Dù chưa đến tháng Giêng nhưng ngay từ thời điểm hiện tại, không ít người đã đến "gõ cửa" những ngôi chùa hoặc cậy nhờ những "thầy" dự đoán tương lai cho họ.
'Mặc cả' với thánh thần để rước lộc hay rước họa? |
Tâm linh cũng bị "thị trường hóa"
Đầu năm, "con nhang, đệ tử" đua nhau đi làm lễ dâng sao, giải hạn để cầu tài, cầu lộc. Những người "lắm tiền, nhiều của" sẵn sàng chi hàng trăm triệu đồng cho một khoá lễ để thánh thần chứng giám cho lòng thành của họ. Thế nhưng, đó là chuyện của ngày đầu năm, còn vào dịp cuối năm này, những "con nhang, đệ tử" lại sắm sửa "mâm cao, cỗ đầy" đi lễ tạ ở những nơi đã xin lộc đầu năm. Những khoá lễ cuối năm còn "khủng" hơn đầu năm rất nhiều. Bởi, theo dân gian, nếu đầu năm đã "vay lộc thánh", hầu đồng "xin lộc mẫu", cuối năm ắt phải thu xếp "trả lễ" để được tiếp nối linh thiêng xin lộc xa lộc gần cho năm mới. Vì thế, những người đầu năm cầu an giải hạn ở chùa, đền phủ nào thì cuối năm dù bận đến mấy cũng cố thu xếp thời gian để tới lễ tạ và lại đăng ký danh sách cầu an giải hạn cho năm tới. Việc này giúp cho mọi người cảm thấy yên tâm, thanh thản hơn để bắt đầu vào một năm mới. Thế nhưng, theo nhận định của các chuyên gia văn hoá, hình thức lễ tạ cũng như dâng sao giải hạn hiện nay đang bị biến tướng, chẳng khác nào đang "hối lộ" thánh thần và tiếp tay cho "tham nhũng tâm linh".
Thực tế xã hội hiện nay, đời sống tâm linh cũng đang có xu hướng bị "thị trường hóa". Theo chân đại gia gỗ, tên Tiến (ở Bắc Ninh) đi cúng sao giải hạn cuối năm, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước cái gọi là "thị trường hóa" của đời sống tâm linh.
Đồ lễ được chở bằng hai ô tô tải (một xe chở toàn đồ mã, một xe chở toàn đồ cúng gồm hoa, quả, bánh kẹo, xôi, gà...). Những người phục vụ cho buổi lễ hầu đồng của đại gia Tiến là hơn 70 người, trong đó có anh em ruột, họ hàng, bạn bè, nhà sư và một đội hầu đồng đông đảo.
Đại gia Tiến tổ chức hầu đồng ở Côn Sơn - Kiếp Bạc, một ngôi đền nổi tiếng (ở Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương). Thời gian tổ chức hầu đồng từ 8h sáng đến 23h cùng ngày. Giữa buổi hầu, người nhà vào bếp của đền nấu cỗ, cùng nhau ăn như thể đi trẩy hội. Chúng tôi thực sự choáng khi chứng kiến buổi lễ hầu đồng, lễ tạ của đại gia Tiến.
Vợ đại gia Tiến không giấu giếm niềm vui khi tổ chức một buổi lễ tạ khá tươm tất và chu đáo cho chồng. Chị tâm sự: "Tôi chuẩn bị 250 triệu đồng đấy cô à. Riêng đồ mã đã hết gần 140 triệu đồng. Đồ mã, tôi đặt trước vài tháng chứ không phải hàng chợ đâu nhé. Tiền hoa tươi cho khóa lễ hết gần chục triệu đồng...".
Nghe đến đây, chúng tôi choáng thực sự. Ngó sang bên cạnh, xung quanh mình, sao lắm đại gia đi lễ tạ thế? Thấy tôi ngỡ ngàng, vợ đại gia Tiến bảo: "Cuối năm, tất cả dân làm ăn đều đi lễ tạ. Ai kiếm được lộc càng nhiều thì làm lễ càng lớn. Bình thường, lễ tạ của họ không dưới 20-30 triệu đồng" thậm chí hàng trăm, hàng tỉ đồng. Tôi cười. Vợ đại gia Tiến nói tiếp: "Cô tưởng chị nói đùa à? Năm nay anh cô 49, phải làm lễ lớn. Còn những năm bình thường khác, cuối năm và đầu năm, chị chi vài chục triệu đồng đi lễ cầu lộc, cầu tài, cầu sức khỏe là chuyện bình thường...".
Trò chuyện với PV, chuyên gia phong thủy Mai Văn Sinh (Hà Nội) cho biết, bản thân ông từng nghe "dân trong nghề" kể lại câu chuyện về một vị quan chức bỏ tiền thuê hẳn một nhà sư về nhà cúng sao, giải hạn. Các đồ tế lễ đều được nhập ngoại. Chi phí cho lễ dâng sao, giải hạn, lễ tạ này lên đến vài trăm triệu đồng. Có đại gia "bao" hẳn cả ngôi chùa vào "giờ vàng" đêm 14 sáng 15 tháng Giêng và một ngày đầu tháng Chạp hằng năm để đưa cả gia đình, vợ con, bạn bè đến dâng sao giải hạn, lễ tạ. Họ quan niệm rằng, lễ càng to, lộc càng nhiều. Thậm chí, do làm lễ ở chùa đông đúc nên không ít gia chủ sẵng sàng thuê riêng "thầy" tổ chức tại điện của "thầy" hoặc thỉnh "thầy" về nhà. Họ cho rằng, một "tín chủ" sẽ dễ lễ, dễ kêu, sự "linh ứng" cũng có vẻ hơn...?!
