Hơn 10 con người, cả nam lẫn nữ ngủ, nghỉ chung chạ trong một căn phòng chưa tới 4 m2, phải làm quần quật 16 tiếng đồng hồ còn bị cầm tù tại xứ lạ quê người.
Ông Nguyễn Văn Chanh hiện tại không biết làm gì ra tiền để trả nợ cho hai đứa con. |
Tưởng đổi đời ai dè thành con nợ
Nghe tin 6 lao động vừa được Tòa án Liên ban Nga trục xuất trở về Bạc Liêu, chúng tôi lên đường tìm. Đến chợ Hộ Phòng, huyện Giá Rai, không mấy khó khăn, chúng tôi được cánh "đò bao" đon đả “Đến nhà ông Ba Chanh hả. Phải ông có con trai và con dâu vừa ở Nga về không. Hổm rày cũng có nhiều người đến rồi đó”.
Căn nhà của ông Ba Chanh mặt chính quay xuống bờ sông Hộ Phòng – Gành Hào đóng cửa im ỉm. Tôi vẫn quyết định lên bờ, đi vòng ra nhà sau. Khi biết tôi là nhà báo, bà vợ bảo chồng vào buồng nói nhỏ gì đó. Quay ra, ông Ba Chanh thận trọng: “Xin lỗi chú, chú nói nhà báo mà có gì chứng minh không”. Sau khi xem đầy đủ giấy tờ của tôi một cách thận trọng, ông quay sang tôi thanh minh: “Chú thông cảm vì vợ chồng, con cái tui quá tin người, đã bị lừa nên bây giờ thấy ai lạ đâm ra sợ”.
Nhà của ông Nguyễn Ngọc Ẩn, nơi tổ chức người đi lao động trái phép, theo người dân ông Ẩn vẫn thường xuyên về nhà
Nhà sát vách với ông Nguyễn Ngọc Ẩn, nên khi ông Ẩn qua nhà gọi con trai là Nguyễn Văn Thuận và con dâu là Đoàn Thị Xuân đi xuất khẩu lao động ở Nga, ông Ba Chanh lúc đầu cũng chưa tin lắm. Thấy người ta ùn ùn kéo đến nhà ông Ẩn để học may chuẩn bị đi xuất khẩu lao động thì ông dần dần tin tưởng. “Bởi vì tin người, tin hàng xóm lại nghe nói đi Nga làm việc mỗi tháng đến 1.800 USD nên tui mới ở nhà giữ cháu nội cho hai vợ chồng nó đi”. Ông Ba Chanh phải vai mượn khắp nơi mới đủ 40 triệu đồng nộp cho ông Ẩn làm thủ tục.
Ngày 25/9/2012 vợ chồng anh Thuận, chị Xuân rời quê sang Nga làm việc. Những tưởng con mình có việc làm, có tiền gửi về quê nhà, nhưng nào dè vào đêm 31/11/2012 ông Ba Chanh tá hỏa khi nghe tin con mình bị cảnh sát Nga bắt giam về tội lao động bất hợp pháp. Một người lạ gọi về nói, muốn con về nước an toàn phải chuyển ngay 40 triệu/người vào tài khoản. Ông Chanh lính quýnh chạy sang nhà ông Ẩn để hỏi thăm thì được biết ông Ẩn không có ở nhà. Hỏi thăm gia đình có con đi cùng thì mới tá hỏa là cả mấy đứa bạn đi chung đều bị cảnh sát Nga bắt giữ.
Ông Lương Văn Tập, ấp Cây Dương, xã Long Điền, huyện Đông Hải, Bạc Liêu có 7 người con nhưng chưa đến 1 ha đất nuôi tôm. Mấy năm nay nuôi tôm thất bại nên bấm bụng cho đứa con gái 23 tuổi Lương Thị Thương đi xuất khẩu lao động. Khi nghe con gái của mình bị bắt tại Nga, người ta đòi 40 triệu đồng mới chuộc nó về được, ông Lập như người mất hồn. “Nào giờ nó chưa từng đi xa gia đình. Vì nhà nghèo nên mới cho con đi xuất khẩu lao động, ai ngờ lại bị bắt”.
