Ly kỳ chuyện dị nhân “Ông Cao Nhà Bàng” cao lớn hơn 2 mét
Thứ hai, 13/05/2013 09:59

“Ông Cao Nhà Bàng” là biệt danh mà người dân ở khu vực núi Trà Sư (Nhà Bàng, Tịnh Biên, An Giang) đặt cho ông Lê Văn Thùy, người đột nhiên có thân hình to lớn.

Vợ chồng bà Diêm bên ngôi mộ ông Cao Nhà Bàng.

Vợ chồng bà Diêm bên ngôi mộ ông Cao Nhà Bàng.

Ăn cá trê núi Trà Sư rồi đột nhiên cao lớn hơn 2 mét

Theo truyền khẩu, ông Cao Nhà Bàng, có tục danh là Lê Văn Thùy, sinh vào khoảng 1849, là con thứ 5 trong gia đình khá giả ở Trung Lương (Tiền Giang) nên thưở nhỏ có học chữ Nho. Lớn lên ông lập gia thất theo sắp đặt của song thân. Người vợ đẹp người đẹp nết đã mang lại cho ông niềm hãnh diện khi sinh liên tiếp 2 người con trai khôi ngô tuấn tú. Cuộc sống đang yên lành, bỗng đột ngột trở chiều khi  vợ, con và nhiều người thân trong gia đình cùng lúc qua đời vì dịch bệnh. Buồn, rầu... ông bỏ xứ lên miệt Thất Sơn để tầm sư học đạo. Khi đến khu vực núi Trà Sư (nay thuộc thị trấn Nhà Bàng, Tịnh Biên) thấy cảnh vật nơi đây phù hợp với mình, ông quyết định dừng chân.

Qua tâm tình, ông được ông Lê Văn Sóc, một người từng theo học chữ Nho ở xã Nhơn Hưng, (nay là khóm Hòa Thuận, Nhà Bàng) mời về nhà tá túc, tiếp đãi như bằng hữu. Bà Thị Diêm năm nay 73 tuổi, là cháu nội của ông Sóc cho biết: “Theo lời kể của cha tôi, khi mới đến, ông Thùy có tướng tá cũng bình thường như bao người dân Việt Nam. Tuy nhiên sau lần ông vãn cảnh núi Trà Sư mắc trận mưa rất lớn, sau đó ăn canh bầu nấu với con cá trê vàng do chính tay ông bắt được dưới con suối trên núi thì đột nhiên ông ngã bệnh nặng rồi cơ thể to lớn khác thường”. Theo lời bà Diêm, "do thân hình ngày một lớn nhanh nên không giường chõng nào có thể kham được thân hình quá khổ của ông nên nội bà đã thuê thợ hạ cây bình linh cổ thụ trong vườn nhà, rồi chọn lóng cây dài 2,8 mét để làm bộ ván ngựa cho ông ngủ”. Tuy nhiên sau đó, cơ thể ông lại dài và cao ra thêm, ông nội bà Diêm phải đóng thêm giường bằng tre nối vào khi đó mới đủ cho ông Thùy nằm thẳng chân. Ông Phan Ngọc Anh (79 tuổi) chồng bà Diêm xác nhận: Khi cưới vợ về đây, tôi vẫn còn thấy bộ ván ngựa khổng lồ này. Hiện vẫn còn trong nhà, nhưng do thấy quá bất tiện nên hơn chục năm trước tôi đã cưa bỏ bớt chiều dài, hiện chỉ còn 2,2 mét.

Ông Phan Ngọc Anh xác nhận việc đã cắt bỏ chiều dài của bộ ván ngựa mà ngày xưa ông nội vợ ông đã đóng riêng cho ông Cao Nhà Bàng.

