thu Uyên |
Như chúng tôi đã thông tin, liên quan đến những phát biểu của LS Trần Đình Triển - Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân (Hà Nội) trên trang facebook cá nhân cho rằng nhà báo Thu Uyên đã không trung thực trong việc tìm người thất lạc ở 2 chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" (NCHCCCL) số 3 và số 11, ngày 27/11/2013 trên trang haylentieng.vn và daotao.vtv.vn, ông Đỗ Minh Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Sài Gòn Buổi Sáng (đối tác sản xuất của VTV trong chương trình "NCHCCCL") đã có bài viết “Như chưa hề có cuộc chia ly… không bao giờ lừa dối khán giả và những người bị chia ly" trao đổi lại về vấn đề này. Song song đó, nhà báo Thu Uyên cũng lên tiếng.
Luật sư Triển mạo danh nhân viên Viettel?
Ngày 28/11/2013, trong bài viết “Như chưa hề có cuộc chia ly… không bao giờ lừa dối khán giả và những người bị chia ly" đăng trên trang haylentieng.vn có bổ sung thêm 1 video clip dài 8 phút 26 giây ghi lại cuộc trao đổi giữa anh Nguyễn Hữu Thành (hồ sơ MS23, là nhân vật được phát sóng trong chương trình "NCHCCCL" số 3) và 2 người mặc áo phông đen có in dòng chữ "Như chưa hề có cuộc chia ly" ở lưng áo. Trong clip này, anh Thành cho biết dù không tìm được người mẹ thực sự nhưng vẫn cảm ơn chương trình "NCHCCCL" và bày tỏ sự thông cảm với chương trình. "Trong cuộc sống cái nào cũng có sơ sót nhưng mà khi mình sơ sót mình biết sửa thì mình mới gọi là hay. Còn mình sơ sót mà mình ém nhẹm thì đó là điều không tốt" - anh Thành chia sẻ.
Clip ghi lại ý kiến của anh Nguyễn Hữu Thành trên trang haylentieng.vn.
Vẫn trong clip, anh Thành cho biết, vào khoảng 10h ngày 21/11/2013 có một số điện thoại gọi cho anh với giọng Bắc hỏi anh khỏe không và khi gặp mẹ thì chương trình ra kỳ mấy. Anh Thành hỏi "Hỏi như vậy làm chi?" thì người này cho biết hỏi để tổng kết lại trong mấy năm. Sau đó, người này chào anh Thành và cúp máy. Khi người nữ trong clip hỏi "Thế người đó có nói họ ở đâu không?" thì anh Thành nhớ lại: "Họ có nói tên nhưng cái giọng Bắc và lúc đó anh đang chạy xe thành nghe không được rõ lắm, hình như nghe thấp thoáng là của công ty Viettel để tổng kết tài trợ của chương trình trong mấy năm".
Thế nhưng, trong bài viết của mình đăng trên trang haylentieng.vn và daotao.vtv.vn, ông Đỗ Minh Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Sài Gòn Buổi Sáng (đối tác sản xuất của VTV trong chương trình "NCHCCCL") lại viết:
"Vào lúc 09h50 sáng ngày 21/11/2103, anh Thành nhận được 1 cuộc điện thoại từ số thuê bao 0914449999 (còn lưu trong máy). Một giọng nam tiếng Bắc xưng là người của VIETTEL hỏi thông tin để “báo cáo tổng kết chương trình”. Người này hỏi anh Thành đã được đoàn tụ trong số mấy, tháng nào, năm nào. Anh Thành trả lời: Số 3, tháng 2/2009. Theo xác minh của chúng tôi, số điện thoại 0914449999 là số do Văn phòng Luật sư Vì Dân, địa chỉ 28 ngõ 81 Đặng Văn Ngữ, Hà Nội".
Luật sư Trần Đình Triển
Rõ ràng, anh Thành nói là "nghe không được rõ lắm, hình như nghe thấp thoáng là của công ty Viettel" nhưng ông Hoàng viết như trên đã khiến người đọc hiểu nhầm là anh Thành khẳng định người gọi điện xưng là người của Viettel và luật sư Trần Đình Triển đã cố ý giả danh người của Viettel để gọi cho anh Thành. Trao đổi về chi tiết này, luật sư Triển cho biết trên trang cá nhân: "Việc tôi có gọi cho anh Thành tôi không mạo danh ai cả, cũng không mạo danh Viettel, tôi giới thiệu với anh Thành: “Anh là luật sư Triển ở Hà Nội”. Việc công ty và chị Thu Uyên nêu lên như vậy là vu khống, tôi đề nghị đưa băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa tôi và anh Thành lên để cho mọi người nghe".
Giám định ADN có khó?
Cũng trong bài viết trên, ông Đỗ Minh Hoàng cho biết: "Chúng tôi đã cử 4 đội tìm kiếm tiến hành 5 chuyến công tác tại Tiền Giang và Đồng Tháp. Cuộc tìm kiếm bắt đầu từ khi Chương trình NCHCCCL còn chưa lên sóng và kéo dài hơn 4 tháng liên tục. Đây là hồ sơ thứ 8 được “đóng” đối với Đội tìm kiếm thuộc Công ty Truyền thông Sài Gòn Buổi Sáng (SGBS) – đối tác sản xuất của VTV trong chương trình này. Địa bàn tập trung tìm kiếm là An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Quá trình tìm kiếm được kể sơ qua trong Chương trình trực tiếp và được ghi lại trong hồ sơ lưu MS23. Tìm theo tổ hợp tên “Lê Thị Út – Lê Văn Được” không ra. Tìm theo tra cứu tên của những bà Lê Thị Út sinh năm 1949 cũng không ra. Cuối cùng, Đội viên tìm kiếm Lý Trung Dũng nhận được thông tin mách bảo từ Công an xã Thiện Trung cho biết trong ấp có một gia đình có hoàn cảnh phải cho con đi đúng như vậy, nhưng không thể khai tên thật, mà phải mượn tên của người hàng xóm là Lê Thị Út, vì người mẹ lúc đó là du kích.