Kinh hoàng những ngày lao động chui, bị cầm tù
Suy tính mãi không ra phương cách gì để giải quyết, ông Chanh chủ động liên hệ với các gia đình nạn nhân, gạt qua mặc cảm họ đến cơ quan công an tỉnh Bạc Liêu kể rõ sự việc và nhờ giúp đỡ. Từ thông tin của Công an tỉnh Bạc Liêu, với sự can thiệp của đạo xứ quán Việt Nam tại Liên ban Nga, những lao động chui này được toàn án tuyên trục xuất khỏi Nga và đưa về Việt Nam an toàn.
Vẻ thất thần vẫn còn hằn trên khuôn mặt chị Đoàn Thị Xuân.
Về đến quê nhà, nhưng mấy ngày nay anh Thuận và chị Xuân, vẫn chưa hết hoàn hồn, không ngờ cuộc đời mình trải qua nhiều sóng gió như vậy. Anh Thuận kể lại sự tình trong sự ấm ức xen lẫn tủi nhục: “Đầu tiên ông Ẩn đưa chúng tôi lên xe ra Hà Nội. Từ sân bay Nội Bài, chúng tôi bay thẳng sang Nga. Tại sân bay Nga một người Việt Nam tên Quang đón chúng tôi về nhà cách sân bay khá xa. Đến nhà ông Quang, chúng tôi gồm hơn 10 người được nhốt trong một phòng rộng hơn 4 m2 gồm cả nam lẫn nữ đều sinh hoạt chung với nhau. Ngày thứ hai, ông Quang thông báo với chúng tôi là chính ông mua chúng tôi về đây với giá từ 1.700 USD đến 2.100USD nên chúng tôi phải làm việc tại nhà ông, chừng nào trả hết nợ thì mới được đi làm như người khác. Đến đây chúng tôi biết mình bị ông Ẩn lừa, nhưng tại xứ lạ quê người, lại bị giữ hết giấy tời và không biết tiếng nước ngoài nên muốn trốn về nước cũng không được”.
Anh Đỗ Văn Bước, bức xúc kể chuyện lao động tại Nga
Anh Đỗ Văn Bước, ngụ xã Tân Phong, huyện Giá Rai, Bạc Liêu nói trong sự tức tưởi: “Theo lời ôngNguyễn Ngọc Ẩn, chúng tôi sang Nga làm may trong xí nghiệp, tất cả bằng máy hết, nên không cần học gì. Khi sang nhà ông Quang ông ấy bắt làm toàn bộ, từ chuyện xỏ kim, đơm nút đến ủi đồ. Tui nào giờ có biết may vá gì đâu nhưng buộc phải làm, nếu không sẽ không đủ tiền trả tiền cơm. Làm việc như con trâu, con bò, ngủ thì sắp lớp như cá mòi trong chảo”.
Những tưởng cuộc đời mình sẽ bị chôn vùi trên đất nước Nga, nhưng vào ngày 29.11.2012 trong lúc mọi người đang ngủ thì cảnh sát Nga ập vào bắt hết mọi người đi. Tất cả hoang mang cực độ!. Cảnh sát cho biết họ làm việc bất hợp pháp và thị thực của họ là thị thực du lịch, có thời hạn chỉ 3 tháng, họ không có giấy phép lao động…nên tạm thời bị giam tại Nga chờ xử lý.
Anh Thuận kể : “Ở tù được gần 1 tháng họ mới cho ra ngoài lao động. Trời lạnh đến âm 20 độ C nhưng họ lùa chúng tôi ra ngoài đường xúc tuyết. Đi làm mới có thức ăn, đồ uống và vệ sinh được. Nào giờ chưa từng chịu lạnh đến vậy, nên tất cả chúng tôi ai cũng bị cảm hết. Dù bị bệnh nhưng vẫn muốn đi lao động, bởi như vậy còn sướng hơn bị giam trong tù”.
Giấy tờ bị phạt, bị trục xuất của những lao động chui
Ở tù gần 3 tháng, họ được đưa đến toàn án để giải quyết. Tại đây 6 lao động “chui” vui mừng khi tòa tuyên trục xuất toàn bộ 6 lao động Việt Nam về nước.
