Monte Carlo Masters: Vua, Hoàng hậu, Hoàng tử và tennis
Thứ bảy, 21/04/2012 08:13

Ở công quốc Monaco mà Hoàng tử Albert Đệ nhị đang trị vì, có cả Vua và Hoàng hậu của thế giới banh nỉ đang cư ngụ ở đó.

Một công quốc có thể có nhiều Vua và nhiều Hoàng hậu

Nếu Djokovic đăng quang ở Monte Carlo lần này, thì chiếc cúp sẽ được trao từ tay của Hoàng tử Albert cho ông Vua của quần vợt nam đương đại. Djokovic cũng là một trong những cư dân (dù không phải công dân) của công quốc Monaco, kể từ khi tay vợt người Serbia muốn tìm đến một nơi nào đó lý tưởng về cuộc sống, dễ chịu về thuế để trú ngụ sau những chặng đường dài xách vợt du đấu.

Đương kim số 1 thế giới của nữ, tay vợt người Uzbekistan Victoria Azarenka cũng đã bỏ nước Mỹ, dù nơi đây đã nuôi dưỡng tài năng của cô, để tới sống ở Monaco.

Caroline Wozniacki, người mới mất ghế nữ hoàng vào tay Azarenka cũng không chọn Ba Lan (quê cha mẹ cô), hay Đan Mạch (nơi cô sinh ra), hay Mỹ (nơi cô mới mua một cặp căn hộ giá 9 triệu USD) mà đến ở tại Monaco.

Danh sách các ngôi sao tennis từ khắp thế giới đổ về Monaco sống thời nào cũng có. Cựu số 1 thế giới của nam là Safin, của nữ là Henin cũng từng nằm trong số này. 

Novak Djokovic, ông Hoàng của làng quần vợt thế giới vào thời điểm hiện tại.

Ở Monaco, nắng vàng rực rỡ không dưới 300 ngày mỗi năm, lại thêm những làn gió mát từ biển Địa Trung Hải thổi tới. Ở Monaco, đó là một thiên đường về thuế dù cho khi mua bất cứ sản vật hàng hóa nào ở đó, bạn cũng phải trả 19,6% thuế VAT (trong khi ở Mỹ tỉ lệ phổ biến là khoảng 6%), hay nếu bạn là một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu thụ ở ngoài lãnh thổ công quốc, bạn sẽ phải nộp tới 33% thuế lợi tức. Bởi ở đó, trong sổ sách của chính quyền quân chủ, không có từ nào là “thuế thu nhập cá nhân”. Djokovic dù kiếm gần 30 triệu USD trong năm 2011, anh cũng không phải nộp xu nào cho Hoàng tử Albert ngoài những lần anh chi trả cho những chuyến dong chơi bằng du thuyền cùng với bạn gái của mình ở biển Địa Trung Hải hay mua sắm ở Đại lộ Công nương Grace (mang tên vợ của Hoàng tử Albert). Nadal với 7 lần vô địch liên tiếp cũng ôm gọn số tiền thưởng mỗi lần chừng nửa triệu USD về Mallorca trong khi nếu tham dự giải đấu ở Anh, anh không những bị đánh thuế tiền thưởng mà cả khoản kiếm được từ quảng cáo cũng bị "tính sổ".

Dạ tiệc trên khán đài

Ở một chốn đặc biệt như thế, tổ chức và xem tennis cũng có những chuẩn mực riêng, tạo nên sự khác biệt của Monte Carlo so với hệ thống Masters hoặc nếu có sự tương đồng, chỉ có Wimbledon của hoàng gia Anh mới thấy.

Tổ hợp tennis ở Monte Carlo gồm 40 sân, trong đó sân trung tâm nhìn ở trên cao như nhô ra biển. Lô A của một khán đài quay lưng ra biển có một khu đặc biệt dành riêng cho hoàng tộc thuộc dòng dõi Grimaldi. Đó là ranh giới của một khu vực khán đài với một khu đặc biệt mà đôi khi khán giả truyền hình vẫn bắt gặp những hình ảnh các quý bà trong những chiếc mũ rộng vành gắn lông chim ngồi thưởng rượu vang với các quý ông áo sơ mi trắng toát đầu đội mũ phớt.

Nếu muốn có một lô 6 ghế đẹp ở giải năm nay, bạn phải trả 9.900 euro, tương đương với khoảng 300 triệu đồng, và nếu bạn muốn mời một đoàn khách 20 người tới xem ngồi ở vị trí Prestige Loge (tạm dịch là khu danh vọng), cái giá sẽ là 54 ngàn euro, khoảng 1,5 tỉ đồng.

Nhiều năm qua, những khu đặc biệt bao quanh lô ghế của hoàng gia hầu như không bao giờ có ghế trống. Những bàn tiệc trải khăn trắng muốt luôn kín chỗ.

Bởi vậy, dù Monte Carlo không mang tính bắt buộc phải tham gia với 30 tay vợt hàng đầu, nhưng hầu hết các ngôi sao đều có mặt ở đây cũng vì những sự đặc biệt mà chính Hoàng tử Albert là người có công lớn tạo nên.

Mang trong mình dòng máu của nữ tài tử Mỹ Grace Kelly, lại có trong tay không chỉ tấm bằng cử nhân Chính trị xã hội mà cả cử nhân Nghệ thuật của Đại học Massachusetts (Mỹ), Hoàng tử Albert đã biến Monte Carlo Masters không chỉ là một sự kiện thể thao mà còn là một lễ hội với sự hiện diện đông đảo của giới giải trí. Ông thường tổ chức lễ khai mạc giải đấu ở một nhà hàng. Các tay vợt ngôi sao thường được mời tới gặp riêng trước khi bóng lăn. Và tự tay ông thường trao chiếc cúp cho nhà vô địch.

Nhờ thế, 4 năm qua trong 7 chức vô địch liên tiếp của mình ở Monte Carlo, ông Vua của sân đất nện, Nadal có cái vinh dự nhận cúp từ Hoàng tử Albert.

Kết quả bốc thăm Monte Carlo đã đưa rất nhiều những tay vợt sừng sỏ vào cùng nhánh đấu với Djokovic. Từ những chuyên gia đất nện như Ferrer, Monaco, Melzer tới các tài năng trẻ như Dolgopolov, hay ngôi sao người Czech Berdych, và cả đối thủ Murray, người đã từng đánh bại anh ở Dubai hồi đầu năm. Trong khi đó, Nadal ở nhánh chỉ có các tay vợt đồng hương cỡ Almagro, F. Lopez, và xương nhất là Tsonga.

Match Point

Sharapova tiếp tục là số 1 về kiếm tiền quảng cáo đối với các tay vợt nữ. Cô chia tay với hãng điện thoại Sony Ericsson để trở thành gương mặt của Samsung ở khu vực Bắc Mỹ, Nga... Dự kiến sang năm, hợp đồng sẽ mở rộng độ phủ sóng ra toàn thế giới. Năm 2011, Sharapova kiếm hơn 20 triệu USD từ các hợp đồng thương mại.

TT&VH
Tag: Monte Carlo Masters 2012 , Andy Murray , Rafael Nadal , Novak Djokovic , Roger Federer , Albert , Công quốc Monaco