“Nhà báo có ngon xuống đáy biển mà coi, người ta đang tàn phá dưới đó” - một thợ lặn bức xúc trước cảnh nhiều thợ lặn khác mang chất độc xuống đáy sâu để bắt cá theo kiểu lạm sát.
|
Hạ độc dưới đáy sâu
Có một “cuộc chiến” xảy ra âm ỉ dưới đáy biển, giữa một bên là các thợ lặn lục lạo tìm sản vật và một bên là các thợ lặn săn bắt theo “kiểu mới”. Thợ lặn Đặng Văn Trãi (ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm, H.Phú Quốc, Kiên Giang) rưng rức: "Vùng này trước đây cá sinh sản rất nhanh. Cá mú, cá ngựa, ốc… nhiều lắm. Nhưng mấy ghe cào điện đã tàn sát hết. Nếu không có họ thì dân lặn ở đây sống khỏe lắm. Thời gian trước dân lặn thủ công còn bắt được cá mú. Nhưng sau không bắt được nữa, người ta phải dùng thuốc...”.
Thợ lặn ở vùng biển Tây giờ lại chia ra làm 2 “phái”, một bên là dân lặn thủ công, bên còn lại thì sử dụng những thứ khác để đánh bắt nhiều hơn.
Thợ lặn Châu Văn Hên bức xúc: “Dân lặn chân chính chúng tôi lâu nay rất “căm” mấy tay xài thuốc kiểu này. Cũng là dân lặn với nhau, nhưng họ kiếm ăn theo kiểu khác chúng tôi lắm”. Vùng biển Phú Quốc vừa chứng kiến một đợt rừng san hô bị chết hàng loạt, chết dữ dội. L.V.T, thợ lặn chuyên đưa khách du lịch ngắm san hô ở vùng biển An Thới nói: "Nhiều lúc anh lấy làm áy náy với khách, vì san hô đang đẹp lộng lẫy bỗng chuyển sang màu vàng, rồi “chết lây” ra một khu vực rộng lớn. Khách du lịch không phải bỏ tiền ra lặn xuống biển chỉ để thấy một rừng san hô điêu tàn”. T. nói thêm, là người dân Phú Quốc, sống gắn bó dưới đáy biển nổi tiếng giàu có một thời, anh không khỏi chạnh lòng. San hô chết, hệ động thực vật sống cộng sinh trong vùng vì thế không thoát khỏi bị đe dọa. Trong nhiều nguyên nhân được xác định, người ta không loại trừ có sự tiếp tay của dân lặn hạ độc để bắt cá. Ngoài những chất độc, thuốc nổ từ lâu cũng được dùng tới để tấn công vào những vùng có địa thế phức tạp. Thậm chí, cánh lặn tìm phế liệu cũng sử dụng thuốc nổ để công phá những con tàu đắm.
Một thợ lặn cho biết, là dân trong nghề, không khó để điểm mặt những thợ lặn “hạ độc thủ” này. Trong mỗi chuyến biển, họ thường đem theo những viên thuốc có xuất xứ từ Trung Quốc. Thuốc màu trắng, tròn, to bằng ngón chân cái, có mùi hôi rất khó chịu. Đó là chất xianua natri. Trước khi lặn, người ta cho một viên vào chai khoảng 1 lít nước. Đầu tiên thợ lặn xuống các rạn san hô “đánh giá tình hình”. Nếu có nhiều cá, người ta sẽ dùng lưới bao quanh khu rạn, sau đó dùng thuốc đã pha đổ vào miệng hang. Cá bị trúng độc lớp chết, lớp bị ngất, còn nhiều sinh vật nhỏ hơn sẽ bị chết hàng loạt. Mỗi lần hạ độc như thế, chất độc lan nhanh, vì vậy vùng bị ảnh hưởng không chỉ có các hang cá hay rạn san hô mà còn cả khu vực gần đó. Thợ lặn tên H. (thị trấn Dương Đông) thú thật: “Mỗi chuyến đi chừng hai, ba ngày với cách đánh dùng thuốc, ít nhất chúng tôi cũng kiếm được 50 kg cá mú, nhiều cũng vài trăm ký, thu được trên dưới 10 triệu đồng”. Đây là khoản thu không nhỏ đối với các thợ lặn mò mẫm để bắt từng con ốc, cá ngựa.
Nhưng nhiều thợ lặn đã cự tuyệt cách bắt “thiếu đạo đức nghề nghiệp”. Thậm chí có những cuộc xung đột xảy ra. Các thợ lặn “chánh phái” bất bình khi thấy biển bị hủy diệt đã báo với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, các vụ xử phạt diễn ra rất ít, bởi tang vật mang theo rất dễ phi tang. Mà để bắt được quả tang các vụ hạ độc rất khó, bởi không thể… lặn theo các thợ lặn để biết họ đang làm gì dưới đáy sâu.
