Một ngày ở chợ tình Khau Vai: Vợ chồng "mỗi người một nơi"
Thứ bảy, 15/06/2013 09:53

Ngoài sự cheo leo, hiểm trở và hoang vu, sự trơ trọi của đá xám, mùa nào cao nguyên đá cũng đẹp, một vẻ đẹp rất riêng...

Chợ không chỉ là nơi hò hẹn của những chàng trai, cô gái mà rất nhiều những cặp vợ chồng đã lớn tuổi

Chợ không chỉ là nơi hò hẹn của những chàng trai, cô gái mà rất nhiều những cặp vợ chồng đã lớn tuổi

Tuy đã nhiều lần đi trên con đường ngoằn ngoèo quanh co với một bên là núi cao, bên là vực sâu hun hút... để tới Mèo Vạc, nhưng lần nào chúng tôi cũng có cảm giác rờn rợn.

Ngoài sự cheo leo, hiểm trở và hoang vu, sự trơ trọi của đá xám, mùa nào cao nguyên đá cũng đẹp, một vẻ đẹp rất riêng không nơi nào trên đất nước Việt Nam này có được. Nhưng mùa xuân ở đây là đẹp hơn cả. Đây là mùa của tình yêu, của những lời hò hẹn, của tiếng sáo, tiếng khèn dìu dặt gọi mời, mùa của phiên chợ tình đã đi vào huyền thoại: Chợ tình Khau Vai.

Độc đáo phiên chợ mỗi năm chỉ họp một lần

Chợ tình Khau Vai còn gọi là chợ phong lưu, có từ năm 1919. Chợ họp trên một quả đồi tại thôn Khau Vai, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Mỗi năm, chợ chỉ họp đúng một lần. Nhắc đến Khau Vai là nhắc tới sự lỡ dở và đoàn tụ; sự khắc khoải đợi chờ của tình yêu đôi lứa... Thế mới biết, dù có khắc nghiệt, hoang sơ và xám ngắt một màu nhưng đá vẫn một mực thuỷ chung, tha thiết như chính sự tích được bắt nguồn từ truyền thuyết về chàng Ba, cô Út. Vì sự xung khắc giữa hai dân tộc mà hai người đành gạt nước mắt chia tay nhau, họ hẹn kiếp sau sẽ nên vợ nên chồng và hứa với nhau hàng năm, vào ngày 27/3 âm lịch sẽ trở lại núi Khau Vai gặp nhau.

Câu chuyện đã trôi qua biết bao mùa rẫy, nhưng nỗi xót xa về mối tình dang dở vẫn còn nguyên. Gọi là chợ đấy, nhưng không phải nơi để buôn bán hàng hóa đúng nghĩa thông thường mà chỉ có một số người bán đồ ăn uống phục vụ cho những người về đây họp chợ. Ẩn sâu bên trong chợ là niềm yêu thương của những mối tình trắc trở khiến tiếng đàn môi thêm khắc khoải, lời hát đối của những chàng trai cô gái người Tày, người Giáy, người Nùng thêm da diết. Và ngoài xa kia, những vó ngựa lưng đồi chợt thêm giục giã bâng khuâng…Có nhiều người đã lên ông, lên bà nhưng năm nào cũng mong ngóng đến ngày này để đến chợ bởi có những câu chuyện tình, dù qua bao mùa ngô trổ bắp, mùa lúa trĩu bông mà vẫn chưa nguôi se sắt. Họ đợi mong đến mùa xuân, khi những cơn gió lạnh cuối cùng rủ nhau tìm chỗ trốn, khi hoa lê, hoa mận, hoa đào vừa rụng những cánh cuối cùng để kết thành quả ngọt để tìm về với chợ tình Khau Vai…

Ông Trần Kim Ngọc, Ủy viên ban Thường vụ huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng BTC tuần văn hóa du lịch lễ hội chợ tình Khau Vai năm 2013, cho biết: “Năm nay tỉnh và các địa phương trên cao nguyên đá nói chung, huyện Mèo Vạc nói riêng đã có sự chuẩn bị hết sức chu đáo cho lễ hội chợ tình Khau Vai”.

Chợ tình Khau Vai không còn là của riêng Mèo Vạc mà đã trở thành điểm đến hấp dẫn của hàng vạn du khách

Chàng ơi xuống núi cùng em/Nhớ mang theo ngựa và đi một mình...

Con đường độc đạo vắt vẻo trên miệng vực sâu thăm thẳm dẫn vào xã Khau Vai ngày này bỗng trở nên đông đúc. Từng đoàn người, ngựa, xe nô nức đến chợ. Đứng nơi đỉnh đèo, chúng tôi phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh nơi đã khai sinh chợ tình. Chợ nằm chênh vênh, lơ lửng trên một quả đồi. Gọi là chợ tình, vì đây là địa điểm, là nơi để người ta tìm đến với nhau, sau một năm (cũng có thể là nhiều năm) xa cách, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, yêu thương nhau thực sự, nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau. Đúng ngày này, họ hẹn nhau về đây để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm, sự nhớ nhung do xa cách. Có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ, đến nơi, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng, họ không ghen tuông mà tôn trọng bạn của vợ, của chồng mình.

