Năm 2012, TP.HCM quyết tâm xoá 10 điểm ngập
Thứ tư, 04/01/2012 10:49

Năm 2012 phải quyết tâm giảm mười điểm ngập trong tổng số 31 điểm ngập do mưa được xác định trong năm 2011. Đó là ý kiến chỉ đạo của phó chủ tịch UBND TP.HCM, Nguyễn Hữu Tín, tại cuộc họp triển khai chương trình giảm ngập năm 2012 vào ngày 3/1.

Sẽ xử lý giám đốc sở, trưởng ban quản lý nếu để chậm tiến độ

Người dân lội nước đón con em đi học về trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, bị ngập sau một cơn mưa

Theo ông Nguyễn Phước Thảo, giám đốc trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (gọi tắt là trung tâm chống ngập), để xoá được mười điểm ngập do mưa theo yêu cầu của UBND thành phố thì các chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước; tập trung xử lý dứt điểm 57 vị trí thi công làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, hạn chế tình trạng xâm hại hệ thống thoát nước gây ngập trong khu dự án; sớm hoàn thành dự án nạo vét kênh rạch đang thi công. Mặt khác, tăng tần số nạo vét hệ thống thoát nước, kịp thời thay thế cống sụp...

Ngoài ra, cũng theo trung tâm chống ngập, trong mười điểm ngập đưa vào diện xoá sổ, có ba điểm áp dụng giải pháp duy tu, nạo vét cống, lắp đặt van triều, đồng thời phối hợp với các chủ đầu tư khác thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước. Trong bảy điểm ngập còn lại đang triển khai ba dự án (đã được giao kế hoạch vốn năm 2011) và đề xuất bổ sung sáu dự án cần đầu tư trong năm 2012.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Tín yêu cầu việc thi công các công trình chống ngập phải được phối hợp song song với công tác chống ùn tắc giao thông, trong đó, quan trọng là phân luồng giao thông cho hợp lý. Các sở, ngành có liên quan phải đốc thúc tiến độ, công trình nào chậm trễ thì xử lý ngay giám đốc sở, trưởng ban quản lý, sau đó mới đến các nhà thầu. “Không thể để công trình cứ phơi ra mà không làm. Nếu không đủ thời gian thì phải làm cả ngày lẫn đêm, nhanh chóng trả lại diện tích mặt đường cho giao thông. Trong đó, ưu tiên số một là chất lượng công trình, ưu tiên số hai là thời gian. Nhà thầu nào đảm bảo hai yêu cầu đó thì được ưu tiên chứ không phải cứ bỏ giá thấp là được. Bỏ giá thấp mà chất lượng kém, thi công ì ạch thì còn tốn biết bao tiền của của xã hội”, ông Tín nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Tín cũng yêu cầu các công trình khi thi công phải có bảng thông báo thời gian thi công tại công trình cho người dân biết, giám sát. Ông khẳng định: “Tôi sẽ đi kiểm tra vấn đề này. Sẽ chế tài nặng đối với nhà thầu nào không đảm bảo thời gian và chất lượng công trình”.

Nghiêm cấm san lấp kênh rạch...

Bên cạnh xoá ngập thì việc chống tái ngập cũng là mối lo của TP.HCM. Ông Nguyễn Phước Thảo thừa nhận, việc khống chế tình trạng tái ngập, phát sinh điểm ngập mới luôn là mặt yếu vì tính thiếu bền vững còn lớn. Trước đây (và hiện nay vẫn còn là nguy cơ thường xuyên) tình trạng tái ngập vẫn xảy ra ở một số điểm ngập cũ cho dù đã được xử lý. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống thoát nước chỉ đảm bảo không ngập đối với những trận mưa có vũ lượng nhỏ hơn hoặc bằng tần suất thiết kế các tuyến cống. Tình trạng lấn chiếm kênh rạch, công trình thuỷ lợi, xâm hại hệ thống thoát nước còn liên tục xảy ra... Mặt khác, chủ đầu tư luôn gặp khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục trong đầu tư xây dựng như: thủ tục thoả thuận vị trí xây dựng công trình; thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật; thủ tục cấp phép thi công...

Cũng tại cuộc họp, ông Tín chỉ đạo nghiêm cấm việc san lấp kênh rạch tại tất cả những dự án hạ tầng, dân cư mới. Những địa bàn nào kênh rạch không còn chức năng tiêu thoát nước muốn san lấp phải thay bằng hồ điều tiết. Các địa phương không được làm giảm diện tích chứa nước mặt và kênh rạch. Các quận, huyện phải có kế hoạch, biện pháp tuyên truyền, kiểm tra về việc lấn chiếm và xả rác xuống sông, rạch. Nếu quận, huyện nào để xảy ra việc này thì chủ tịch UBND quận, huyện đó phải chịu trách nhiệm.

10 điểm ngập phải xoá trong năm 2012

Đường An Dương Vương, quận 6 (đoạn từ Tân Hoà Đông đến đường Bà Hom); đường Hậu Giang, quận 6 (đoạn từ Tháp Mười đến Bình Tiên); đường Phan Anh, quận 6 (đoạn từ đường Tân Hoà Đông đến rạch Bàu Trâu); đường Lãnh Binh Thăng, quận 11 (đoạn từ đường Tuệ Tĩnh đến đường Lò Siêu); đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh (đoạn từ đài liệt sĩ đến đường D2); đường Vũ Tùng, quận Bình Thạnh (đoạn từ Bùi Hữu Nghĩa đến đường Tô Vĩnh Diện); quốc lộ 1, quận 12 (đoạn từ đường Nguyễn Văn Quá đến đường Lê Thị Riêng); đường Quang Trung, quận Gò Vấp (đoạn từ đường Phạm Văn Chiêu đến chân chợ Cầu); đường Gò Dưa, quận Thủ Đức (đoạn từ quốc lộ 1 đến đường Tô Ngọc Vân) và đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9 (đoạn trước trường trung học Kỹ nghệ).

Báo SGTT
Tag: Thành phố Hồ Chí Minh , Xã hội , Ngập lụt