Tải trọng thiết kế của cầu khoảng 1,5 tấn, tuy nhiên 50 người cùng lên cầu khi đưa tang khiến cáp treo bị đứt hất đoàn người cùng chiếc quan tài xuống suối.
Cầu treo bị đứt dây cáp và đổ nghiêng, khiến hàng chục người bị hất xuống suối. Ảnh: Sơn Thủy |
Trao đổi với PV về vụ tai nạn sập cầu khiến 7 người tử vong, ông Vàng A Hồ, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết vụ tai nạn xảy ra khi hàng chục người dân dự đám tang một người trong xã. Khi cả đoàn đi qua cầu treo nối bản Chu Va 8 với Chu Va 6 (thuộc xã Sơn Bình) thì bất ngờ dây cáp bị đứt.
"Một trong hai dây cáp chịu lực chính bị đứt, làm cầu nghiêng hẳn sang một bên, hất cả đoàn người cùng chiếc quan tài rơi xuống con suối cạn nước. Đây là vụ tai nạn thương tâm nhất từ trước tới nay ở xã", ông Hồ cho biết thêm.
Sự việc xảy ra khiến hàng chục người bị rơi xuống lòng suối và bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Hiện tại, sau khi sơ cứu, 27 nạn nhân đã được chuyển lên bệnh viện tỉnh Lai Châu, còn lại 10 người tiếp tục được điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Tam Đường.
Hơn 30 người bị thương được đưa vào bệnh viện Tam Đường cấp cứu. Ảnh: Sơn Thủy
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã lên Lai Châu để thăm hỏi các nạn nhân bị tai nạn. Ông Thăng sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu sáng 25/2 về nguyên nhân vụ tai nạn.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, cho biết, nguyên nhân vụ tai nạn có thể do cầu treo bị quá tải trọng. Trọng tải thiết kế của cây cầu treo này là 1,5 tấn song thời điểm xảy tai nạn có tới 50 người trên cầu khiến dây cáp bị đứt. Cây cầu này là công trình phục vụ dân sinh của huyện, không thuộc diện quản lý của Bộ Giao thông.
Ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Sở Y tế Lai Châu cho biết, ngành y tế tập trung toàn bộ nhân lực để cấp cứu nạn nhân vụ sập cầu.
“Ngay sau khi nhận được tin báo, 10 xe cứu thương đã được huy động đến hiện trường. Các bệnh nhân được sơ cứu, phân loại trường hợp nhẹ được chuyển đến Bệnh viện huyện Tam Đường, nặng thì chuyển lên tuyến trên. Bệnh viện đa khoa tỉnh chuẩn bị sẵn sàng 8 phòng mổ để cấp cứu các nạn nhân”, ông Hoan cho biết.
Theo ông Hoan, theo phong tục của người Mông đưa tang là chạy chứ không đi. Có thể vì lý do này mà dây cáp ở đầu mố cầu bị đứt, cầu nghiêng về một bên khiến những người trên cầu rơi xuống suối. Bên dưới toàn là đá cuội, đá to nên nhiều trường hợp bị chấn thương sọ não, mất máu nặng.
Cây cầu bị sập, xoắn vặn. Ảnh: Báo Lai Châu.
Ủy ban ATGT Quốc gia đã hỗ trợ các gia đình có người chết 2 triệu đồng, người bị thương 1 triệu đồng, Bộ Giao thông cũng hỗ trợ gia đình có người chết 3 triệu đồng, người bị thương 1 triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Lai Châu, cho biết, lãnh đạo tỉnh đã đến thị sát hiện trường, cấp cứu nạn nhân. Tỉnh đã hỗ trợ gia đình có người chết 5,4 triệu đồng, người bị thương 2,7 triệu đồng.
Trước đó, vào 8h30 sáng 24/2, đoàn người đưa tang đang qua cầu treo ở xã Sơn Bình (Tam Đường, Lai Châu) thì bất ngờ cầu đứt cáp. Hơn 40 người rơi xuống suối, 7 người chết và 33 người khác bị thương.
Trao đổi với PV, một chuyên gia xây dựng cầu cho biết, cầu treo thường được thiết kế dây cáp chịu lực rất tốt, việc cáp bị đứt là rất hy hữu. “Nếu điều này xảy ra thì do chất lượng cáp không đảm bảo. Và bài toán đặt ra dành cho người thi công và nơi nhập dây cáp”, chuyên gia này nói. Trường hợp neo bị tuột, chuyên gia này phân tích, có thể địa phương không thực hiện việc bảo trì, bụi cát nhiều khiến thanh neo bị hoen gỉ, chất lượng neo suy giảm. Bên cạnh đó thiết kế và thi công không đảm bảo sẽ dẫn đến hậu quả. Về nguyên nhân liên quan tải trọng, theo vị chuyên gia rất dễ để xác định. Trong hồ sơ thiết kế bao giờ cũng có thông số về tải trọng dành cho người hoặc phương tiện đi qua. Với cây cầu ở Sơn Bình (Lai Châu), chỉ cần tính toán tải trọng của những người có mặt trên cầu rồi so sánh thông số trong hồ sơ thiết kế sẽ có được kết quả. Vị chuyên gia cũng không loại trừ hiện tượng cộng hưởng, nhưng ông cho rằng ít khả năng này. Hiện tượng cộng hưởng xảy ra khi nhiều người cùng bước đều trong khi ở Sơn Bình mọi người có thể sẽ đi lộn xộn. Một kỹ sư cầu đường khác nhận định, việc đứt cáp ở cây cầu mới hoạt động gần 2 năm rất khó. “Cần xem xét chất lượng cây cầu. Nếu nguyên nhân do tải trọng thì vấn đề có thể đặt ra là các đơn vị liên quan đã không để biển báo tải trọng ở đầu cầu để người dân biết”, kỹ sư này nói. |
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?