Như vậy, thông tin khai trên tờ Ủy thác có thể không chính xác. Kết hợp với việc trước đó nhờ tra cứu số căn cước của người mẹ được ghi trên giấy cũng không ra kết quả nào, chúng tôi đã khẳng định: Thông tin trên tờ Ủy thác là thông tin giả. Gia đình, người mẹ, người dì, người hàng xóm Lê Thị Út đều khẳng định thời điểm, địa điểm cho con đi trùng khớp với hồ sơ tìm kiếm.
Đây là trường hợp một bên khớp thông tin hoàn toàn, một bên lại không có một chút trí nhớ nào (vì chia ly từ lúc sơ sinh). Những trường hợp như vậy hiện nay, NCHCCCL phải nhờ xét nghiệm ADN mới quyết định. Nhưng, vào đầu năm 2008, NCHCCCL vừa hoạt động được vài tháng, chưa hề có sự hợp tác giúp đỡ từ Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền (TT ADN), nên chúng tôi tin vào sự trùng hợp hiếm có giữa hoàn cảnh của anh Thành với người mẹ du kích. Do đó, một cuộc đoàn tụ được tổ chức, trong sự xúc động chân thành của những người trong cuộc, ekip thực hiện, cũng như khán giả truyền hình".
Để có được thông tin chính xác nhất gửi đến độc giả, chúng tôi đã tìm hiểu và được biết, ở thời điểm năm 2008, việc xét nghiệm ADN - cơ sở quan trọng nhất để những người thất lạc trong chương trình nhận biết nhau - không phức tạp và quá đắt đỏ đến mức một chương trình lớn của Đài Truyền hình Việt Nam lại không đủ khả năng thực hiện. Lý giải của ông Hoàng là vì “chưa hề có sự hợp tác giúp đỡ từ Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền" nên cty không tiến hành xét nghiệm ADN, liệu có đủ sức thuyết phục?
Được biết, Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền kể trên có cơ sở 1 ở số 278 Thụy Khuê, Hà Nội (toà nhà Song Thủy), cơ sở 2 ở P.108, nhà E3, Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội.
Chúng tôi đã tìm được bản “Lệ phí xác định huyết thống” đề ngày 18/2/2005 của Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền cơ sở 2. Theo đó, mức giá xét nghiệm 2 mẫu của mẹ (hoặc bố) và con trong 10 ngày là 2 triệu đồng, trong 6 ngày là 3,5 triệu đồng, trong 4 ngày là 5 triệu đồng. Thời gian xét nghiệm càng rút ngắn thì số tiền tăng lên tương ứng. Trung tâm này cũng có sẵn mẫu đơn xin xét nghiệm ADN, thủ tục xét nghiệm ADN, chỉ dẫn lấy máu khô, chỉ dẫn lấy mẫu tế bào máu.
Lệ phí xác định huyết thống của Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ Di truyền.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia về giám định ADN cho biết: “Tính từ năm 2008 trở về trước, ít nhất có 3 nơi có khả năng xét nghiệm ADN đó là: Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an; Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền; và Viện Công nghệ sinh học việt Nam.
Việc xét nghiệm ADN ở các nơi hầu như có quy trình rất đơn giản, thuận tiện. Mức giá của năm 2008 và kể cả ở thời điểm hiện tại cũng không tăng nhiều so với thời điểm giá của những năm 2005. Được biết, phí giám định ở Viện Khoa học Hình sự vào thời điểm năm 2008 khoảng từ 5 – 7 triệu đồng cho 2 mẫu mẹ (hoặc bố) và con trong thời gian giám định là 1 tuần đến 10 ngày”.
Như vậy, chiếu theo mức giá trên của Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền (cơ sở 2), trường hợp anh Nguyễn Hữu Thành tìm mẹ Lê Thị Út nếu giám định ADN vào năm 2008 sẽ mất chừng 2 – 5 triệu đồng (thời gian giám định từ 4 – 10 ngày). Cứ cho rằng chương trình, nhà báo Thu Uyên và ông TGĐ Đỗ Minh Hoàng phải đợi thêm 10 ngày và bỏ ra thêm số tiền 2 triệu đồng để xác định rõ ràng quan hệ huyết thống của anh Thành và bà Út thì có quá khó khăn đối với một chương trình mang tầm Quốc gia hay không? Hay 2 triệu đồng là cái giá quá đắt để tìm sự thật - nhất là sự thật ấy chứng minh tình máu mủ của một con người? Khi chưa có kết quả xét nghiệm thì việc vội vàng công bố chiến công trên sóng truyền hình trực tiếp có hợp lý hay không? Chúng tôi tin rằng mỗi bạn đọc sẽ có sự đánh giá của riêng mình.
- 7 ngày nữa nếu muốn xuất nhập cảnh, công dân bắt buộc phải thực hiện quy định mới này
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/7/2025, đối tượng nào được hưởng lợi khi trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần mức cũ
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành