Những ngày qua, song song việc lên án quyết liệt hành động xâm phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc, ngư dân lại càng khích lệ nhau tham gia đánh bắt bình thường.
Ngư dân vẫn vươn khơi dù giàn khoan trái phép chắn ngư trường |
Nhiều ngày qua, con đường ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa của các nghiệp đoàn, hội nghề cá miền Trung bỗng chốc bị cản trở khi Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan gần đảo Tri Tôn (Hoàng Sa, Đà Nẵng). Tạm thời gạt qua mọi phẫn nộ, phải đi đường vòng cách xa giàn khoan tốn kém… ngư dân vẫn ngày ngày bám biển.
Sáng 9/5, tại cảng cá Thuận Phước (Đà Nẵng) lão ngư Phan Văn Hùng (SN 1956, ngụ Thanh Khê Tây, quận Thanh Kê) cùng 7 người tham gia “đi bạn” vẫn có mặt trên chuyến tàu ĐN 98256 do anh Hùng làm chủ. Không ai bảo ai, họ thoăn thoắt chất đá, bơm dầu, nước ngọt, nhu yếu phẩm chuẩn bị lên đường ra ngư trường Hoàng Sa. Ngư dân Hùng nói: “Tàu tui mới cập bờ được 2 hôm, chừ lại đi tiếp đó. Chuyến vừa rồi ra khơi hơn nửa tháng, quay về cá đầy khoang. Vào vụ cá nam, phải tranh thủ đánh bắt. Khó khăn chi cũng gạt. Ngư trường của mình mà”. Mấy người “đi bạn” kể thêm: “Tại cái giàn khoan của Trung Quốc án ngữ ngay lối ra vào ngư trường đánh bắt, cùng “cả mớ” tàu chiến xung quanh buộc tàu tụi tui phải đi vòng mất hơn mấy tiếng đồng hồ để đến nơi. Phần tốn tiền dầu cho hàng chục hải lí chạy thêm, vừa đánh bắt vừa trông chừng nên dù thu hoạch tốt cũng không thể lời lãi được như mọi năm”.
Tại bãi neo đậu tàu thuyền ven sông Hàn, ông Lê Văn Tiến (ngụ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, tổ trưởng đội tàu Xuân Hà) cũng tất bật tu sửa trang thiết bị, cạp mạn thuyền chắc chắn để tiếp tục ra khơi. Sau tuần đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, ngày 8/5, tàu ĐN 90052 của ông đã cập cảng trúng đậm hơn 15 tấn cá ngừ. Song ông cùng 12 thuyền viên vẫn không thể cười tươi như mọi năm bởi lãi ròng chỉ chưa đến 20 triệu đồng, ít hơn so với các năm khác. Đợt vừa qua, khi phát hiện được nơi có luồng cá, cho tàu vào khai thác, lại bị tàu của Trung Quốc ra đuổi nên chuyến đi vừa rồi của tàu ông kéo dài thêm 3 ngày, năng suất làm việc cũng giảm. “Mà tức lắm. Tụi tui ở ngay trên ngư trường của mình”, ông Tiến bức xúc. Hơn 30 năm đi biển, lại từng va chạm với “tàu lạ” nên ông Tiến rất nhiều kinh nghiệm. Lâu nay ông vẫn thường cho tàu khai thác vùng biển phía Nam Hoàng Sa. Nhưng mấy ngày qua ngư trường này bị “cấm” khiến không chỉ tàu ông mà hầu hết các tàu miền Trung đều bị rượt đuổi. Hiện đang vào cao điểm mùa đánh bắt, nếu không gặp phải sự cản trở, có khi không cần đến 2 tuần mà chỉ 2 ngày, tàu cũng có thể đầy ắp cá.
Tương tự, ngư dân Quảng Ngãi những ngày qua cũng bức xúc việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981. Ngư dân Phùng Văn Hải, chủ tàu cá số hiệu QNg 49474, đại diện cho đội tàu 6 chiếc chuyên đánh ở ngư trường Hoàng Sa vừa cập bến trong chiều ngày 9/5 tại cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) kể, đội tàu ông đang đánh bắt, dù cẩn thận đi cách xa giàn khoan nhưng vẫn thấy rất nhiều tàu chiến của Trung Quốc vờn quanh.
