Sau nhiều ngày tìm hiểu về thực trạng “cò” ăn theo dịch vụ công, PV đã trực tiếp vào vai người nhà của một bệnh nhân và đã có cuộc “ngã giá” với “cò” ngay trong bệnh viện.
|
7 triệu đồng là xong!?
Trong vai người nhà của một bé gái 15 tuổi (có thai 8 tuần tuổi) có nhu cầu “kế hoạch”, chúng tôi tìm đến bệnh viện Phụ sản Trung ương đề nghị “giúp đỡ”. Ngồi cùng dãy ghế bệnh nhân phía trước cửa phòng khám số 3, khu nhà H - Trung tâm tư vấn sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình (bệnh viện Phụ sản Trung ương), tôi gặng hỏi một bà mẹ cũng đưa con đi “kế hoạch” về thủ tục, quy trình trình nhập viện với trẻ vị thành niên. Người phụ nữ nhỏ thó, đen đúa rầu rĩ nói: “Phải có bố mẹ bảo lãnh và có sổ hộ khẩu mới làm được”.
Tôi giả đò ấp úng: “Khổ! em có đứa cháu trót dại nhưng nó giấu gia đình, em dẫn ra đây “kế hoạch” nhưng không có giấy tờ gì cả”. Người phụ nữ (đã ở bệnh viện Phụ sản Trung ương 4 ngày, vì con cũng ít tuổi, phải có bố mẹ bảo lãnh-PV) tiếp lời: “Không có giấy tờ khó lắm, thủ tục ở đây rất chặt”.
Người phụ nữ tên H. (bên phải) đang"thỏa thuận" với người nhà bệnh nhân làm tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Theo tìm hiểu của PV, muốn nạo, hút thai, người bệnh phải có đơn gửi bệnh viện. Đối với những trường hợp trên 18 tuổi, phía bệnh viện chỉ tư vấn, hướng dẫn họ viết đơn. Những trường hợp dưới 18 tuổi, ngoài đơn xin phá, hút thai do bố mẹ người bệnh đó viết, kí tên thì bệnh viện còn yêu cầu họ phải mang CMTND và sổ hộ khẩu đến để đối chiếu, xác minh xem trường hợp người bệnh có đúng là con cái của họ không. Ngoài ra, người bệnh cũng phải cung cấp thẻ học sinh, sinh viên trước khi hồ sơ về nạo, hút thai được trình lên Ban giám đốc kí phê duyệt có được nạo, hút thai hay không.
Nếu đúng như phản ánh, sẽ cắt hợp đồng! TS. Vũ Bá Quyết - Phó giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết: “Theo quy định của bệnh viện, nếu những trường hợp nào cố tình vi phạm như môi giới, dẫn khách khám chữa bệnh hay đứng ra giới thiệu bệnh nhân đến các bệnh viện, phòng khám khác bị phát hiện sẽ treo dao, cấm khám chữa bệnh trong vòng 6 tháng (quy định này được ban giám đốc ban hành và có hiệu lực áp dụng kể từ ngày 1/6 vừa qua). Qua thông tin phản ánh, PV cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan chúng tôi sẽ kiểm tra, nếu như có tình trạng CBCNV của mình đứng ra chèo kéo, môi giới bệnh nhân làm sai nguyên tắc hoặc giới thiệu sang các cơ sở khác sẽ căn cứ vào thực tiễn để có hình thức xử lý thích đáng. Thậm chí là cắt hợp đồng, cho ra khỏi bệnh viện”. |
Sau một hồi tìm hiểu thủ tục, chúng tôi ngồi quan sát thấy một phụ nữ tóc ngắn, mặc áo màu xanh (giống áo của nhân viên công ty vệ sinh Hoàn Mỹ- PV), thường xuyên đi lại từ phòng siêu âm sang phòng thủ thuật. Có khi lại thấy người phụ nữ này cầm xấp sổ y bạ đọc tên bệnh nhân đến lượt vào phòng khám. Khi thấy người phụ nữ đang chuẩn bị vào phòng thủ thuật, chúng tôi lân la làm quen. Người phụ nữ giới thiệu tên là H. Chúng tôi ngỏ ý “nhờ vả” và trình bày hoàn cảnh từ Bình Phước ra lại không có bất kỳ giấy tờ gì. Lúc đầu, chị H. một mực từ chối và bảo “những chuyện như thế này tôi không muốn giúp”!?, nhưng khi thấy chúng tôi bám riết và hứa sẽ “hoa hồng” hậu hĩnh, chị H. gật đầu đồng ý.
