Nghề dự event: Những vị khách không mời trên thảm đỏ
Thứ hai, 15/10/2012 16:48

Không còn mới mẻ ở Việt Nam nhưng "nghề" dự tiệc bắt đầu có nhiều biến tướng như chuyện đi xem phim quên vé hay đi "ké" cùng phóng viên.

Jennifer Phạm đang là một trong những gương mặt được nhiều sự kiện lớn nhỏ chào đón. Mức cát-xê đi event của Jennifer cũng thuộc hàng cao nhất nhì showbiz Việt hiện nay.

Jennifer Phạm đang là một trong những gương mặt được nhiều sự kiện lớn nhỏ chào đón. Mức cát-xê đi event của Jennifer cũng thuộc hàng cao nhất nhì showbiz Việt hiện nay.

Trong hầu hết các sự kiện lớn nhỏ, những ngôi sao hạng A được mời dự event luôn nhận được mức cát-xê "khủng" lên tới hàng ngàn đô la cùng nhiều đặc quyền như vé máy bay, phương tiện vận chuyển, quà tặng hạng sang lúc ra về... Nhưng mấy ai biết có không ít người bất chấp tất cả để bon chen vài ba phút sải bước trên thảm đỏ, tạo dáng trước ống kính... Những vị khách không mời này chắc chắn sẽ khiến nhà tổ chức vò đầu bứt tai tìm cách giải quyết êm thấm.

Bon chen tìm cách đánh bóng tên tuổi

Người trong giới vẫn rỉ tai nhau về câu chuyện của một chân dài vốn danh tiếng cũng... thường thường bậc trung, sau vài lần "quen mui" vì được bạn bè trong giới truyền thông rủ đi ra dự vài ba sự kiện ra mắt phim mới, cô nàng cứ "căn" đúng ngày ấy, giờ ấy là có mặt tại cụm rạp sang trọng nhất nhì Hà Nội rồi chụp vài ba kiểu ảnh trước backdrop, giả lả chào hỏi người quen và cuối cùng bâng quơ: "Để rơi vé ở đâu mất rồi... Làm sao vào xem phim được bây giờ? Thôi, về đi chơi với hội khác vậy"... Một lần thì người đối diện có thể đồng cảm chia sẻ nhưng hai, ba, thậm chí bốn, năm lần... dường như không ai tin được câu chuyện của cậu bé chăn cừu gặp sói.

Một khách không mời cao chiêu khác lại thường xuyên nhắn tin thăm hỏi công việc của cánh phóng viên. Nguyên do đầu tiên là để thăm dò tin tức về những sự kiện lớn nhỏ sắp xảy ra rồi làm như tình cờ: "Ồ, mình cũng tham gia sự kiện đó. Cùng đi nhé...". Hoặc đôi khi là để "dụ dỗ": "Sự kiện này có nhiều sao tham gia lắm. Bạn có muốn đi lấy tin không?" và sau đó là lời nhờ vả, xin "khuyến mại" cho việc cung cấp thông tin bằng một vài kiểu ảnh trên mặt báo.

Có trường hợp, vì nhà tổ chức không muốn ảnh hưởng tới hình ảnh của sự kiện mình tổ chức nên tìm cách mời khéo khách không mời vào bàn tiệc thay vì "đóng đô" trên thảm đỏ. Nhưng cô gái được gọi là không-xu (vì chẳng cần đồng tiền cát-xê nào) lại chẳng chịu hiểu mà cứ mạnh dạn tiến tới góc khác và tiếp công việc tạo dáng, khiến người ta càng thêm phần khó chịu và quyết định ghi tên vào "danh sách đen".

Đó chính là lý do nhiều người vẫn nói chuyện làm khách không mời thậm chí còn mạo hiểm hơn đóng cascadeur cho phim hành động. Nếu không may gặp phải nhà tổ chức "rắn mặt", các vị khách không mời lập tức sẽ "được"bảo vệ tiễn ra tận cửa mà chẳng cần quan tâm tới việc phải giữ thể diện hộ ai. Bị đuổi như xua tà trước mặt hàng trăm quan khách - trong đó có không ít người mình quen và cả giới truyền thông - là chuyện vui buồn như thế nào thì tất cả đều rõ.

Thế nhưng may mắn cho các vị khách không mời là đa phần các nhà tổ chức cũng không hay phiền lòng bởi sự xuất hiện của họ. Thêm một ngôi sao - dù là "sao xẹt", thảm đỏ càng thêm phong phú trong khi họ lại chẳng tốn chút tiền cát-xê nào. Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Nếu cứ chai lì, sự kiện nào cũng đóng vai khách không mời, không sớm thì muộn, ngôi sao chưa kịp nổi này cũng bị tẩy chay, cấm cửa tại các sự kiện lớn nhỏ.

Sau khi đăng quang ngôi Á hậu, Dương Tú Anh nhận được khá nhiều lời mời đi dự event. Mức cát-xê của cô cũng tăng nhanh nhưng vì còn đi học, cha mẹ và người quản lý của Tú Anh không đánh giá cao việc cô tham gia các hoạt động như thế này. Chính bởi vậy, chỉ những sự kiện do bạn bè thực sự thân quen tổ chức, Tú Anh mới góp mặt.

Nên chăng làm khách không mời?

Nghề nào, giới nào chẳng có sự phân cấp. Chính bởi vậy, những ngôi sao đi dự event với mức cát-sê 1.000, 2.000 đô chắc chắn chẳng trân trọng, cả nể những vị khách không mời. Thậm chí những người khó tính còn hỏi han kỹ lưỡng danh sách khách mời và sự tồn tại của "những vị khách không-xu" để tránh chuyện bị đánh đồng. 

Lý do những ngôi sao đình đám này đưa ra cũng rất chính đáng: Để đạt được đẳng cấp sao hạng A với mức cát-xê "khủng" cùng hàng loạt đặc quyền, họ đã phải lao động nghiêm túc và không ngừng nỗ lực trong nhiều năm. Vậy vì lý do gì mà họ phải chấp nhận việc đứng chung sân với những cô nàng lười nhác, chỉ đình đám từ dăm ba chiêu trò gây shock? Cũng bởi thế, không ít ngôi sao thường xuyên từ chối những lời mời dự event và hạn chế số lần xuất hiện của mình trong các sự kiện giải trí. Ý thức được giá trị của mình nên họ luôn cố gắng duy trì hình ảnh đẹp đẽ.

Về phần mình, nếu cứ tiếp tục đóng vai khách không mời, giá trị của các người đẹp, chân dài sẽ giảm sút rất nhanh dù trên người họ chất đầy hàng hiệu. Với các nhà tổ chức sự kiện xuề xòa, các vị khách không mời cứ tiếp tục làm khách không cát-xê. Họ chẳng dại dột móc hầu bao cám ơn một cô nàng vốn vẫn thích đi dự event không công. Còn những nhà tổ chức khó tính, khắt khe, chắc chắn chỉ cần nhìn thấy "khách không-xu" là tìm cách chặn cửa từ xa để tránh chuyện bị ảnh hưởng tới công việc cũng như thương hiệu của mình.

Nếu cứ chỉ mải mê chạy theo các buổi tiệc, sự kiện, sẽ có một ngày các chân dài nhận ra rằng họ vẫn chưa có chút thành công nào trong sự nghiệp. Chỉ có thời gian quý báu đã bị họ lãng phí.

Zing/Infonet
Tag: Tin giải trí , Showbiz Việt , Vbiz , Sao Việt , Nghề dự tiệc , Khách không mời , Cát-sê , Nghề dự event , Event