Do mỗi chuyến chạy vòng mất thêm vài tiếng đồng hồ, tốn thêm tiền dầu hàng chục triệu đồng, nên dù đánh bắt được nhiều cá, lời lãi vẫn giảm đi.
Tất cả những ngư dân chúng tôi tiếp xúc đều chung một quyết tâm: “Mà có lỗ tụi tui cũng đi”. Ông Tiến cho biết, những ngày qua, song song việc lên án quyết liệt hành động xâm phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc, ngư dân lại càng khích lệ nhau tham gia đánh bắt bình thường. Để tránh hành động gây hấn từ phía Trung Quốc, tổ ngư nghiệp của ông Tiến luôn đưa ra nguyên tắc: Không tự ý đi đánh bắt riêng lẻ nhằm đề phòng bất trắc. Nếu gặp tàu Trung Quốc, cần tránh va chạm, đồng thời thông tin liên lạc về đất liền ngay lập tức để lực lượng chức năng có hướng xử lý các sự cố thích hợp nhất.
Ngư dân Hải cho hay, tàu của ông từng nhiều lần bị “tàu lạ” đuổi bắt cản phá, đốt ngư cụ….nhưng chưa bao giờ ông từ bỏ ý định bám biển. Lần này cũng vậy, dù phía Trung Quốc có ngang nhiên đưa giàn khoan cùng tàu chiến vào, xâm phạm hải phận Việt Nam, gây cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động… nhưng ông không cảm thấy nhụt chí. “Ngư trường khơi xa vốn lưu xương máu của cha ông nên việc đi đánh bắt hôm nay còn mang ý nghĩa gìn giữ truyền thống tiên tổ. Chúng tôi không chùn bước, không ngại khó, không sợ hãi, quyết tâm bám biển”, ông Hải nói. Cũng theo ông Hải, ngư dân mong muốn Nhà nước cần có ngay những hành động tích cực, sớm giải quyết tình hình, để họ yên tâm ra khơi làm ăn.
Theo ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội nông dân TP.Đà Nẵng, toàn thành phố có 160 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, chủ yếu ở vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa, trong đó có hàng chục tàu với công suất từ 500 CV trở lên. Ngư dân đều thành lập các tổ đội tương hỗ, được trang bị kiến thức căn bản về việc xác định lãnh hải chủ quyền, máy móc liên lạc…
Ngày 3/5, Cục Hải sự Trung Quốc đơn phương thông báo triển khai giàn khoan nước sâu Hải dương 981 tại biển Đông tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc – 111o12’06” kinh Đông. Địa điểm này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý và trên thềm lục địa của Việt Nam. Giới chức Trung Quốc còn đòi cấm hoạt động của tàu thuyền trong phạm vi bán kính 3 hải lý tính từ giàn khoan.
Số lượng tàu Trung Quốc tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 trong các ngày 2 và 3/5 là khoảng 40 tàu. Đến ngày 7/5, Trung Quốc huy động cùng lúc 80 tàu và nhiều máy bay hoạt động trên khu vực. Khi tàu Việt Nam ra kiểm tra, tàu Trung Quốc được sự yểm trợ của máy bay đã có hành động hung hăng, đâm thẳng vào tàu Việt Nam, dùng vòi rồng tấn công làm tàu Việt Nam hư hỏng, gây thương tích cho 6 thủy thủ.
Tại cuộc họp báo quốc tế tổ chức tại Hà Nội hôm 7/5, Việt Nam khẳng định khu vực giàn khoan HD 981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 (DOC) và các thỏa thuận có liên quan khác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan nói trên và các tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Cũng trong cuộc họp báo quốc tế ngày 7/5, ông Ngô Ngọc Thu, Đại diện Cảnh sát biển Việt Nam nói: “Lực lượng cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư của Việt Nam đã hết sức kiên trì và kiềm chế. Chúng tôi tiếp tục bám trụ và giải quyết mọi việc ở trên biển nhưng mọi sự chịu đựng đều có giới hạn. Nếu tiếp tục đâm vào chúng tôi thì chúng tôi sẽ có những hành động tự vệ tương tự để đáp lại”.
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/7/2025, đối tượng nào được hưởng lợi khi trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần mức cũ
- Những lần thủy quái xuất hiện ở Việt Nam: Người Pháp từng bắt gặp, có loài đến nay vẫn còn tồn tại?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?