Rất nhiều khách du lịch đã dính bẫy các quán ăn “chặt chém” khi đến TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Phóng viên thâm nhập các quán và tận mắt chứng kiến “công nghệ chặt chém” khách với đủ các chiêu thức.
|
Quán Như Ý trên đường Phan Chu Trinh, P.2, TP Vũng Tàu - Ảnh: N.Khải
Sáng 2-2, ba người khách gồm hai nam, một nữ từ TP.HCM được một “cò” dẫn đến quán ăn Như Ý (306 Phan Chu Trinh, P.2). Ông Đức order (đảm nhận khâu đặt các món ăn) của quán - cầm thực đơn ra mời khách chọn món. Khách gọi hai đĩa cơm sườn, một đĩa cơm chiên Dương Châu. Ông Đức mồi chài: “Quán em bán đồ hải sản tươi sống thôi. Ăn cơm thì gọi lẩu ăn kèm” và gợi ý: “Anh chị gọi mấy lạng tôm sú loại nhỏ và cái lẩu nhỏ nha? Có nghêu, ốc hương, ghẹ đều hàng tươi sống hết, chỉ mấy trăm nghìn đồng thôi”. Khoảng một giờ sau, ba người khách này trố mắt nhìn khi hóa đơn tính tiền là 3.099.000 đồng.
Cân đểu, nâng khống hóa đơn
Một ngày hai lần dính bẫy Gần 19g30 ngày 8-2, anh Cao Văn Trung cùng vợ bước ra từ quán ăn Hưng Phát 2 với nét mặt đầy thất vọng. Anh cho biết mình là Việt kiều đã định cư bên Úc 20 năm mới về VN. “Ở đây món ăn không ngon và quá mắc với ba món tôm, ốc, chả giò chiên mà tôi phải trả đến 1,3 triệu đồng” - anh kể. Trong một ngày anh đã bị “chặt đẹp” đến hai lần, buổi sáng tại quán Như Ý với giá 1,3 triệu đồng chỉ với vài món thì quá mắc. Cả hai lần đều do “cò” giới thiệu. Anh Trung nói: “Mấy ông chạy vòng vòng phát giấy, thấy giá cả đàng hoàng nên vợ chồng tôi ghé ăn”. Anh cho biết giá niêm yết ở tờ rơi và lúc tính tiền hoàn toàn không giống nhau. “Tôi chưa thấy ở đâu giá mắc đến vậy. Vợ chồng tôi định ở Vũng Tàu chơi lâu nhưng kiểu này thì phải về sớm” |
Những ngày thâm nhập tìm hiểu tại quán ăn Như Ý, chúng tôi phát hiện quán sử dụng tới ba chiếc cân để cân hải sản. Dưới bếp đặt hai cái, một loại 12kg để cân hàng nhập về, một cái loại 5kg dùng để cân hải sản lúc lên thớt (đầu bếp sử dụng). Cái còn lại loại 12kg đặt gần bể chứa hải sản tươi sống để cân cho khách khi có nhu cầu. Trong đó chỉ có hai cân dưới bếp là chính xác, còn cân loại 12kg đặt dưới bể chứa hải sản mỗi lần cân trọng lượng “ảo” sẽ tăng xấp xỉ 300g.
Trưa 5-2, bà Hương - chủ quán - bắt từ trong bể chứa hải sản hai con tôm tích rồi lấy cân đặt dưới bể chứa ra cân, nói với khách: “Em ơi, bảy lạng rưỡi (nhưng thực chất chỉ bốn lạng rưỡi - PV). Giá một ký tôm tích trong bảng giá quán Như Ý là 1.300.000 đồng. Như vậy, khách sẽ trả 975.000 đồng cho hai con tôm tích và bị móc túi tới 390.000 đồng. Ông Văn thủng thẳng: “Người nào khó tính thì mình cân cho họ tin. Nhưng kiểu nào cũng không thoát được”.
Trưa 6-2, một cặp vợ chồng từ TP.HCM ghé vào quán Như Ý. Người phụ nữ gọi một đĩa tôm sú nhỏ, ông Linh - người lấy thực phẩm - vớt trong thau sáu con tôm sú lên cân nhưng khi bà Hương xuống bếp không cần nhìn vào bàn cân, lấy bút kê vào phiếu gọi món ăn là 600g tôm sú (thực tế thấp hơn). Độ 10 phút sau, khi tôm được rim chín, bà Trinh - người quản lý - nhìn phiếu rồi kê vào hóa đơn: tôm sú lớn 6 con 900g, giá 675.000 đồng, xem như nâng khống thêm 300g.
Cầm tờ hóa đơn tính tiền, đôi vợ chồng không giấu nổi bực tức. “Lúc nãy nói làm đĩa tôm nhỏ rim, tô canh cá mú rẻ nhất mà giờ tính tiền thế này?” - người vợ nói. Bà Trinh trả lời: “Tôm rim bà thường ăn là tôm nuôi. Quán này bán tôm biển giá nó khác”. Hai người khách lắc đầu, rút tiền trả và gói tôm thừa mang đi.
Hóa đơn các món ăn với giá trên trời 3.042.000 đồng tại quán Như Ý vào tối 4-2, bên cạnh là tờ rơi dụ khách với mức giá rất mềm - Ảnh: N.Khải
Cầm đồ để có tiền trả quán
Quán Hưng Phát 2 (189 Hoàng Hoa Thám, P.Thắng Tam) có cách “chặt chém” êm hơn, thủ thuật của bà Hòa - order của quán - là quảng cáo món lẩu thập cẩm, lẩu Thái với giá trên 100.000 đồng để dụ khách chọn, nhưng lẩu bưng lên sẽ kèm theo một đĩa hải sản được tính tiền riêng. Khách ăn xong mới tá hỏa khi kêu một cái lẩu chỉ có giá trên 100.000 đồng nay thành vài triệu đồng.
Chiều 7-2, một “cò” dắt mối quán ăn bằng xe máy dẫn gia đình anh Phan Đức Tiến (ngụ P.Phước Long B, Q.9, TP.HCM) vào quán Hưng Phát 2 ăn trưa. Lúc này, bà Hòa đon đả ra ghi thực đơn và không quên mời khách ăn món lẩu. Nhân viên quán bưng lên một nồi lẩu tôm sú có bốn con kèm theo một đĩa mực tươi. Sau bữa ăn, anh Tiến té ngửa khi hóa đơn tính tiền là 1,2 triệu đồng. Thấy khách phản ứng dữ dội, một nhân viên nam của quán ăn mở nhạc to hết cỡ để át tiếng cãi nhau. Khách vừa đi khỏi, bà Hòa cười ruồi: “Chửi chán cũng phải trả tiền thôi”.
Té ngửa vì bị “chặt chém”, nhiều thực khách không thể đủ tiền trả cho quán, phải cầm cố tài sản để có tiền thanh toán. 13g ngày 5-2, nhóm bốn người bạn học chung ở Trường THPT Hiệp Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM) mang 1,5 triệu đồng vào quán Như Ý ăn trưa. Nhưng khi tính tiền cả nhóm té ngửa với hóa đơn lên tới 2.860.000 đồng. Phương, một người trong nhóm, phải theo một nhân viên giữ xe của quán đến một tiệm cầm đồ cầm hai điện thoại lấy 1,3 triệu đồng để thanh toán.
Đội ngũ “cò” giúp sức
Giúp sức để chủ quán “chặt chém” du khách là lực lượng “cò” mồi chài quán ăn rất đông đảo. Từ “cò” chạy xe máy đến “cò” chạy taxi dùng đủ mánh để chèo kéo khi các quán ăn sẵn sàng chơi đẹp bằng hoa hồng 20-30% số tiền móc túi khách cho “cò”. Dọc đường Thùy Vân, Hoàng Hoa Thám... lực lượng “cò” đi xe máy lên đến hàng chục người. Bà Hai, quản lý quán Hưng Phát 2, khẳng định: “Mỗi ngày một “cò” có thể kiếm được trên 1 triệu đồng, những ngày nghỉ lễ, số tiền còn tăng hơn nữa”.
“Cò” Liêm của quán Hưng Phát 2 cho biết công việc của các “cò” là cầm một xấp tờ rơi của quán ăn Hưng Phát 2, kèm theo giá cả các món ăn rồi dụ khách vào quán. Các món ăn trên tờ quảng cáo ghi giá khá mềm để khách không bị choáng. Khi khách chịu vào, nhân viên quán “gài” ăn những món sang như lẩu hải sản, lẩu cá, tôm...
Sáng 2-2, “cò” Phong bám theo một chiếc xe 12 chỗ, nhanh chóng vứt tờ giấy quảng cáo vào đầu xe cho tài xế. Ngay chiều hôm đó, tài xế đã chở nguyên cả đoàn gần mười người khách vào quán Hưng Phát 2. Công việc chỉ có bấy nhiêu nhưng tối hôm đó, ông Phong đến nhận tiền hoa hồng là 1.700.000 đồng. “Cò” Phong cười: “Có ngày tao kiếm được 4.000.000 đồng lận. Làm nghề này tuy bị khách chửi nhiều nhưng cũng sống khá”.
Ngày 3-2, ngay sau khi báo chí đưa tin quán Hiệp Ký 1 (195B Hoàng Hoa Thám, P.Thắng Tam) “chặt chém” khách, giới “cò” quán ăn bàn luận rất sôi nổi. “Cò” Liêm phân bua: “Khách đi taxi lại có thêm người nước ngoài vô quán. Không bị “chặt chém” mới là chuyện lạ”. Sau đó ít ngày, quán ăn Hiệp Ký 1 tạm thời đóng cửa. Nhóm “cò” khoảng 3-4 người từ quán ăn này đổ qua kéo khách cho quán Hưng Phát 2. “Cò” Lành từ quán Hiệp Ký 1 mới về “đầu quân” cho quán này nói: “Mấy ngày tết tui kiếm được hơn chục triệu đồng. Có ngày làm được gần 3 triệu lận”.
Bà Hương, chủ quán Như Ý, cho biết sẵn sàng chi 20% cho “cò” chạy xe máy dẫn khách tới quán: “Nếu khách ăn 10 triệu đồng, cò sẽ được 2 triệu đồng”. Còn các “cò” chạy taxi giới thiệu được nhiều khách dễ tính nên hoa hồng được hưởng cao hơn.
Những chiếc “máy chém” này luôn làm hãi hùng khách du lịch.
Tài xế taxi tiếp tay Trong những ngày thâm nhập các quán ăn “chặt chém” tại TP Vũng Tàu, chúng tôi chứng kiến nhiều tài xế taxi móc nối với các quán ăn có tiếng “chặt chém” khách để ăn chia hoa hồng. Chiều 10-2, tại ngã ba Hoàng Hoa Thám - Thùy Vân, một nhóm gồm năm tài xế taxi của Hãng Petro ngồi bàn nhau về việc đưa khách vào các quán Hưng Phát 2 và Như Ý (quán có tên trong danh sách “đen” được các cơ quan chức năng TP Vũng Tàu công bố trước đây). Tài xế Nguyễn Văn Thương khoe: “Trưa nay mới dẫn sáu khách vào quán ăn Hưng Phát 2”. Ông này giải thích rành rẽ: “Bình thường, xe chở khách vào quán ăn sẽ nhận tiền hoa hồng 30%, đưa khách vào khách sạn sẽ được 20% và chở vào bãi biển kiếm được 50%”. Có ngày riêng thu nhập kiếm “thêm”, ông ta đã bỏ túi gần 5 triệu đồng. Thông thường sau khi thực khách thanh toán tiền hoặc cuối ngày, tài xế taxi sẽ quay lại để lấy hoa hồng. Một tài xế taxi cho biết tùy đối tượng khách mà giới thiệu khách vào quán nào, nhưng đa số giới thiệu vào quán ăn Như Ý. 13g45 ngày 10-2, chúng tôi đón taxi Hãng Petro đậu trên đường Thùy Vân. Khi nghe khách cần đến một quán cơm bình dân, tài xế Vinh liền cho xe rẽ vào đường Phan Chu Trinh rồi dừng lại trước quán ăn gia đình Như Ý. Ông Vinh nói: “Quán này cơm, lẩu, hải sản giá bình dân lắm. Mấy anh đi trên 15 người thì càng rẻ. Thấy không, quán ăn ngon, rẻ nên khách đông nghịt kìa”. Thấy khách chưa vừa ý, ông Vinh mồi chài tiếp: “Giá rẻ lắm. Ăn càng đông càng rẻ, anh gọi nhóm bạn đầy đủ tới đây rồi tui gọi lên tổng đài đặt bàn”. |
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%