Suốt mấy chục năm qua, người dân nơi đây vẫn truyền miệng câu chuyện về đôi rắn mào gà xuất hiện trong đền thiêng Long Khánh Tự dưới chân núi Tam Đảo.
Ngôi đền được di chuyển về vị trí Gò Bãi Dứa |
Đó là câu chuyện mà bấy lâu nay người dân xã Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vẫn thường đồn thổi. Để biết thực hư câu chuyện chúng tôi đã vượt quãng đường dài 100 km, tìm về xóm Dứa gặp ông Lê Văn Thử (sinh năm 1932) người đã trông coi ngôi miếu hơn 40 năm qua cho đến khi đền được di chuyển sang vị trí mới phục vụ việc xây hồ chứa nước Vai Miếu.
Rắn thần xuất hiện trong đền thiêng
Ông Thử kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đầy ly kỳ về đôi rắn mào gà xuất hiện trong miếu thiêng khi người ta làm Hồ Vai Miếu động đến miếu thiêng giữa đập hồ khiến người dân ở đây vẫn chưa hết hoang mang.
Ông Thử khẳng định chuyện đôi rắn mào xuất hiện trong đền là có thật nhưng không phải do làm hồ động đến miếu thiêng mà “rắn thần” xuất hiện. “Tôi đã trông coi ngôi đền đó từ năm 1968 đến năm nay. Năm 1997, khi có dự án làm hồ chứa nước Vai Miếu vì ngôi đền nằm chính giữa chân đập nên phải di chuyển về vị trí khác.
Trong thời gian trông coi đền đã hai lần tôi vào thắp hương và gặp đôi rắn mào ngự trên cung ở trong đền khi đó là vào tháng 2/1968. Ban đầu khi nhìn thấy hai con rắn tôi cũng rùng mình nhưng hai con rắn rất hiền lành, không dữ tợn khi có người xuất hiện, sau khi thắp hương làm lễ xong thì đôi rắn đó biến mất".
Như ông Thử phán đoán thì việc rắn xuất hiện như thế là rất linh thiêng, còn việc sau khi thắp hương có thể đôi rắn bò đi qua các lỗ cửa sổ hay như thế nào thì thực tình ông cũng không thể hiểu được.
Nhâm nhi chén trà nóng Ông Thử kể tiếp câu chuyện: “Đôi rắn mào đó đều có thân màu trắng, đầu rắn to như cái tô to đựng canh, trên đầu rắn có mào đỏ như mào của những chú gà trống, thân rắn dài hơn cái đòn gánh mà thanh niên lực lưỡng dùng để gánh lúa. Đặc biệt khi ngự trên cung trong đền, hai con rắn chúc đầu vào nhau ở ngay chính giữa cung điện.
Năm 1998, để phục vụ việc xây dựng hồ chứa nước Vai Miếu, dòng họ Nguyễn nhà tôi đã làm lễ di chuyển đền về vị trí Gò Bãi Dứa. Tại vị trí mới, chúng tôi đã xây dựng đền theo đúng như hiện trạng ban đầu, chỉ còn lại chiếc bát hương từ thế kỉ XVII. Khi xây mới chúng tôi cũng cho làm một đôi rắn bằng vải tượng trưng cho đôi rắn đã hai lần ngự trên cung để thờ. Tiếc rằng những giá trị cổ kính của ngôi đền cổ thì không còn nữa".
Đã hơn 40 năm qua, ông Thử vẫn trông nom ngôi đền Long Khánh Tự
Truyền thuyết ly kỳ về ngôi đền
Để biết rõ hơn về những câu chuyện liên quan đến đền Long Khánh Tự, PV đã tìm gặp ông Lê Lâm Thao một người được mệnh danh là pho sử của làng.
Ông Thao kể cho chúng tôi nghe những truyền thuyết ly kỳ của xóm Chuối: “Trước cửa hang Gành Đá Sập nước xanh ngắt một màu trông như ngọc, nước chảy lững lờ xuyên qua một ngọn núi thuộc dãy núi Tam Đảo, chỉ cần cầm quả bưởi thả ở cửa hang trong chớp mắt là mất hút theo dòng nước. Sau đó khoảng vài giờ người ta lại thấy quả bưởi đó xuất hiện ở Nấm nước thuộc địa phận xóm Chuối”, ông Thao nhớ lại.
“Không biết cái tên Gành Đá Sập có từ bao giờ nhưng từ khi tôi lớn lên thì đã nghe các cụ kể lại truyền thuyết đầy ly kỳ. Ngày xưa, người dân nơi đây vẫn con nghèo lắm, có khi đến tết mà nhiều gia đình muốn luộc bánh nhưng không có nồi. Tương truyền, người dân thường đến của hang Gành Đá Sập nhắm mắt lại đọc một câu thần chú, đọc xong câu thần chú mở mắt ra thì thấy một chiếc nồi đồng từ hang đá trôi ra, người dân mượn nồi về luộc bánh xong lại mang đến cửa hang để trả”.
Một lần có người dân nơi đây không có nồi để luộc bánh có đến cửa hang Gành Đá Sập đọc câu thần chú để mượn nồi về dùng nhưng sau đó tham lam lại không mang nồi trả lại. Trời đất nổi giận rồi cho một hòn đá to phía trên hang sập xuống kín miệng hang, từ đó người dân nơi đây không có ai mượn được nồi từ hang Gành Đá Sập.
Nhưng người dân lại luôn thấy có một đôi rắn quấn quýt như vợ chồng thường xuyên xuất hiện từ trong hang bơi ra tắm phía vực bên ngoài, một lát lại bơi vào trong hang. Khi chưa làm hồ thì đây là nơi ở của đôi rắn mào".
Đền Long Khánh Tự có từ TK XVII, đền do bao đời dòng họ Nguyễn trông coi, quản lý, cửa đền nhìn thẳng ra hang Gành Đá Sập. Ngôi đền chỉ thực sự linh thiêng và được người dân nơi đây tu bổ từ khi gắn liền với một truyền thuyết về việc cầu mưa của bà con nơi đây.
Mấy chục năm về trước vùng đất nơi đây vẫn còn hoang sơ, người dân nơi đây vẫn làm nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc mưa gió tự nhiên. Có những năm hạn hán kéo dài, trời không có mưa, lúa ngoài đồng héo khô chỉ cần một que diêm cũng có thể đốt cháy cả cánh đồng mà cò bay sải cánh không hết.
Người dân nơi đây cùng kéo nhau vào trong đầu nguồn, nơi con suối bắt nguồn chảy ra từ dãy núi Tam Đảo. Cả dân làng cùng té nước, tạo mưa giả sau đó vào ngôi đền nhỏ gần đó thắp hương cầu khấn. Ngay buổi chiều người dân cầu khấn thì đêm hôm đó trời nổi gió và mưa to kéo đến giúp bà con nơi đây tránh được một mùa hạn hán.
Kể từ đó, người dân thường xuyên mang lễ vật đến đền Long Khánh Tự thắp hương. Sau này đền được mọi người tu sửa khang trang, cứ khi nào gặp hán hán người dân cả vùng lại kéo nhau vào nơi đây té nước cầu mưa.
Còn nữa...
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?