Nguy hiểm cống mất nắp 'nuốt' người
Thứ bảy, 21/04/2012 08:30

Giữa Thủ đô, nhan nhản những chiếc cống không nắp có thể “nuốt” cả ô tô, xe máy, là nguyên nhân gây tai nạn cho người tham gia giao thông.

Tối 15/4, phóng viên Ngọc Mai đi trên đường đi qua khu tái định cư Nam Trung Yên-Hà Nội (đoạn phía sau toà nhà Keangnam) bị rơi cả người và xe máy xuống cống sâu không có nắp, ngất xỉu.

Hậu quả, xe máy Liberty vỡ nát, người sây sát, dập cơ đùi. Chị Mai kể lại: “Lúc đó, 2 xe máy đi ngược chiều với pha đèn chiếu xa nên mắt tôi bị loá, đi nép vào lề đường. Bỗng dưng mặt mũi tối sầm, cả người và xe lọt xuống cống. Cũng may, người kẹt lại trên xe máy nếu không cầm chắc cái chết, vì dưới hố có đủ loại gạch đá, bê tông”.

Phóng viên Tiền Phong chưa phải là nạn nhân duy nhất sa xuống cống không nắp này Ảnh: Đình Thắng

Phóng viên chưa phải là nạn nhân duy nhất sa xuống cống không nắp này.  (Ảnh: Đình Thắng)

Theo chị Mai, cái hố mất nắp này đã từng là nguyên nhân “cướp” nhiều mạng sống. Những người cứu giúp Mai kể: Cách đó không lâu, một taxi Kia morning bị rơi xuống cống này.

Trước đó, một cháu bé đi xe đạp cũng lao xuống hố, nghe nói bị chấn thương sọ não nặng, không qua khỏi.

Có mặt tại khu tái định cư Nam Trung Yên, nhóm PV tận mắt thấy nhiều cống mất nắp hoặc vì nắp yếu nên phải dùng các khối bê tông chặn xung quanh.

Có những cống hình chữ nhật có chiều rộng và dài 2-3 m, sâu cỡ 2 m (không phải loại nắp gang nhỏ).

Có lẽ vì quá nguy hiểm nên người dân dùng gạch, cành cây cắm vào báo hiệu cho người tham gia giao thông tránh. Tuy nhiên, những cảnh báo nguy hiểm kiểu tự phát không đủ tới những người lưu thông vào buổi tối.

Nhiều người qua đường cũng cho biết, cả Hà Nội sợ nhất vẫn là những hố mất nắp quanh khu vực Nam Trung Yên, Lê Văn Lương, Phạm Văn Đồng... Điều đáng sợ nhất, quanh những nơi này có nhiều trường tiểu học, trẻ em tan tầm có khi khá muộn, lúc trời tối.

Có nhiều hố do nắp cống yếu, người dân dùng gạch hoặc tấm bê tông, dây chằng đủ loại quây xung quanh. Nhiều người lạ vào khu vực này cũng có thể gặp nguy hiểm do vướng phải những vật cản bất ngờ trên.

Trao đổi với một lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội về những cống không nắp trên đường, ông cho biết, trách nhiệm chung là của UBND thành phố.

Trách nhiệm cụ thể liên quan nhiều ban ngành, trong đó có Sở Xây dựng, công ty thoát nước... Còn nếu là đường nội bộ của dự án nào đó thì có trách nhiệm của chủ đầu tư.

Chiều 19/4, trao đổi với PV, Phó Chánh thanh tra GTVT Hà Nội Hoàng Văn Mạnh nói: “Nếu chúng tôi phát hiện ra sẽ báo cho cơ quan quản lý sửa chữa. Trách nhiệm chính ở bên thoát nước và Sở Xây dựng Hà Nội”.

Khi được PV thông báo về địa điểm những chiếc cống không nắp, ông Mạnh nói: “Khả năng chủ đầu tư chưa bàn giao cho đơn vị quản lý”.

Có thể kiện đòi bồi thường

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), nạn nhân của những hố ga không nắp có thể căn cứ Bộ Luật dân sự và Luật Giao thông đường bộ để quy trách nhiệm, yêu cầu bồi thường. Vì theo quy định, đơn vị quản lý công trình đường bộ có trách nhiệm đảm bảo an toàn kỹ thuật của công trình đường bộ.

Trong trường hợp xảy ra tai nạn do chất lượng quản lý, bảo trì công trình không đảm bảo, thì cơ quan quản lý công trình đường bộ có trách nhiệm liên đới bồi thường theo quy định của pháp luật. Còn nếu đoạn đường chưa bàn giao, thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Việc bồi thường thiệt hại sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ Luật dân sự về “trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.

 

TP
Tag: An toàn giao thông , Chất lượng công trình giao thông , Giao thông đô thị , Hà Nội