Trên đường vào chợ, chúng tôi gặp rất nhiều những đôi vợ chồng và cả các chàng trai, cô gái các dân tộc: Tày, Nùng, Giáy từ các xã Nậm Ban, Niêm Sơn, Tát Ngà, Lũng Pù, Sơn Vĩ, Thượng Phùng, ngoài ra có những người lặn lội từ các xã của huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) sang. Nghỉ chân bên một gốc cây cổ thụ, có dịp trò chuyện cùng vợ chồng anh Hoàng Văn Nghiên và chị Mua Thị Xinh, xã Tát Ngà. Anh Nghiên nói: "Năm nào vợ chồng mình cũng đi chợ tình. Háo hức lắm, chờ đợi lắm. Vợ mình thức suốt đêm, đồ xôi gà rồi gói cho mỗi người một gói bỏ vào túi. Đến 3h sáng 26/3, bắt đầu lên đường. Đi bộ suốt đêm bây giờ mới đến. Chiều tối nay và sáng mai, mỗi người sẽ đi gặp bạn của mình mà không ai làm phiền đến ai. Đêm mai sẽ lại về nhà mình". Chị Xinh tiếp lời chồng: "Người dân tộc chúng mình đi chợ gặp bạn để tâm sự, chia sẻ những chuyện vui buồn trong cuộc sống thôi, không như người Kinh nghĩ đâu. Hoàn toàn không có chuyện phản bội chồng (vợ) ớ". Tôi chợt hiểu, vì sao, giữa trập trùng đá núi này tình người vẫn luôn ấm nồng đến thế.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch hội Văn học TP.Hà Giang, người đã có nhiều năm sinh sống, làm việc ở Hà Giang chia sẻ: "Tôi yêu những phiên chợ vùng cao và đặc biệt yêu chợ tình. Hầu như năm nào tôi cũng đi Khau Vai. Mỗi năm một cảm giác khác, nhưng tựu chung lại vẫn là những tình cảm và sự trân trọng đặc biệt đối với những mối tình đẹp tựa câu chuyện cổ của chàng Ba, nàng Út. Họ tìm đến chợ và bày tỏ tâm tình, cùng ăn chung gói cơm nắm, cùng uống chung bát rượu đầy, cùng hát cho nhau nghe suốt đêm dài thương nhớ. Hoàn toàn không có chuyện vợ chồng cùng đến chợ rồi mỗi người có thể đi ngủ với người tình thoải mái như cách nghĩ của nhiều du khách người Kinh. Một số phóng viên miền xuôi lên chưa hiểu hết ý nghĩa chợ tình, đã có không ít bài viết sai sự thật, sai ý nghĩa thiêng liêng cao cả mà rất nhân văn của phiên chợ có một không hai này".

Từ khoảng 16h chiều 26/3 âm lịch, từng đoàn người nô nức hướng về chợ tình trong sắc mặt rạng rỡ. Có lẽ sau một năm trời làm lụng vất vả, hiếm có lúc nào mà trai gái, người già, người trẻ trên cao nguyên đá lại có một dịp để tụ hội như ở chốn này. Rất nhiều người trong những bộ trang phục đẹp nhất đã gùi rượu, xôi, bánh đi từ mờ sáng để kịp đến với chợ tình. Các trai bản thì từng tốp, mỗi người một chiếc đèn pin men theo đường tắt háo hức xuống chợ. Các cô gái thì ríu rít nói cười, những tiếng cười giòn tan vọng vào vách núi...

Cặp tình nhân đến từ Sài Gòn, anh Nguyễn Minh Lanh và chị Mai Thu Thủy, tâm sự với chúng tôi rằng: "Ngoài những giá trị truyền thống riêng mà chỉ người địa phương mới có thể hiểu hết, chợ tình Khau Vai đang trở thành một địa điểm chung cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người yêu mến cao nguyên đá và muốn tìm hiểu về phiên chợ tình huyền thoại có một không hai này. Và câu chuyện xưa đầy xúc động về tình yêu bị ngăn cấm đang là cầu nối cho sự giao lưu, đoàn kết giữa các dân tộc, đặc biệt là cho tình yêu đôi lứa được tự do bay bổng. Khi nghe đến phiên chợ tình huyền thoại này, rất nhiều các bạn trẻ đang thổn thức trái tim yêu như chúng tôi lại ước ao có một lần được tới...".

Trước khi ra về vào nửa đêm, đoàn chúng tôi cũng đã kịp thắp những nén nhang cầu cho duyên số và hạnh phúc trước miếu Ông và miếu Bà.

Khau Vai, hẹn gặp lại năm sau...

Khau Vai không còn chỉ riêng của Mèo Vạc

Lúc này đây, chúng tôi cảm nhận, rất rõ, Khau Vai không chỉ là của riêng Mèo Vạc nữa, trong những sắc xanh đỏ đặc trưng của trang phục Mông, Dao, Giáy còn có rất nhiều những chàng trai cô gái đến từ khắp mọi miền Tổ quốc. Nhiều bạn trẻ cho biết, họ quyết tâm đến đây để được trực tiếp cảm nhận về con người và cảnh sắc của vùng cao Hà Giang. Anh Trần Văn Hà, một du khách đến từ Nam Định, chia sẻ: "Trước đây, do chưa hiểu hết ý nghĩa của chợ tình, tôi và rất nhiều bạn bè đã nghĩ sai về phiên chợ đặc biệt này, rằng khi đến với chợ tình, mọi người đều có thể sống ngoài chồng ngoài vợ. Giờ được đến đây, tận mắt chứng kiến những gì diễn ra trong phiên chợ, tôi mới hiểu ra và thêm yêu, thêm trân trọng những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số".

 

Nguoiduatin.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: Chợ tình khau vai , Khau Vai , Mèo Vạc , Hà Giang , Chợ tình ở Hà Giang , Dân tộc thiểu số , Nét đẹp văn hóa