Man City: Tai gần miệng
Thứ hai, 02/04/2012 15:10

Tai gần miệng. Đòn tâm lý chiến được bên nào phát động thì chính bên ấy lại mang ức chế tâm lý trước.

Roberto Mancini

1. Tai gần miệng, ai nói nấy nghe - dân gian ta có câu như thế. Và có lẽ chuyện xảy ra trong những cuộc “tâm lý chiến” của bóng đá cũng tương tự.

Hồi hè năm 2010, khi Man City dựng tấm biển ghi chữ “Chào mừng đến Manchester” kèm hình ảnh Carlos Tevez to tướng giữa thành phố Manchester, Sir Alex Ferguson đã bực tức gọi đối phương là “đội bóng có tâm lý nhược tiểu”. Theo ý ông, việc lúc nào cũng thích nhắc đến M.U chỉ khiến Man City nhỏ bé hơn.

Giám đốc phát triển bóng đá của Man xanh Patrick Vieira càm ràm việc trọng tài thiên vị M.U đã là chuyện của tuần trước. Hôm qua, sau trận hòa Sunderland, lại thấy Roberto Mancini nói về M.U: “Tôi tin rằng họ sẽ có một trận hòa vào thứ Hai”. Tại sao không thể là một câu chung chung thông thường theo kiểu: “Chúng tôi chỉ biết tập trung hết sức và cầu nguyện điều tốt đẹp nhất” như tất cả các HLV vẫn thường nói? Tại sao lại phải nhắc đích danh M.U? Phải chăng không nhắc đến M.U thì… không phải là Man City?

Tai gần miệng. Đòn tâm lý chiến được bên nào phát động thì nghĩa là bên ấy mang ức chế tâm lý trước. Và bên nào ức chế trước thì thực tế của vòng 31 Premier League đã chỉ ra, với cái cách Mancini gây gổ với Balotelli trên sân tập, Balotelli gây gổ với Kolarov trên sân đấu, và các hậu vệ thi đấu như mơ ngủ.

Các cầu thủ Man City cà khịa với nhau trên sân

2. Chúng tôi đã kể chuyện của Man City đánh mất chức vô địch mùa giải 1971/72 vì tội thích “cà khịa” Man United. Đội bóng đang dẫn đầu bảng ngon trớn, bỗng nhiên HLV Malcom Allison lại muốn “chơi” M.U bằng cách mua về một ngôi sao có thể làm đối trọng với George Best của Quỷ đỏ. Tiền đạo đang nổi Rodney Marsh được mua về với giá kỷ lục và được gắng gượng sử dụng. Nhưng anh không thể hòa nhập vào lối chơi chung và Man City mất chức vô địch.

Cái bệnh thích nghĩ đến đối phương không chỉ khiến sự tập trung của bản thân bị phân tán. Họ còn có nguy cơ dính phản đòn. Alex Ferguson mắng lại thì ít, dư luận nhiếc móc, bêu riếu thì nhiều.

Từ lúc Patrick Vieira than vãn việc trọng tài thiên vị M.U, báo chí Anh liên tục phân tích để chỉ ra rằng M.U không hề được hưởng lợi từ các quả penalty. Hôm qua, BBC thống kê tất cả các quả penalty mà một đội được hưởng trên sân nhà từ năm 2006 đến nay, và rút ra kết luận: chính Man City mới đang là đội được thổi penalty nhiều nhất trên sân nhà, với 3,93 trận/quả so với tỷ lệ 4,4 trận/quả của M.U. Xét đến số quả penalty bị phạt trên sân nhà, M.U cũng nhiều hơn 7 đội khác.

Những chàng trai ở trung tâm huấn luyện Carrington mà chăm đọc báo hẳn sẽ cảm thấy xấu hổ.

3. Quân Man City không yếu. Chiến thuật Man City không đơn sơ. Chỉ có những cái đầu Man City thì vẫn nặng như chì. Chưa thấy ở họ tâm thế của một nhà vô địch, cho dù đã có thể đè bẹp M.U với tỷ số 6-1.

Hãy tưởng tượng rằng trước một đối thủ như thế, Alex Ferguson sẽ nói gì? Ông sẽ bảo: “Tôi không muốn bàn về đội bóng đó. Họ đã thua chúng tôi 1-6, và trong mắt tôi họ cũng tương đương với Portmouth hay West Ham”. Man City đáng ra có thể nghĩ như thế, thay vì coi M.U như thứ duy nhất cần quan tâm.

Thời Elano thích lên báo nói lăng nhăng về nội bộ, HLV Mark Hughes từng có lệnh cấm cầu thủ đọc báo. Hãy hy vọng rằng cái lệnh cấm “chỉ có ở Man City” ấy vẫn còn hiệu lực. Bởi trên báo Anh mấy ngày nay toàn những bài viết đại ý như trên.

Bongdaplus
Tag: Roberto Mancini , Man City , Man Utd , Sir Alex Ferguson , Premier League , Lăng kính