Trong 30 phút chờ đợi, chúng tôi thấy chị H. chạy đi chạy lại hết phòng nọ đến phòng kia, thậm chí chúng tôi còn nghe thấy một bác sĩ lớn tiếng ngay cửa phòng siêu âm: “Thế để đi tù à? Trẻ vị thành niên không có giấy tờ ai dám… động đến?”. Sau một hồi “đò đưa” với các bác sĩ, chị H. ra nói với chúng tôi: “Không được đâu, các bác sĩ đều bảo không làm được”. Tôi thở dài thườn thượt và kéo chị H. xuống cuối phía hành lang tiếp tục “trình bày hoàn cảnh”. Tôi nói: “Gia đình con bé có điều kiện, chị cứ nói với bác sĩ hết dăm bảy triệu cũng được, miễn là bác sĩ đồng ý”. Nghe tôi nói có vẻ bùi tai, chị H. lại quay vào phòng thủ thuật.
Sau một hồi “thương lượng”, chị H. ra trao đổi: “7 triệu đồng làm tại đây (tại bệnh viện Phụ sản Trung ương-PV), còn nếu ít tiền hơn bác sĩ sẽ giới thiệu qua bệnh viện Phụ sản Hà Nội “kế hoạch”. Ở đó, bác sĩ có chị gái tên Th. làm ở đấy”. Chị H. dặn dò: “ Chiều 2h hoặc 7h30’ sáng mai đến đây siêu âm, làm thủ tục xong cho “làm” sớm”. Chị H. nghiêm mặt nói: “Mai đến đây cũng đừng khai 15 tuổi, khai 18 tuổi nhưng không có chứng minh thư và nhận “bảo lãnh”. Chị phải thống nhất với cháu bé không mai đến đây lại… lộ ra”.
Tôi hỏi chị H. “bác sĩ nào sẽ giúp cháu?”. Chị H. gắt gỏng: “Ở đây có biết bao nhiêu bác sĩ, chị biết ai mà hỏi?”. Tôi ấp úng: “Lo quá, nhỡ đi tù thì chết”. Chị H. cau có: “Tù thì bác sĩ phải đi tù chứ. Tiền tỷ cũng không mua được cái ghế ở đây. Trẻ vị thành niên, không có chứng minh thư, không phô tô hộ khẩu, không bố mẹ bảo lãnh… mà cứ lắm chuyện”.
…Kết thúc cuộc ngã giá với chị H., chúng tôi hẹn sáng hôm sau sẽ dẫn cô cháu gái quay lại “kế hoạch”.
“Cò” ở ngay trong... bệnh viện?
Sau cuộc trò chuyện, ngã giá với người phụ nữ tên H., tôi thắc mắc với đồng nghiệp không biết người phụ nữ này là hộ lý hay làm nhiệm vụ trong bệnh viện? Nhưng việc chị H. đứng công khai gọi tên các bệnh nhân vào phòng bệnh hẳn có mối quan hệ mật thiết với cán bộ nhân viên trong bệnh viện, có thể là nhân viên của bệnh viện.
Mang câu hỏi liệu có “cò” ngay trong bệnh viện đến TS. Vũ Bá Quyết - Phó Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương chúng tôi nhận được câu trả lời: “Thực tế, có một số trường hợp không đoàng hoàng (những đối tượng lưu manh-PV), có thể trà trộn vào trong bệnh viện để thực hiện những hành vi gây bất lợi đối với những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, đặc biệt là đối với những bệnh nhân ở xa về khám chữa bệnh. Chúng tôi sẽ xác minh thông tin báo cung cấp để xử lý kịp thời”.
