Lật tẩy những “chiêu trò" của các nhà báo "dỏm"
Thứ ba, 16/04/2013 14:08

Tình trạng giả danh nhà báo đang xuất hiện ở nhiều nơi với mục đích trục lợi bất chính. Làm thế nào để nhận biết được những kẻ giả danh này?

Một nhà báo “rởm” sử dụng cacvisit sai lỗi chính tả vừa bị phát hiện tại Thanh Hóa.

Một nhà báo “rởm” sử dụng cacvisit sai lỗi chính tả vừa bị phát hiện tại Thanh Hóa.

“Thủ đoạn” của các “nhà báo rởm”

CATP HCM đã bắt khẩn cấp Đặng Ngọc Hưng, 27 tuổi, trú tại quận 3, TP HCM để điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản. Từ đầu tháng 12/2012, Hưng tiếp cận với đại diện của một vũ trường tại quận 1, TP HCM và xưng là PV của báo Pháp luật Việt Nam. Hưng cho biết đang viết bài điều tra về hàng loạt sai phạm trong hoạt động của vũ trường và sắp được đăng. Hưng còn đe dọa: Khi loạt bài này xuất bản sẽ ảnh hưởng đến uy tín cũng như tài chính của vũ trường và yêu cầu phải “biết điều” để được “yên thân”. Trưa 6/12/2012, khi Hưng nhận 20 triệu đồng từ người đại diện của vũ trường tại một quán cà phê trên đường Lê Thánh Tôn, thuộc phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM thì bị cảnh sát bắt quả tang. Qua điều tra cho thấy, thời điểm phạm tội, Hưng không phải là PV của một cơ quan báo chí nào.

Ngày 12/3/2013, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46)- CA tỉnh Bình Phước cũng đã bắt giữ Mai Xuân Bình, SN 1979, quê tỉnh Lâm Đồng, tạm trú tại khu phố Phú Lộc, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước để điều tra về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Theo diễn biến vụ việc, Bình từng giới thiệu là PV công tác tại báo Thanh niên. Bình có nhận lời giúp bà Hà Thị H, trú tại phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước viết bài đăng trên báo Thanh niên với mức chi phí 20 triệu đồng. Ngày 7/3, bà H đưa Bình 2 triệu đồng, ngày 8/3, bà H đưa tiếp 3 triệu đồng. Đến ngày 11/3, bà H phải đưa thêm 18 triệu đồng nữa theo yêu cầu của Bình. Đến ngày 12/3, mặc dù không thấy bài báo đăng, nhưng Bình tiếp tục vòi tiền và có hành vi đe dọa bà H. Các trinh sát PC46 CA tỉnh Bình Phước đã bắt quả tang khi Bình nhận tiền của bà H ngay tại phòng trọ của Bình.

Qua kiểm tra ĐTDĐ và khám phòng trọ nơi Bình thuê, Cơ quan CSĐT phát hiện nhiều thông tin liên quan đến vụ tống tiền này. Tài liệu điều tra cho thấy, Mai Xuân Bình không phải là PV của báo Thanh niên.

Một số thông tin để phát hiện nhà báo “rởm”

Theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 Luật Báo chí, nhà báo phải là người có đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và nghiệp vụ báo chí do Nhà nước quy định… Nhà báo có quyền và nghĩa vụ thông tin trung thực, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Không ai được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để làm việc vi phạm pháp luật.

Để xác định được nhà báo thật hay “nhà báo rởm”, trước hết, các cá nhân là những người trực tiếp hoặc đại diện cơ quan, đơn vị được nhà báo đến làm việc phải nắm được thủ tục cần và đủ của nhà báo khi tác nghiệp. Theo Điều 14 của Luật Báo chí, nhà báo được cấp Thẻ nhà báo, nên khi PV đi tác nghiệp cần có Thẻ nhà báo để chứng minh mình là nhà báo đang tác nghiệp đúng pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 07/2007/TT-BVHTT, người được xét cấp Thẻ nhà báo phải bảo đảm các điều kiện: Tốt nghiệp ĐH; trường hợp là người dân tộc thiểu số đang công tác tại cơ quan báo chí miền núi hoặc chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc thiểu số phải có bằng tốt nghiệp PTTH trở lên; Có thời gian công tác liên tục theo chế độ biên chế hoặc hợp đồng dài hạn tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ ba (3) năm trở lên, tính đến thời điểm xét cấp thẻ.

Như vậy, có những PV đang công tác tại một cơ quan báo chí nhưng chưa được cấp Thẻ nhà báo. Trong trường hợp này, cơ quan báo chí có PV chưa được cấp Thẻ nhà báo sẽ cấp giấy giới thiệu (GGT), có ghi số chứng minh nhân dân của PV để PV đó tác nghiệp. Căn cứ vào đó, cá nhân là người được PV đến phỏng vấn trực tiếp, hoặc là người đại diện cơ quan, đơn vị được PV đến phỏng vấn cần yêu cầu PV xuất trình Thẻ nhà báo hoặc GGT của cơ quan báo chí còn thời hạn sử dụng kèm theo chứng minh nhân dân. Để tránh trường hợp “mượn” GGT hoặc làm giả GGT của cơ quan báo chí, người được phỏng vấn có thể yêu cầu PV chưa được cấp Thẻ nhà báo xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh đóng dấu giáp lai do cơ quan Nhà nước cấp kèm theo GGT. Nếu PV không đảm bảo đủ các điều kiện về thủ tục, người được phỏng vấn có thể liên hệ với cơ quan báo chí cấp GGT cho PV đó để xác minh. Nếu không xác minh được, hoặc trong trường hợp nghi vấn, người được phỏng vấn có thể từ chối cung cấp thông tin, hoặc kịp thời trình báo CQCA nơi gần nhất.