Làm “cái bang” để có tiền về nhà
Do bị trục xuất khỏi Liên bang Nga nên các lao động đều không có tiền. Dù được Chính phủ Nga hỗ trợ tiền vé máy bay về Việt Nam, nhưng khi bước chân xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội), tất cả 6 lao động đều không có một đồng xu dính túi, ngoại trừ 5 USD mà các anh được 1 nhà hảo tâm trên máy bay thương cảm đã tặng.
Tuy nhiên, điều họ lo sợ nhất là sẽ bị bắt lại tiếp tục đưa sang Nga lao động chui nữa. “Ở bên Nga ông Quang dọa chúng tôi ông đã bỏ tiền ra mua chúng tôi nên đừng hòng trốn chạy. Nếu bắt được sẽ bán cho người khác. Ông còn dọa rằng, người của ông ta có mặt khắp nơi. Chính vì vậy chúng tôi bước xuống sân bay rồi mà vẫn lo sợ vô cùng. Không may bị bắt lại thì cuộc đời không biết trôi về đâu”, anh Thuận rướm nước mắt kể. Để đảm bảo an toàn, cả nhóm 6 người quyết định không rời nhau nửa bước. Theo đề xuất của anh Đỗ Văn Bước, cả nhóm tìm đến một khách sạn trước đây đã ở để chuẩn bị bay sang Nga năn nỉ người ta cho ở và gọi điện thoại về nhà gửi tiền ra. Cũng may là chủ khách sạn sẵn lòng giúp người hoạn nạn. Khi có tiền từ quê chuyển ra, anh em bàn nhau không đi máy bay về vì sợ gặp người nhà của ông Quang tại sân bay nên nửa đêm lén ra bến xe bắt xe đò tuyến Bắc Nam về quê.
Địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản của ngừoi đề nghị bà Hạnh giao 40 triệu đồng để chuộc Hải về
Thấy 6 lao động bị ông Ẩn lừa xuất khẩu sang Nga đã trở về mà lòng dạ bà Sơn Thị Hạnh đau như cắt. Bà là mẹ của Ngô Minh Hải, người cùng bị bắt với nhóm 6 người.Theo những người đã trở về, Ngô Minh Hải khi bị bắt mới 16 tuổi, chưa đủ tuổi lao động và tuổi…đi tù nên cảnh sát giao lại cho một trại mồ côi. Ông Quang đã lần ra được địa chỉ này nên bắt Hải về tiếp tục lao động cho ông ấy. Khi biết các nạn nhân đã về nhà, ông Quang kêu bà Hạnh muốn Hải về phải giao đủ 40 triệu đồng. Bà Hạnh sụt sùi: “Tôi không đất sản xuất, lại mang nợ vì đóng tiền cho thằng Hải đi xuất khẩu lao động, nay làm sao mà có được 40 triệu đồng. Bây giờ ai cũng biết là chúng tôi bị lừa nên chẳng ai cho tôi mượn tiền nữa".
Sau khi đã “hoàn hồn”, ngày 27/2 các nạn nhân đồng loạt làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của ông Nguyễn Ngọc Ẩn. Theo họ, ông Ẩn lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tổ chức đưa người đi nước ngoài trái pháp luật. Theo ông Đỗ Văn Đạt, anh ruột của Đỗ Văn Bước chính ông Ẩn là người đến nhà dụ dỗ em trai ông đi lao động tại Nga với mức phí 30 triệu đồng, nhưng thực chất là bán cho một người tên Quang ở Nga. Anh Đỗ Văn Bước, trình bày: “Ông Ẩn phải trả lại số tiền mà tôi đã đưa cho ông ấy đồng thời phải bồi thường cho tôi. Tôi chưa có vợ con, ở nhà rất bình an, sang Nga phải đi tù. Muốn lấy vợ cũng không được vì ai dám gả con gái cho một thằng đã từng đi tù” – Anh Bước bức xúc. Bà Sơn Thị Hạnh cũng đã làm đơn gửi Công an tỉnh Bạc Liêu và các cấp chính quyền nhờ can thiệp để sớm giải cứu cho con mình về nước.
Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài
- 7 ngày nữa nếu muốn xuất nhập cảnh, công dân bắt buộc phải thực hiện quy định mới này
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/7/2025, đối tượng nào được hưởng lợi khi trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần mức cũ
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành