Người gây ra vụ cháy nổ định mệnh lãnh bao nhiêu năm tù?
Thứ bảy, 02/03/2013 13:18

Các luật sư phân tích trách nhiệm người gây cháy nổ từ vụ nổ sập nhà làm thương tâm của ông Phương 'khói lửa'.

Hiện trường sau vụ nổ nhà ông Phương

Hiện trường sau vụ nổ nhà ông Phương

Liên quan đến những vụ cháy nổ nghiêm trọng gần đây, đặc biệt là vụ nổ tại nhà ông Lê Minh Phương (ở P.8, Q.3, TP.HCM) làm 10 người chết, gây thiệt hại nghiêm trọng cho những người xung quanh, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Công Ly Tao (Phó chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM) và luật sư Nguyễn Thành Công (giám đốc Công ty Đông Phương luật) về mặt pháp lý của vụ việc.

Luật sư Nguyễn Thành Công cho biết, hiện có rất nhiều vụ nổ gây thiệt hại về người và của rất nghiêm trọng như vụ nổ tại nhà ông Lê Minh Phương và vụ gần đây nhất là nổ tại Cần Thơ vào ngày 30/12/2012 làm 4 trẻ em thiệt mạng và 5 người bị thương…. Thế nhưng, để truy cứu trách nhiệm hình sự hay dân sự thì cần phải dựa vào nguyên nhân, hậu quả và diễn biến của nó.

Như vụ nổ tại nhà ông Phương thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được. Bởi ông Phương và vợ con đã chết nên chỉ được truy cứu trách nhiệm dân sự bằng khối tài sản mà người đã khuất để lại.

Trong vụ này, người bị thiệt hại về tài sản có thể khởi kiện để đòi lại quyền lợi hợp pháp cho mình. Vì ông Phương là người có hành vi tàng trữ vũ khí và gây ra vụ cháy nổ nghiêm trọng dẫn đến thiệt hại cả người và của thì những người anh em trong gia đình ông Phương phải có nghĩa vụ lấy số tài sản ông để lại bồi thường cho người bị thiệt hại.

Còn như vụ nổ ở Cần Thơ cách đây không lâu, để truy cứu trách nhiệm, cơ quan chức năng cần phải xem xét vật liệu nổ này có phải là chất nổ hay không. Nếu là chất nổ thì việc sở hữu hoặc quản lý của người đó có hợp pháp không. Nếu không hợp pháp thì phải truy cứu nhiệm hình sự và buộc phải bồi thường dân sự đối với người gây ra vụ án.

Những tội danh có thể truy cứu trách nhiệm với người gây ra vụ nở ở Cần Thơ là: mua bán, tàng trữ, sử dụng… vật liệu nổ, vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự ở các điều 230, 232, 233 và 238 của bộ luật hình sự. Tuy nhiên cũng cần phải xác định, chất nổ đó là gì để quy định tội danh tương ứng.

Với những vụ cháy nổ nghiệm trọng do vô ý như: đốt rác, nấu ga…mà gây thiệt hại về tài sản và làm chết người thì truy cứu vào tội “vô ý làm chết người”. Còn với những người tràng trữ chất chất dễ gây cháy nổ mà làm cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản thì bị truuy tố vào hai tội “vô ý làm chết người” và tội “tàng trữ trái phép chất gây cháy nổ”.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Công Ly Tao còn cho rằng, trong những vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng, người gây ra đã tử vong hoặc gia đình không còn ai thì cơ quan điều tra phải có trách nhiệm thu thập, xác minh, làm rõ nếu có người nào liên quan mà còn sống thì cần phải khởi tố bị can.

Ví dụ, một vụ cháy do phá hoại, nếu trong quá trình khởi tố vụ án, tìm ra người gây án thì phải sử lý hình sự họ về tội “hủy hoại tài sản”. Nếu nằm vào nguyên nhân khách quan, không phải do con người gây ra thì phải tìm hiểu trách nhiệm của người quản lý.

Như trong trường hợp của ông Phương thì cũng cần phải xem xét một phần trách nhiệm của sở đầu tư và của chuyên viên về cháy nổ vì đã cho ông Phương xây dựng, tàng trữ những vật dụng cháy nổ trong nhà.

Theo Điều 285 của bộ luật hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:

Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

VTC News

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Cháy nổ , 10 người chết , Tai nạn , Phương khói lửa , Vụ nổ định mệnh , Cứu người , TP. HCM