Trước tiên, bạn đọc cần phải xác định, nhà báo đích thực bao giờ cũng phải làm việc với cái Tâm và cái Tầm của người làm báo. Không ít đối tượng có thể làm giả giấy tờ của cơ quan báo chí, nên người được phỏng vấn cũng có thể phân biệt được “nhà báo rởm” qua cách tác nghiệp của họ. Thường thì “nhà báo rởm” chỉ “thích” xuất hiện và “tác nghiệp” tại những cơ quan, đơn vị hay cá nhân đang mắc phải những sai phạm. Lý do hết sức đơn giản là khi gặp những đơn vị này, “nhà báo rởm” mới dễ dọa dẫm để tống tiền.

Là một nhà báo đích thực, khi tác nghiệp rất coi trọng việc khai thác thông tin. Sau khi trao đổi thông tin với đối tượng được phỏng vấn, PV sẽ sàng lọc thông tin để báo cáo Ban biên tập và viết bài. Còn những “nhà báo rởm” thường có các biểu hiện không chú trọng việc khai thác thông tin mà chỉ nêu ra thông tin liên quan đến tiêu cực để uy hiếp người được phỏng vấn. Sau đó, gạ gẫm đối tượng được phỏng vấn chi tiền bồi dưỡng, thậm chí là dọa dẫm viết bài phản ánh gây bất lợi.

Thời gian qua còn xuất hiện tình trạng “nhà báo rởm” tống tiền từ xa. Đó là những trường hợp nắm bắt được vấn đề tiêu cực của một cơ quan hay người có chức, có quyền, sau đó sử dụng các cuộc điện thoại đến để đe dọa rồi yêu cầu chi tiền. Vụ đối tượng Nguyễn Văn Minh gọi điện đe dọa và tống tiền một cán bộ Hải quan cảng Cát Lái, TP HCM hồi tháng 11/2009, hay 4 đối tượng quay clip rồi tống tiền Tổ CSGT tại TP Huế hồi tháng 4/2010… là những ví dụ điển hình.

Trong trường hợp này, mọi người cần phải hiểu rằng, là một PV đích thực, khi nhận được thông tin bạn đọc phản ánh thì phải đến cơ quan bị phản ánh hoặc cá nhân bị phản ánh để xác minh thông tin, chứ không thể “tác nghiệp” từ xa như thế. Trong trường hợp khác, người bị phản ánh có thể liên hệ đến tại cơ quan báo chí để làm việc, chứ không nên “nhẹ dạ, cả tin” để trở thành những nạn nhân của kẻ tống tiền “từ xa”.

Mỗi cơ quan báo chí đều có bộ phận khai thác quảng cáo, thông thường là phòng Quảng cáo. Trong những trường hợp các tổ chức, cá nhân được PV đến liên hệ để hợp tác với cơ quan báo chí, theo quy định thì việc hợp tác về kinh tế của bất cứ cá nhân hay tổ chức với cơ quan báo chí đều được thể hiện bằng văn bản. Đó là những Hợp đồng quảng cáo hoặc Hợp đồng tuyên truyền. Trong quá trình được mời và đồng ý hợp tác với cơ quan báo chí, nếu phát hiện thấy PV có dấu hiệu vụ lợi cá nhân như yêu cầu nộp tiền mặt nhưng không có hóa đơn hay ký Hợp đồng bằng văn bản cụ thể, bên cạnh đó nêu những lý do: Làm quà riêng biếu sếp; lấy kinh phí đi lại…, các cá nhân, tổ chức cần kịp thời báo về tòa soạn có GGT cấp cho PV đó, hoặc trình báo CQCA nơi gần nhất để làm rõ đối tượng có dấu hiệu là “nhà báo rởm” này.

Một trong những nguyên nhân để các “nhà báo rởm” hoành hành cũng có lỗi ở một vài cơ quan báo chí. Đó là, công tác kiểm tra, kiểm soát lực lượng CTV còn bị xem nhẹ. Một số cơ quan báo chí cấp GGT cho CTV mà không có biện pháp kiểm soát. Bởi vậy, để siết chặt hơn công tác quản lý đối với đội ngũ CTV, PV thử việc, các cơ quan báo chí cần in sẵn số điện thoại cố định của cơ quan trên giấy giới thiệu. Số điện thoại này được đăng trên trang web của cơ quan báo chí và đăng ký với tổng đài để tiện cho việc kiểm tra xác minh. Qua đó, các cá nhân, tổ chức có thể kịp thời xác minh được độ “thật giả” của nhà báo. Đồng thời, đối với những PV hoặc CTV lợi dụng danh nghĩa của cơ quan báo chí để nhũng nhiễu, dọa nạt, tống tiền… thì cơ quan quản lý có thể kịp thời phát hiện và xử lý.

Pháp luật Xã hội

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Giả nhà báo , Nhà báo , Vòi tiền , Chiếm đoạt tài sản , Đe dọa