Liên tục phát hiện nhiều xác chết trôi trên dòng kênh “nuốt người”
Thứ ba, 30/07/2013 15:48

Kênh Tàu Hủ nằm vắt ngang giữa TP. HCM và trải dài qua 8 quận huyện, dòng kênh này được mệnh danh là “kênh nuốt người” bởi đã có rất nhiều người chết đuối.

Trong tháng 7 đã ít nhất 4 lần người dân phát hiện thấy xác chết nổi trên kênh (Ảnh minh họa)

Trong tháng 7 đã ít nhất 4 lần người dân phát hiện thấy xác chết nổi trên kênh (Ảnh minh họa)

Nhắc đến dòng kênh này người dân xung quanh đều nghĩ ngay đến liên tiếp những vụ chết đuối, điều này khiến họ luôn bị ám ảnh bởi những cái chết trôi nổi trên kênh.

Và điều đặc biệt theo như lời người dân nơi đây thì người chết tập chung chủ yếu ở các quận 1, 5, 8 nó như có một lời nguyền khủng khiếp ẩn chứa trong lòng kênh từ xa xưa đến nay chưa có khoa học nào lý giải được.

Chiều ngày 29/7, nhiều người dân tá hỏa khi phát hiện thấy xác một người đàn ông trôi nổi trên kênh ở quận 8 thuộc khu vực cầu số 1, đường Bến Bình Đông, phường 13, quận 8, TP.HCM.

Đưa thi thể nạn nhân lên bờ

Xác chết người đàn ông đang trong giai đoạn phân hủy nặng khiến cho công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Theo điều tra ban đầu, người đàn ông tên Trịnh Dương Cường (59 tuổi, ngụ phường 7, quận 5). Khi phát hiện thấy thi thể, ông mặc trên người áo thun, quần đùi. Đến 15h cùng ngày, thi thể ông Cường đã được người thân tới đưa về nhà để mai táng. Hiện nguyên nhân dẫn tới cái chết của ông Cường vẫn đang được lực lượng chức năng điều tra làm rõ.

Và từ đầu năm đến nay, riêng đoạn kênh Tàu Hủ, đoạn ngay giao lộ Võ Văn Kiệt – Hải Thượng Lãn Ông thuộc phường 10, quận 5, TP.HCM đã phát hiện 9 xác chết khiến người dân vô cùng hoang mang.

Mới đây, ngày 17/7, những người câu cá phát hiện một thi thể trôi trên kênh Tàu Hủ, đoạn ngay giao lộ Võ Văn Kiệt – Hải Thượng Lãn Ông thuộc phường 10, quận 5 – TPHCM nên vội báo cho chính quyền địa phương. Nhanh chóng lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để xác định danh tính nạn nhân. Theo đó, nạn nhân là một người phụ nữ tầm 50 tuổi, mặc trên người bộ quần áo bà ba màu hồng. Sau đó thi thể nạn nhân được Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị đưa về nhà xác Bệnh viện An Bình để khám nghiệm tử thi tìm nguyên nhân cái chết.

Một thi thể trôi trên kênh Tàu Hủ, đoạn ngay giao lộ Võ Văn Kiệt – Hải Thượng Lãn Ông

Đa phần người dân bị trượt chân xuống dòng kênh và tử vong do bị ngạt nước. Giống như trường hợp của cháu Trịnh Gia An (17 tuổi, ngụ phường 1, quận 5 - TPHCM) bị trượt chân xuống kênh Tàu Hủ (đoạn qua cầu Chữ Y, quận 5) khi cùng nhóm bạn ra kênh Tàu Hủ hóng gió và bị trượt xuống kênh chết đuối. Mặc dù An đã được các bạn bơi ra cứu nhưng vẫn không được.

Đến 15h30 lực lượng chức năng mới đưa được thi thể của An lên bờ. Được biết An là đứa trẻ có hoàn cảnh đáng thương, từ nhỏ đã mất mẹ và sống với bố cùng em gái trong một ngôi nhà tồi tàn. Khi ra nhận thi thể con, bố An đã liên tục đòi nhảy xuống kênh tự tử nhưng được người dân ngăn lại.

Dòng kênh này vốn ‘nức tiếng’ ‘nuốt người’ chắc chắn vì lẽ đó nên nhiều người dân sợ hãi, thậm chí nhiều cái chết được báo trước và họ chỉ biết đứng nhìn. Như trường hợp ngày 1/7/2012 tại giao lộ Bình Đông - Trần Nguyên Hãn (P13Q8), một nam thanh niên bị hai người rượt đuổi đã té xuống kênh Tàu Hủ chết đuối. Khi vụ việc xảy ra, có rất nhiều người chứng kiến nhưng không ai nhảy xuống cứu nạn nhân.

Thi thể người đàn ông xấu số được đưa lên bờ

Mãi nửa tiếng sau lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường mới tiến hành trục vớt thi thể nạn nhân, tuy nhiên phải đến 13h chiều xác nạn nhân mới được tìm thấy cách địa điểm bị nạn không xa.

Nạn nhân khoảng 30 tuổi, mặc quần soọc, áo dài tay màu đen. Khám xét trên người nạn nhân không có giấy tờ tùy thân nên chưa xác định được danh tính. Đây là vụ chết đuối thứ ba liên tiếp xảy ra trong vòng một tháng qua trên kênh Tàu Hủ.

Như vậy trong vòng một tháng (7/2013) đã có ít nhất 4 xác chết được phát hiện trên kênh Tàu Hủ, điều này khiến cho người dân sống quanh khu vực dòng kênh vô cùng hoang mang.

"Tiểu sử" Kênh Tàu Hủ

Kênh Tàu Hủ nguyên trước là một con rạch nhỏ bị cạn, hẹp lại nên vào năm 1819 vua Gia Long hạ lệnh cho Phó tổng trấn Gia Định Huỳnh Công Lý chỉ huy đào vét thành kênh và đặt tên là An Thông Hà cũng gọi là Kinh Mới và vì chảy ngang Chợ Lớn nên còn gọi là rạch Chợ Lớn.

Trong Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (năm 1885) , Trương Vĩnh Ký viết: “Hai bên bờ rạch Chợ Lớn là hai dãy nhà phố lớn bằng gạch gọi là Tàu Khậu để cho người Hoa từ Trung Quốc hằng năm đi ghe biển tới thuê. Họ đem hàng hóa chứa trong các phố đó, hoặc để bán sỉ hoặc để bán lẻ khi lưu trú tại Sài Gòn”. Theo Huỳnh Tịnh Của thì Tàu Khậu là giọng người Triều Châu phát âm từ Thổ Khố, tức là khu nhà lớn bằng gạch để chứa hàng hóa, sau đọc trại ra thành Tàu Hủ.

Nhiều tài liệu cho rằng kênh Tàu Hủ được nạo vét thêm hai lần vào các năm 1887 và 1895, rồi sau đó được làm rộng thêm lần thứ ba vào năm 1922. Trên bờ kênh, phía đông nam là thôn Bình Đông, phía tây bắc là thôn Bình Tây, năm 1820 (thời vua Minh Mạng) cả hai thôn thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Từ tên thôn, Bình Đông thành tên bến ở bờ đông kinh Tàu Hủ, chính thức là từ năm 1955 cho đến nay. (Trích Saigon -Cholon xưa và nay)

 

Thùy Lâm (TH)

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Kênh nuốt người , Xác chết , Chết đuối , Chết nổi trên kênh , Chết trôi , Kênh , Tàu Hủ