Cũng theo lời chuyên gia Mai Văn Sinh, dân làm ăn, kinh doanh thường "hao tâm tốn của" với việc lễ bái. Có đại gia thầu cát xây dựng tại khu vực miền Bắc đã bỏ ra gần nửa tỉ đồng cho một lần lễ lạt. Việc làm ăn gắn liền với sông nước, thường xuyên đối diện với hiểm nguy, ngày đầu năm, ông ta thuê 6 người làm 1.000 hình nhân, ngựa giấy đốt để giải hạn và mong các "ngài" phù hộ cho việc làm ăn được thuận lợi. Trước thời điểm "thầy" lập đàn, đại gia này huy động nhiều xe tải chở thuyền rồng, đĩnh vàng, ngai bạc, voi chiến... cùng một xe riêng chở toàn đô la âm phủ tập kết tại khu vực "thầy" làm lễ. Tính ra, chỉ một đêm, đại gia này đã "đốt" gần nửa tỉ đồng chỉ với mục đích mong được thần linh "chứng giám", giúp mình giải hạn, làm ăn phát đạt.
Cũng theo tìm hiểu của PV, không khó để nhận thấy thực tế, hầu như các chùa, đền, phủ, miếu vào những ngày sau Tết cổ truyền chật kín người làm lễ dâng sao giải hạn. Tại Hà Nội, suốt nhiều năm nay, chùa P.K. đã trở thành điểm đến nổi tiếng của những con nhang đệ tử đăng ký được làm lễ dâng sao giải hạn. Lượng người đông đúc đến mức phải xếp hàng tràn ra đường, nhà chùa làm lễ phải bắc loa để đọc tên trong danh sách dài dằng dặc...
Biển người ngồi chật kín phố Tây Sơn, trước cổng chùa P.K. (Hà Nội) để làm lễ giải hạn, cầu may.
"Mâm cao cỗ đầy" có "mua" được thần thánh?
Theo tục lệ dân gian, lễ cúng dâng sao giải hạn được làm vào đầu năm, rằm tháng Giêng hoặc hàng tháng tại chùa, hay tại nhà với mục đích cầu xin thần Sao phù hộ cho bản thân, gia đình được may mắn, bình an; cuối năm lại làm lễ tạ. Nhiều nhà văn hoá cho rằng, tục cúng sao, lễ tạ thể hiện ước vọng cầu được phúc lộc tốt lành và bài trừ cái xấu, mong ước hạnh phúc. Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, việc cúng sao giải hạn đầu năm, lễ tạ cuối năm đã vượt ra xa ngoài ý nghĩa vốn có mà ngày càng có những biểu hiện phản văn hoá.
Trao đổi với PV, Đại đức Thích Bản Quyền, trụ trì chùa Phúc Long (Hải Phòng) cho biết, tục cúng sao giải hạn đã có từ lâu. Theo quan niệm dân gian, mỗi người vào mỗi năm có mộtngôi sao chiếu mệnh. Có 9 ngôi sao - cửu diệu (có sao tốt, sao xấu), cứ sau 9 năm lại luân phiên trở lại ứng với một cá nhân. Vì thế mới có tục cúng sao giải hạn, cuối năm lại làm lễ tạ. Ngày xưa, tục rất đơn giản và người xưa quan niệm, cúng lễ là nhằm khơi dậy đức tin để mong cầu hạnh phúc, làm những việc tốt, tránh những "sao xấu". Ngày nay, "phú quý sinh lễ nghĩa", nhiều người sắm những khóa lễ hàng trăm triệu đồng gây tốn kém, lãng phí. Đó là hiện tượng thương mại hoá, bệnh thích phô trương, cuồng tín, thậm chí bộc lộ bản chất tham lam ích kỷ.
Đó là chưa kể, không ít đối tượng lợi dụng sự cuồng tín của người dân để trục lợi. Trong thời gian qua, báo Đời sống và Pháp luật cũng từng đăng tải nhiều bài viết phản ánh trường hợp các "thầy cúng" tự xưng đã dựa vào tâm lý lo lắng, sợ hãi, nhẹ dạ của người dân để trục lợi bất chính. Họ bày ra đủ trò, từ mang "sao xấu" ra hù dọa để gia chủ phải nhờ họ cúng sao giải hạn, đến cúng sao tốt để tăng phước. Nào là hái lộc đầu xuân, cầu an cho người sống, cầu siêu cho người chết, nào là tụng kinh cho linh hồn... Tất cả đều là những kiểu kinh doanh lừa bịp của những kẻ "ăn bám" thế giới tâm linh.
Trên thực tế, cơ quan chức năng từng xử lý không ít đối tượng lợi dụng chuyện lễ bái, giải hạn để thực hiện hành vi lừa đảo. Theo thông tin được báo chí đăng tải, khoảng tháng 9/2013, Phan Tấn Lộc (SN 1996, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) biết gia đình bà N.Đ.L. (cùng ngụ tại TP.HCM) gặp chuyện không vui, Lộc đặt vấn đề cúng giải hạn cho chồng bà L. được siêu thoát. Lộc "khua môi múa mép" rằng, hồn của chồng bà L. đang bị ám, muốn được giải hạn phải đưa tiền cho Lộc. Bà L. đã nhiều lần đưa tiền cho Lộc, tổng cộng là 32,3 triệu đồng. Toàn bộ số tiền trên, Lộc lấy đem tiêu xài hết. Bà L. đã đến công an địa phương tố cáo Lộc.
Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?