Cá chết dưới đáy biển sau khi bị hạ độc - Ảnh: Tiến Trình
Biển đang nghèo đi
Theo một cán bộ của Phòng Kinh tế huyện Phú Quốc cho biết, không chỉ có thợ lặn tại Phú Quốc đánh bắt kiểu hạ độc, mà còn có các ghe lặn từ tận miền Trung vào. Không chỉ chất độc, người ta còn dùng cả chất nổ. Thời gian trước, Bộ đội biên phòng Kiên Giang đã kết hợp các lực lượng chức năng bắt giữ một tàu của ngư dân Quảng Ngãi mang theo 57 kg thuốc nổ TNT để đánh cá.
Rạn san hô và thảm cỏ biển ở Phú Quốc rất phong phú. Gồm 260 loài san hô, 9 loài cỏ biển, trong hệ sinh thái này có 166 loài rong biển; 258 loài động vật gồm 154 loài cá, 47 loài thân mềm, 25 loài da gai... trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao, đặc biệt có 2 loài cá cơm là Spratelloides gracilis và Stolephorus indicus là nguyên liệu chính để làm đặc sản nước mắm Phú Quốc nổi tiếng. Đặc biệt hơn, các thảm cỏ biển ở Phú Quốc còn gắn liền với sự tồn tại của các loài động vật quý hiếm đang cần được bảo vệ ở Việt Nam và thế giới như bò biển (còn được gọi là dugong, cá cúi, mỹ nhân ngư), vích cỏ (Lepidochelys olivacea), đồi mồi (Eremochelys imbricata), rùa da (Dermochelys coriacea), ốc nhảy đỏ lợi (Strombus luhuanus), trai ngọc môi đen (Pinctada margaritifera)... Sự giàu có một thời đã tạo nên thương hiệu cho những sản vật từ vùng biển Phú Quốc như ngọc trai, nước mắm, cá ngựa... và các đặc sản phục vụ du lịch. Tuy nhiên, cũng chính sự trù phú này đã “dẫn dụ” nhiều tàu ở nơi khác đến, họ mang theo những hình thức đánh bắt rất khác lạ với những ngư dân truyền thống. Không cạnh tranh nổi, nhiều ngư dân bỏ nghề. Những ngư dân còn bám trụ lại, một số đã chuyển sang hình thức đánh bắt khác. Sự khốc liệt đó đã diễn ra trên mặt nước rồi sâu dần xuống đáy biển.
Với dân lặn ở Phú Quốc, họ chỉ biết rằng mỗi ngày xuống đáy biển, nỗi thất vọng càng lớn. Thợ lặn Trần Văn Đông nói, việc dân lặn mang thuốc độc bắt cá chỉ xuất hiện chừng 5 năm nay, nhưng hậu quả đã thấy. Một thợ lặn cao tuổi tâm sự: "Xuống biển bây giờ hầu như cái gì cũng ít. Trước cá mú, con vài chục ký cũng có, giờ thì chỉ kiếm được con bằng bàn tay". Thợ lặn Nguyễn Văn Năng (thị trấn An Thới) nói ngày trước do trên mặt nước ít sản vật người ta mới xuống biển. Giờ dưới đáy biển ngày càng nghèo đi. Vừa nguy hiểm, vừa khó kiếm tiền hơn, nhiều thợ lặn không thể đi xa thì đành bỏ nghề. Còn như ông Năng, ông nói mấy tháng nay ông không lặn nữa mà sắm câu, lưới để hành nghề trên mặt nước. Với dân lặn mà nói, như thế chẳng khác nào bỏ nghề.
- Công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế được hưởng cùng lúc hàng loạt chế độ trợ cấp cực lớn này
- 'Khủng' nhất Việt Nam: Ai là người vừa được thưởng Tết Nguyên đán hơn 1,9 tỷ đồng?
- Tại sao năm Ất Tỵ 2025 Âm lịch lại có tới 384 ngày?
- Ngày đẹp trong tháng Chạp để làm những nghi lễ cuối năm quan trọng nhất trước khi Tết đến
- Trường hợp nào được đi xe máy lên vỉa hè mà không bị phạt từ 4-6 triệu đồng?
- Ba năm Tam Tai không bằng một năm Thái Tuế, vậy Thái Tuế là gì? Năm Ất Tỵ 2025, tuổi nào phạm Thái Tuế?
- Từ 1/1/2025, công chức và viên chức nằm trong diện tinh giản biên chế được hưởng cùng lúc 8 chính sách này
- Bỏ đếm giây đèn tín hiệu, nâng mức xử phạt vượt đèn đỏ lên 20 triệu đồng, nhiều người lo lắng, cục CSGT lên tiếng