TP. HCM vừa duyệt chi hàng chục tỷ đồng để lắp đặt dải phân cách trên nhiều tuyến đường. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, từ khi lắp đặt dải phân cách lại gây ùn tắc.
|
Còn nhiều bất cập
Ghi nhận của chúng tôi vào chiều 18/4, tại đại lộ Võ Văn Kiệt (khu vực quận 1 và 5), hướng chạy về hầm Thủ Thiêm, dù không phải giờ cao điểm với lượng xe máy ít nhưng khi lưu thông trên phần đường dành riêng, các phương tiện 2 bánh này vẫn phải chen nhau đi, thậm chí một số người điều khiển do vội quá nên đôi khi xảy ra tình trạng va quệt.
Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Thành phố, trên tuyến đường Võ Văn Kiệt, Sở đã nâng cao biển báo và lắp thêm 3 cọc tiêu đầu mỗi dải phân cách, do đó, phần đường dành cho xe máy bị chia làm 2 phần bởi dải phân cách cũ nên mỗi phần đường xe máy chỉ có bề rộng quá hẹp khoảng từ 1,5-3m.
Dãy phân cách được lắp dài cả vài trăm mét, ngay cả những đoạn đường giao nhau nên người tham gia giao thông không còn cách nào khác đi người chiều cho tiện. Ảnh chụp trước Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè (đường XVNT, quận Bình Thạnh).
Trong khi đó, trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (XVNT), quận Bình Thạnh, đơn vị thi công đã cho kẻ thêm các vạch sơn mới cho người đi bộ sang đường, nhưng các vạch sơn cũ vẫn chưa được xóa đi, khiến người tham gia giao thông không phân biệt được cụ thể từng phần đường. Thậm chí nhiều người đi bộ vẫn leo dải phân cách để sang đường, làm cho tình hình giao thông rất lộn xộn, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Điều đáng nói, đoạn từ đường Nguyễn Cửu Vân ra đến ngã tư Hàng Xanh (trên đường XVNT), chỉ trong vòng khoảng 30 phút, chúng tôi đếm được gần 50 trường hợp vô tư đi xe ngược chiều (hướng về cầu Thị Nghè vào trung tâm TP), gồm cả xe máy, xe đạp, thậm chí cả xe 3 gác.
Chị Võ Thị Kim Dung, chủ cửa hàng bán quần áo ngay mặt đường XVNT, thẳng thắn nói, việc lắp dãy phân cách tuy đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông nhưng do một số đoạn lắp chưa hợp lý, đặc biệt tại các điểm giao nhau nên nhiều người vẫn tự ý băng qua rào chắn ngang đường thay vì phải đi vòng, mất thời gian.
Ngay cả xe đạp cũng đi trái luật
Ngoài ra, theo anh Thành, bảo vệ cho một ngân hàng trên đại lộ Võ Văn Kiệt, chia sẻ: Từ khi lắp dãy phân cách, nhìn chung phần đường dành cho xe ô tô là ổn, nhưng đường dành cho xe 2 bánh quá chật chội, trong khi các vạch sơn kẻ phân làn chưa rõ ràng, khiến cho nhiều người lưu thông còn lúng túng.
Đại diện Sở GTVT, cho biết, các vạch sơn hay dãy phân cách trên những tuyến đường trên đều được lắp đặt theo đúng quy định, tuỳ vào hiện trạng từng tuyến đường mà Sở thi công cho phù hợp, làm sao đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Riêng tình trạng người tham gia giao thông chạy xe máy ngược chiều là do ý thức còn kém. Sở GTVT TP sẽ đề nghị quận Bình Thạnh phối hợp để chấn chỉnh tình trạng này nhằm tạo nếp tuân thủ Luật giao thông ngay từ những ngày đầu lắp đặt dải phân cách.
Hàng rào phân cách dù được lắp để đảm bảo an toàn giao thông nhưng nhiều người dân vẫn đi sai làn đường trên đường Võ Văn Kiệt (hướng về hầm Thủ Thiêm).
Sở GTVT có kế hoạch lắp đặt dãy phân cách trên nhiều tuyến đường TP, ngoài 2 tuyến đường trên, còn có đường Nguyễn Tất Thành (từ cầu Khánh Hội đến cầu Tân Thuận, quận 4) dài 2,4km; Cộng Hòa (từ đường Hoàng Hoa Thám đến vòng xoay Lăng Cha Cả, quận Tân Bình), dài 1,5km; Nguyễn Văn Linh (từ nút giao khu A đến đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7), dài 2,2km (cả hai bên); Quốc lộ 22 (đoạn từ Giồng Cát đến đường vào ấp Bến Ðò và đoạn từ đường vào xã Tân Thông Hội đến đường Nguyễn Giao, huyện Củ Chi), dài 5,1km…
Sẽ điều chỉnh cho phù hợp
Phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ thuộc Sở GTVT TP, thông tin: Để đảm bảo an toàn và tiện lợi cho người dân, Sở GTVT sẽ bổ sung một số cọc tiêu cảnh báo trên những tuyến đường này. Đồng thời, sẽ nghiên cứu mở một số đoạn của dải phân cách để tạo thêm lối rẽ và di dời vạch sơn sang đường cho người đi bộ tới vị trí phù hợp.
Nguyên nhân được người dân phản ánh do phần đường dành cho xe 2 bánh quá chật chội.
Đối với các tuyến đường đủ điều kiện lắp đặt dải phân cách và đã được duyệt kinh phí như đường Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Linh, Trường Chinh, Cộng Hòa, quốc lộ 13, 22... Sở GTVT TP sẽ hoàn thành việc lắp đặt dải phân cách trong năm nay. Sau đó, tiếp tục khảo sát để đề xuất với UBND TP cho phép lắp đặt bổ sung các tuyến đường có đủ điều kiện và hay xảy ra tai nạn giao thông.
Trong khi đó, nhiều đoạn giao nhau thường xuyên xảy ra kẹt xe và lưu thông lộn xộn ngay cả giờ thấp điểm lại không được lắp rào chắn.
Hiện TP đang thử nghiệm dải phân cách bằng composite trên đường Trần Hưng Đạo. Sở GTVT sẽ nghiên cứu nâng cao hơn tấm phản quang trên dải phân cách của quốc lộ 1 qua địa bàn TP để xe cộ không bị va quệt nhau.
Được biết, dải phân cách được lắp đặt với mục tiêu giảm tai nạn giao thông, gồm 3 loại: Phân làn ôtô và xe máy (lắp dải phân cách giữa hai làn xe), ngăn người đi bộ sang đường tùy tiện và hạn chế tình trạng đi lấn làn (lắp dải phân cách giữa tim đường).
Một đoạn đường hiếm hoi có dãy phân cách được lắp đặt hợp lý với hệ thống biển báo rõ ràng.
Hiện nay, Sở GTVT TP đang triển khai lắp đặt dải phân cách trên các tuyến đường trọng điểm thường xảy ra tai nạn giao thông với tổng chiều dài gần 40km, kinh phí khoảng 50 tỉ đồng và sẽ làm xong trước ngày 30/4 tới.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?