Mục tiêu của tàu ngầm Việt Nam trên Biển Đông
Thứ năm, 19/12/2013 07:38

Không ai muốn chiến tranh, nhưng khi nó xảy ra thì Việt Nam buộc phải tự vệ.

Tàu sân bay Liêu Ninh cùng 4 khu trục hộ vệ kéo xuống Biển Đông.

Tàu sân bay Liêu Ninh cùng 4 khu trục hộ vệ kéo xuống Biển Đông.

“Chống lưng” cho không quân Việt Nam

Sự xuất hiện đúng lúc của lữ đoàn tàu ngầm Việt Nam sẽ có tác dụng rất lớn trong việc “chống lưng” cho không quân Việt Nam. Điều nghe vô lý, khập khểnh, nhưng hoàn toàn thực tế.

Nhiều chuyên gia quân sự nước ngoài cho rằng Việt Nam xây dựng lữ đoàn tàu ngầm theo “chu trình ngược”. Nghĩa là thay vì phải xây dựng một lực lượng săn ngầm mạnh thì Việt Nam lại xây dựng lữ đoàn tàu ngầm, bởi 6 chiếc tàu ngầm Việt Nam không thể đối đầu với hàng trăm chiếc tàu ngầm đủ loại của kẻ thù…

Nhưng, thứ nhất là, Việt Nam thành lập lữ đoàn tàu ngầm không phải để đối đầu hay tấn công ai mà chỉ để phòng thủ trên “sân nhà”, nơi có địa thế lợi hại trong một khu vực có vị trí chiến lược quan trọng.

Thứ hai là , giả sử Việt Nam có mua sắm nhiều phương tiện săn ngầm hiện đại như P1 của Nhật Bản, P-8A của Mỹ…cùng các tàu săn ngầm hiện đại nhất thế giới thì liệu những phương tiện đó có không gian để săn ngầm đối phương hay không? Chắc chắn không vì khi đó vùng trời đã bị đối phương khống chế, làm chủ thì P1 hay P8… đều trở thành kẻ bị săn.

Chiếm ưu thế tác chiến trên không của vùng biển để làm chủ hoàn toàn vùng trời trên vùng biển nơi xảy ra tác chiến của lực lượng không quân, không quân hải quân là nhiệm vụ trọng yếu mang tính chiến lược mà lực lượng tàu ngầm Việt Nam phải bằng mọi cách để đạt được.

Địa lợi vốn dĩ đã tạo ra cho Việt Nam ưu thế đó và tàu ngầm Việt Nam phải tác chiến để duy trì ưu thế đó.

Chúng ta thừa biết cho đến thời điểm này, ngoài Mỹ ra chưa có một quốc gia nào có thể có ưu thế tuyệt đối khi tác chiến trên vùng trời của vùng biển quần đảo Trường Sa trừ Việt Nam.

Bởi lẽ, chỉ có Mỹ mới có tàu sân bay còn quốc gia nào không có tàu sân bay thì quần đảo Trường Sa nằm ngoài tầm bay của máy bay họ, kể cả Trung Quốc, ít nhất sau năm 2016 mới có thể có tàu sân bay đúng nghĩa.

(Vì thế, cho nên dù rất muốn nhưng Trung Quốc cũng chưa thể tuyên bố ADIZ trên Biển Đông là vậy. Tuy nhiên, cũng có nhiều học giả Trung Quốc đã quá sốt ruột, họ hô hào Trung Quốc cho tàu sân bay Liêu Ninh xuống Biển Đông để khống chế vùng trời thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tiếc thay các học giả quá khích, “vô tích sự” này đâu biết rằng hiện tại cái gọi là tàu sân bay Liêu Ninh của họ chưa đáp ứng được một phần trăm điều họ kỳ vọng).

Không quân, Hải quân Việt Nam còn ít về số lượng, nếu không quân địch chiếm ưu thế trên vùng trời quần đảo Trường Sa, tức là gần hơn ta, nhiều hơn ta, điều này chỉ xảy ra chỉ khi tàu sân bay ngang nhiên hoạt động mà không bị trừng trị, lúc đó “thế” bị mất, “lực” thì yếu, Việt Nam sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Vì vậy, sân bay và tàu sân bay là mục tiêu chính, hàng đầu của tàu ngầm KILO Việt Nam nhắm tới.

Tiêu diệt tàu sân bay, đánh phá sân bay địch đồng nghĩa với duy trì lợi thế cho không quân làm chủ vùng biển, quần đảo, bảo đảm cho không quân phát huy sức mạnh quyết định của tác chiến không đối hạm.

Chúng ta đã quá hiểu biết về sự thống trị vùng trời, yếu tố quyết định thành bại trong chiến tranh hiện đại vũ khí công nghệ cao. Bởi vậy, chừng nào không quân và không quân hải quân của Việt Nam còn có ưu thế khi tác chiến trên vùng trời của vùng biển xa, đảo xa như trên quần đảo Trường Sa chẳng hạn, thì chưa phải là lúc địch dám liều lĩnh tấn công.

