Người chăn nuôi đổ sữa ra đường để phản đối doanh nghiệp
Chủ nhật, 11/01/2015 09:29

Nhiều hộ chăn nuôi bò sữa tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đã đem sữa tới trước trạm thu mua sữa Cầu Sắt đổ đầy đường để phản đối quy định thu mua mới của doanh nghiệp.

Người chăn nuôi đổ sữa ra đường để phản đối doanh nghiệp

Người chăn nuôi đổ sữa ra đường để phản đối doanh nghiệp

Tin tức trên báo chí cho hay, sáng 10/1, nhiều gia đình chăn nuôi bò sữa tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đã đem sữa tới trước trạm thu mua sữa Cầu Sắt, xã Tu Tra đổ đầy đường để phán đối quy định mới của Dalat milk.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Chủ nhiệm HTX bò sữa Cầu Sắt, xã Tu Tra, Đơn Dương cho biết, nguyên nhân khiến người dân bức xúc dẫn tới hành động trên là do quy định mới trong việc thu mua sữa của Dalat milk đã khiến người chăn nuôi bức xúc vì bị thiệt hại rất nặng.

do-sua-ra-duong3-1420943171

Người dân bức xúc đổ sữa ra đường vì quy định thu mua mới

Cụ thể, công ty chỉ thu mua một con bò sữa là 16 lít/ngày, trong khi trung bình mỗi con bò sữa một ngày cho khoảng 20 lít sữa. Với kiểu khống chế trên, mỗi ngày một hộ chăn nuôi thiệt hại từ 500.000 – 700.000 đồng. 
“Trước việc không chế giá sữa hết sức vô lý trên, sáng 10/1 nhiều hộ chăn nuôi đã đem sữa tới trạm thu mua sữa đổ để phản đối”, ông Nguyễn Hoàng Nhật nói.

Trong khi đó, hàng chục gia đình chưa ký được hợp đồng tiêu thụ sữa tại huyện Đơn Dương nay hằng ngày phải đem sữa đi bán lẻ với giá chỉ 5.000 đồng/lít, nhưng bán được với số lượng rất ít. Số sữa thừa còn lại những hộ này phải đem cho hoặc đổ bỏ vì chỉ sau 2 tiếng nếu không được đưa vào kho lạnh bảo quản sữa sẽ bị chua, hư hỏng.

Lý giải về nguyên ngân khiến doanh nghiệp này hạn định số lượng sữa thu mua, chia sẻ trên báo chí, ông Ngô Minh Hải - Tổng giám đốc Dalat Milk cho hay đơn vị quy định như vậy là căn cứ vào sản lượng sữa trung bình của đàn bò được nuôi theo quy mô nông hộ cũng như tình hình thực tế tại địa phương chỉ đạt khoảng 16 lít sữa/ngày/con. Điều này cũng để tránh tình trạng người chăn nuôi chưa ký hợp đồng với Công ty nhưng vẫn gửi sữa cho những hộ đã ký hợp đồng bán giùm.

Cũng theo ông Hải, việc thu mua sữa quá nhiều sẽ gây sức ép tiêu thụ và sản xuất của công ty, lượng sữa thu mua vượt giới hạn đã khiến nhà máy bị quá tải. Công suất tối đa của Công ty chỉ đạt khoảng 4 tấn sữa/ngày, nhưng hiện đã phải thu mua lên tới 9 tấn sữa/ngày.

Tuy nhiên, ông Hải cũng cho biết thêm, nếu hộ nào có lượng sữa vượt quá sản lượng định mức thì thông báo để Công ty cử cán bộ có chuyên môn đến kiểm tra và cho phép thì mới được nhập phần sữa trên định mức.

Ngay khi sự việc sáng 10/1 xảy ra, đại diện Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng và chính quyền địa phương đã trực tiếp làm việc với Dalat Milk để tìm hướng khắc phục, bảo vệ quyền lợi cho nông dân. Trước mắt, đề nghị phía công ty phải tổ chức thu mua sữa đầy đủ cho bà con, sau đó tiến hành họp những hộ chăn nuôi để cùng tìm biện pháp giải quyết hợp lý.

Nguồn tin cho biết thêm, hiện tổng đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng là trên 13.600 con, bằng 148% so với kế hoạch (kế hoạch là 9.200 con) và tăng 78% so với năm 2013. Trong đó, tổng đàn bò cái vắt sữa chiếm khoảng 50%, sản lượng sữa tươi sản xuất ra khoảng 100 tấn/ngày, tổng sản lượng sữa tươi năm 2014 ước đạt khoảng 35.000 tấn.

Cũng theo thống kê của UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện tổng số hộ mới chăn nuôi bò sữa chưa ký hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp là 208 hộ, với tổng số bò sữa là 901 con.

Doisongphapluat.com

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: nguoi chan nuoi bo , chan nuoi , chan nuoi bo , do sua ra duong , nguoi chan nuoi do sua ra duong , tin , bao