Áp thấp nhiệt đới đã vào biển Đông trở thành cơn bão số 13, dự báo đổ bộ Nam Trung bộ và Nam bộ; bão Haiyan (Hải Âu) dự báo đêm 8/11 sẽ vào biển Đông.
Bão số 13 di chuyển rất nhanh (Nguồn: TTDBKTTV) |
Bão Haiyan mạnh cấp 11 nối tiếp bão số 13
Sáng nay 5/11, áp thấp nhiệt đới hoạt động ngoài khơi Thái Bình Dương đã vượt qua Philippines đi vào biển Đông. Trong ngày hôm nay, áp thấp này sẽ mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 13 hoạt động trong vùng biển Đông.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, lúc 13h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,7 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 290km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km - 30km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13h ngày 6/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30 km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.
Từ sáng mai (6/11), vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.
Từ chiều mai, khu vực các tỉnh nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Ngoài ra, hiện nay trên khu vực biển Thái Bình Dương một cơn bão mạnh đang hoạt động và có tên quốc tế là Haiyan (tên do Trung Quốc đề cử có nghĩa là Hải Âu). Hồi 13h, bão ở khoảng 6,5 độ Vĩ Bắc; 144,6 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Dự báo bão Haiyan sẽ di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 25km một giờ và còn tiếp tục mạnh thêm. Khoảng chiều và đêm 8/11, cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông.
Tình huống nguy hiểm: bão vào Nam Trung bộ và Nam bộ
Tình huống bão đi vào khu vực các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ như dự báo về đường đi của cơn bão số 13 như trên là rất hiếm gặp và nguy hiểm.
Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Dự báo hạn ngắn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương nhận định: “Hiện, bão di chuyển rất nhanh, khoảng 30km/hm. Khi bão di chuyển nhanh thông thường đường đi không phức tạp lắm. Song, do bão đi chếch xuống phía Nam, khu vực biển này rất khó để dự báo cường độ bão, phức tạp do đường dẫn bão không ổn định”.
Ông Tuấn bày tỏ: “Những người làm công tác dự báo, phòng chống thiên tai như chúng tôi cũng rất sợ bão vào khu vực phía Nam”. Khu vực Nam trung bộ và Nam bộ có mật độ dân cư lớn, nhà cửa không kiên cố như miền Bắc, miền Trung nên bão vào rất nguy hiểm.
Sức gió của bão số 13 có thể giật không mạnh như bão số 10 hay 11 vừa qua nhưng dự báo, bão sẽ quét qua một vùng rộng, gây mưa ở khu vực Nam bộ, Tây Nguyên và thậm chí ra đến Quảng Ngãi.
Ngoài ra, sau khi sang Vịnh Thái Lan ra Ấn Độ Dương, nhiều khả năng bão sẽ lại mạnh trở lại. Vì vậy, tàu thuyền hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa nên di chuyển vào bờ hoặc nhích ra Bắc, không nên di chuyển về phía Vịnh Thái Lan.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cũng lo ngại, vì hai cơn bão dồn dập (bão số 13 và bão Haiyan), nên Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương phải hết sức lưu ý về việc hướng dẫn tàu thuyền di chuyển tránh bão bởi nếu mải tránh bão số 13 mà di chuyển ngược ra Bắc thì không khác nào ngồi đợi bão số 14 đổ bộ.
Đã kêu gọi gần 80.000 tàu thuyền tránh bão
Cơ quan thường trực Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho hay, tính đến sáng nay (5/11) đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho gần 80.000 phương tiện với hơn 352.000 người biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Cụ thể, hoạt động ở khu vực giữa biển Đông và quần đảo Trường Sa (từ Bắc vĩ tuyến 8 đến Nam vĩ tuyến 15) có hơn 1.000 phương tiện với 13.205 lao động thuộc các tỉnnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Trong đó có 127 tàu với 1.379 người của Bình Định xin được vào trú tránh bão ở vùng biển đảo Malaysia.
Hoạt động ven bờ và neo đậu tại các bến từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 52.400 phương tiện với 241.568 người. Còn lại là các tàu hoạt động ở khu vực khác và neo đậu tại các bến.
Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương cũng cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin của Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định về đề nghị cho 127 tàu của Bình Định xin tránh trú ở vùng biển Malaysia vào tối ngày 4/11/2013, Văn phòng Ban chỉ đạo đã liên lạc và fax chuyển kèm theo danh sách cụ thể của các tàu thuyền cho Thường trực Phòng chống lụt bão của Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao đã liên hệ trực tiếp với phía Malaysia và đề nghị tạo điều kiện cho tàu thuyền của Việt Nam tránh trú bão.
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?