Thấy câu chuyện có vẻ mang âm hưởng huyền thoại, chúng tôi liên lạc với nhiều người am hiểu văn hóa bản địa của vùng biên thùy An Giang để kiểm chứng. Đầu tiên là lão nhà văn Liêm Châu, người có nhiều công trình và kiến thức sâu rộng về vùng Thất Sơn An Giang. Qua trò chuyện, lão nhà văn xác nhận,  cách đây hơn nửa thế kỷ, trong những lần đi diền dã, tôi cũng nghe người xưa lưu truyền như vậy. Thậm chí có người còn nói rất rõ thế này: ông Thùy cao đến 2,27m, tay chân dài lêu nghêu như cành tre chìa ra thân cây.

Tương truyền, trong lần ra Châu Đốc, một đêm đang đi dạo, ông thèm hút thuốc mà quên mang theo bật lửa, mà xung quanh không có ai. Nhìn quanh một hồi, ông bèn bước đến dùng tay mở cửa chiếc đèn đường Đề mồi mà không cần nhón chân, trong khi phu công lộ phải bắc thang leo lên. Theo lão nhà văn Liêm Châu, đèn đường thời đó cao khoảng 3m, trên ngọn đốt chiếc đèn dầu được che bởi 4 tấm kiếng màu xanh-đỏ-trắng và vàng. Nhà văn Liêm Châu còn cho biết thêm: Năm 1904, ông Thùy đạt giải quán quân tại cuộc đấu xảo “Người khổng lồ” do chủ tỉnh Châu Đốc lúc bấy giờ là Doceuil tổ chức. Vì vậy sao đó người ta đặt cho ông biệt danh “Ông Cao Nhà Bàng”. Do ông thứ 5 nên để thân mật, người ta gọi tắt là: Ông Năm Cao. Thậm chí, cái tên này còn đi vào lòng người như thành ngữ nói về sự cao lớn khác thường của sự vật, hiện tượng: Cao như Ông Cao Nhà Bàng.

Theo lời bà Diêm, trước đây gia đình bà có giữ hai di ảnh của ông Năm Cao: một bức chụp lúc ông cao lớn, vạm vỡ; một chụp lúc ông bị bại liệt, thân mình gầy ốm. Tuy nhiên sau đó đã thất lạc trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Hiện chỉ còn ảnh gương mặt ông trên mộ.

Những bí mật chưa thể  giải mã

Được sự hướng dẫn tận tình của Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Tịnh Biên, chúng tôi lên đường viếng ngôi mộ ông Cao Nhà Bàng vào sáng cuối tuần đầu tháng 5. Ngôi mộ nằm giữa đồng cát đặc trưng của vùng Thất Sơn, nhưng quanh năm mát rười rượi bởi tàn lá cây thốt nốt đan kín bên trên. Dù đã qua nhiều lần tu sửa, nhưng theo lời bà Diêm, ngôi mộ vẫn giữ được sự to lớn khác thường nguyên thủy. Theo ước tính của chúng tôi, chỉ riêng ngôi mộ đã dài trên 3m. Dường như đoán được thắc mắc của chúng tôi, bà Diêm giải thích ngay: Thì phải làm dài cho đúng kích thước chiếc hòm bên dưới.

Theo bà Diêm, ông Cao mất vào khoảng năm 1925, tính đến nay đã 88 năm. Gần một thế kỷ đi qua, nhưng có lẽ do ảnh hưởng của lớp màn huyền bí nên mãi đến nay xung quanh dị nhân này vẫn còn quá nhiều điều bí ẩn. Đầu tiên là chuyện liên quan đến nguyên nhân khiến ông trở nên to lớn dị thường. Có người thì cho là do ông bị trúng trận mưa linh thiêng trong lúc vãn cảnh núi Trà Sư. Có người thì quả quyết là do ông ăn phải con cá trê linh thiêng. Theo thuyết này, khi nấu canh, con cá trê vàng do ông bắt được dưới suối núi Trà Sư, rã ra thành nước vàng lườm như nghệ… Riêng với cơ chế cơ thể cao lớn cũng có nhiều cách lý giải. Có người thì cho là sau trận bệnh nhức đầu nóng lạnh, các bộ phận trên cơ thể ông đồng loạt dài ra. Nhưng cũng có người lại cho rằng, quá trình đó diễn ra từng phần riêng lẻ. Điển hình là ông Bùi Văn Lê, (73 tuổi –Trưởng gánh của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang). “Ba tôi sinh năm 1908, sinh thời có kể về chuyện  về ông Cao Nhà Bàng thế này: Sau khi lâm trọng bệnh, mỗi khi ông thấy bộ phận nào trong cơ thể bị đau nhức, thì sau đó bộ phận đó dài ra”, ông Lê tự tin. Thậm chí sau khi ông bị đột biến về cơ thể, cũng tồn tại nhiều tin đồn trái ngược nhau. Có người thì cho biết, ông vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng có người thì lại quả quyết rằng: ông có thêm nhiều biệt tài.

Theo lão nhà văn Liêm Châu, không chỉ biết dùng cây cỏ trên núi trị bệnh cho người dân, ông Cao Nhà Bàng còn có thêm tài đoán việc kiết-hung rất đại tài nên có rất nhiều người tìm đến. “Thật khó để phân định thực-hư, nhưng có một sự thật là sau khi ông mất, mộ của ông thường xuyên nghi ngút nhang khói của những người hiếm muộn đến cầu con, những người bệnh, tai ách đến cầu tai qua nạn khỏi...”, ông Phan Ngọc Anh xác nhận.

Di ảnh ông Cao Nhà Bàng.

Riêng thông tin xung quanh cái chết của ông càng đa dạng. Có người thì cho rằng do thấy ông hay giao du với các nhà sư yêu nước nên chính quyền Pháp lo ngại ông tạo phản. Nhưng cũng có người cho rằng, do ông có tài hốt thuốc trị bệnh, sợ ông tập hợp người làm đại sự. Tuy nhiên cả hai thuyết này đều giống nhau ở chỗ xác định chính người Pháp đã tiêm thuốc làm ông bại liệt rồi chết lần, chết mòn.

Thậm chí về chuyện bài vị của ông cũng đang đòi hỏi các nhà nguyên cứu sớm làm rõ. Theo học giả Nguyễn Văn Hầu, tác giả của quyền “Nửa tháng trong vùng Thất Sơn” và lão nhà văn Liêm Châu: Hiện bài vị của ông với đạo hiệu Quản vĩnh Đạo Cao quang Như Lai đang được thờ tại Bửu Minh Đường (Ba Chúc-Tri Tôn). Đây thực chất là nơi thờ tự theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Với mong muốn góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa dị nhân với đạo Phật nội sinh này, chúng tôi lại bắt xe vào Ba Chúc. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi,  ông Bùi Văn Lê, Trưởng gánh của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tại Ba Chúc, cho biết: Theo hiểu biết của tôi, bài vị này trùng khớp với câu niệm trong “Hiếu Nghĩa kinh thượng quyện” do Đức Bổn sư Ngô Lợi (1830-1890)  viết vào khoảng năm 1878”.  Với tất cả sự thận trọng, chúng tôi tìm đến Bửu Minh Đường tọa lạc dưới chân núi Tượng, một trong 7 ngọn núi trong Thất Sơn, để “mục sở thị”. Sau một buổi tìm kiếm với sự  hướng dẫn và trợ giúp của ông Lê Văn Tiếu, đại diện Bửu Minh Đường, chúng tôi hoàn toàn không phát hiện bài vị nào có đạo hiệu như trên dưới cả hai loại chữ Hán và Việt.

Tuy nhiên trước lúc chia tay, ông Lê cũng đề xuất: Nhà báo nên công bố thông tin này để các nhà nghiên cứu tìm hiểu, cung cấp thêm tư liệu để góp phần giải mã “bí mật” này.

Điền Thanh

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Người quá khổ , Người cao hơn 2 mét , Ông Cao Nhà Bàng , An Giang , Phóng sự