Và, đó có lẽ cũng chính là sức mạnh răn đe mà tàu ngầm Việt Nam tạo ra lớn hơn bất cứ lực lượng nào có thể.

Có thể tiêu diệt được tàu sân bay hay không?

Để tiêu diệt một tàu sân bay Mỹ, mạnh như Hải quân Trung Quốc cũng phải mất tới 40% lực lượng.

Xem ra, tiêu diệt được một chiếc tàu sân bay (trên giấy tờ, tính toán) hiện nay ở vùng khơi xa là một bài toán khó, phức tạp chưa có lời giải.

Tuy nhiên, tàu sân bay Mỹ kéo đến eo biển Đài Loan thử xem hay tàu sân bay Liêu Ninh đi sâu vào phía Nam Biển Đông thử xem…lúc đó thì bài toán sẽ bớt phức tạp hơn và chắc chắn sẽ có lời giải.

Điều đó có nghĩa là không gian địa lý chật hẹp sẽ hạn chế rất nhiều khả năng bảo vệ của tàu sân bay.

Chẳng hạn, cái khó khăn đầu tiên để xác định tọa độ tàu sân bay đã được đơn giản bởi một hệ thống quan trắc, chỉ thị mục tiêu tầm gần luôn có độ chính xác và hiệu quả cao.

Hoặc do phải chống lại hay phải tránh đòn đánh từ đất liền (điều kiêng kị của bất kỳ hạm đội tàu sân bay nào) cho nên cái “ma trận” khủng khiếp, bất khả xâm phạm của nó khi ở ngoài khơi dứt khoát buộc phải thay đổi…

Đó cũng chính là cơ sở cho Việt Nam “đặt bút” giải bài toán này dù rằng lực lượng không nhiều. (Nếu như Trung Quốc đang có ý đồ sử dụng tàu sân bay để khống chế vùng trời quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì chẳng ai ngạc nhiên và thắc mắc “giả thiết của bài toán” mà Việt Nam “đặt bút” và may sao, chắc chắn nó đơn giản hơn nhiều lần cái hạm đội tàu sân bay Mỹ.)

Nguyên tắc cơ bản trong ý đồ tác chiến của Việt Nam là phát huy địa lợi, kết hợp chặt chẽ giữa chiến thuật và công nghệ, những gì công nghệ chưa thể thì chiến thuật bổ sung nhằm tạo ra một phương án tấn công khả thi.

Mới đây Hoàn cầu Thời báo cho rằng Việt Nam chi tiền khủng xây dựng lữ đoàn tàu ngầm KILO hiện đại, tiên tiến hơn KILO của Trung Quốc để có được một “con bài” chơi với Trung Quốc trên Biển Đông. Trong khi đó, Tân Hoa xã thì cho rằng Việt Nam đang xây dựng “khu mai phục tàu ngầm” để hướng đến “cổng vào” eo biển Malacca”…

Tất cả những điều đó về mục đích thì còn tùy, chưa thể khẳng định đúng sai, nhưng về nội dung thì có vẻ như hoàn toàn trùng hợp với tư tưởng, nghệ thuật quân sự mà Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo đã dạy cho con cháu Việt Nam là “quân cốt tinh, không cốt đông” hay “lấy ít đánh nhiều thường dùng mai phục” thì chẳng cần phải bàn.

Tiêu diệt một tàu sân bay là vô cùng khó khăn, gian nan và sẽ bị nhiều tổn thất với giá đắt theo như tính toán về mặt lý thuyết. Thực tế là từ khi kết thúc chiến tranh thế giới đến nay, lực lượng bảo vệ cho tàu sân bay hiện đại, tiên tiến gấp nhiều lần nhưng lại chưa có cuộc tấn công nào vào hạm đội tàu sân bay cả, thậm chí ngay Trung Quốc trong hai lần khủng hoảng eo biển Đài Loan, chưa đánh đã phải khuất phục khi nó tiến vào, chứng tỏ nó rất đáng sợ, nguy hiểm.

Tuy nhiên, với Việt Nam, bất kỳ hạm đội tàu sân bay nào mà xâm phạm chủ quyền biển đảo thì dù chúng có sức mạnh khủng khiếp “bất khả xâm phạm” đến cỡ nào, Việt Nam cũng dám đánh, quyết đánh và sẽ có cách đánh.

Chẳng phải Điện Biên Phủ mà cả Pháp lẫn Mỹ trước khi chưa bị quân đội Việt Nam tấn công đều khẳng định, tự hào, khoe khoang là cứ điểm “bất khả xâm phạm”, là “cối xay thịt bộ đội Việt Nam” đó sao?

Baodatviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: Tàu ngầm , Tàu ngầm Việt Nam , Tàu ngầm Kilo , Tàu sân bay , Tàu nổi , Tàu sân bay Liêu Ninh