TS. Vũ Bá Quyết - Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương
TS. Vũ Bá Quyết cho biết: “Theo quy định, mọi cán bộ công nhân viên đều phải đeo biển, số hiệu công chức quy định của bệnh viện. Theo như thông tin mà PV phản ánh về trường hợp mặc áo xanh thì phải xem người mặc áo xanh đó có đeo biển hiệu, số hiệu của bệnh viện hay không? Bởi trong bệnh viện cũng có một số người mặc áo xanh như nhân viên của công ty vệ sinh Hoàn Mỹ hay áo xanh lơ của bảo vệ bệnh viện. Tuy nhiên, tất cả những trường hợp trên đều phải đeo biển hiệu rõ ràng. Không loại trừ khả năng có những đối tượng mặc quần áo trắng của bác sĩ hoặc áo xanh giả danh, trà trộn vào bệnh viện để lừa gạt người bệnh”.
Để chứng minh điều mình vừa nói, TS. Quyết dẫn chứng: “Vừa rồi, phía bệnh viện cũng đã phát hiện một trường hợp ra vào bệnh viện lừa gạt người bệnh, chúng tôi đã phối hợp với công an phường Hàng Bông bắt giữ và xử lý đối tượng này. Còn đối với những cán bộ công nhân viên nếu phát hiện có tiếp xúc với những đối tượng “cò sẽ bị xử lý nghiêm theo nội quy quy định của bệnh viện. Còn “cò” ở bệnh viện là có thực nhưng ở ngoài phạm vi bệnh viện thì vượt quá thẩm quyền xử lý".
TS. Quyết nói tiếp: "Ngay ngoài bảng tin, phía bệnh viện cũng thường xuyên phát loa thông báo thông tin (15 phút/lần) về tình trạng “cò” để người dân biết phòng tránh. Bệnh viện cũng đã lắp đặt 25 camera hồng ngoại trải đều tại các khoa, khu vực khám chữa bệnh để theo dõi những chỗ tập trung đông người, nếu “có vấn đề” cũng sẽ kịp thời cử lực lượng chức năng đến xử lý tình huống cũng như ngăn ngừa những tình trạng vi phạm có thể xảy ra”.
Khi PV hỏi, theo đúng thủ tục trường hợp trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi) ngoài việc làm đơn, có sự bảo lãnh của bố mẹ thì hồ sơ gửi lên Ban giám đốc bệnh viện xét, kí duyệt thì mới được làm, vậy tại sao người phụ nữ tên H. lại “hứa” có thể không cần đến thủ tục này? TS. Quyết nói: “Phía bệnh viện làm rất chắc chắn, bài bản, đúng quy trình nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra. Việc báo phản ánh, nếu những trường hợp này phát hiện chúng tôi sẽ xử lý (trong khuôn viên bệnh viện- PV) hoặc phối hợp với phía công an để xử phạt thích đáng”.
Tuy nhiên, theo TS. Quyết, phía bệnh viện đã trang bị hệ thống thiết bị điện tử để phát số khám chữa bệnh, sau đó nhập thông tin vào mạng, phát hoá đơn chứng từ cụ thể với quy trình như vậy các trường hợp môi giới, chèo kéo bệnh nhân để được khám sớm cũng sẽ rất khó xảy ra. Bởi tất cả đều thông qua hệ thống máy tính kiểm soát, ngoài ra việc phát số như vậy sẽ ngăn ngừa được các trường hợp “đi tắt” gây thiệt thòi cho những bệnh nhân khác. “Trước đây, đã có một vài trường hợp cán bộ công nhân viên dẫn người nhà vào khám với lý do này nọ nhưng với hệ thống thiết bị như hiện nay thì không thể chen ngang để khám chữa bệnh”, TS. Quyết nói.
Chưa từng có cán bộ móc ngoặc với... “cò”
Trao đổi với PV, bà Lê Thanh Thúy- Phó giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội- nơi được người phụ nữ tên H. nhắc đến có thể “môi giới” nạo, phá thai- quả quyết: “Tình trạng “cò” trong bệnh viện là không có. Còn ở ngoài khu vực bệnh viện thì bệnh viện… “bó tay”. Đây là lần đầu tiên bệnh viện nhận được phản ánh về việc nhân viên trong bệnh viện móc ngoặc với “cò” và bác sĩ của bệnh viện khác. Chúng tôi sẽ kiển tra thông tin bác sĩ Th. mà người phụ nữ tên H. đã nhắc tới với PV. Bệnh viện sẽ xử lý rất nghiêm khắc với những cán bộ có sai phạm”.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?