Hiện tượng nứt đất ở Di Linh có thể sẽ tái diễn trong cuối tháng 4 này hoặc đầu tháng 5 tới. Đây là thông tin do Viện Địa lý tài nguyên TP. HCM đưa ra như một lời cảnh báo, sau gần một năm nghiên cứu hiện tượng nứt đất tại thực địa.
|
Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết: Sau nhiều tháng nghiên cứu, Viện Địa lý tài nguyên TP. HCM đã xác định được nguyên nhân trực tiếp gây nứt đất ở Lâm Đồng là do các yếu tố nội sinh như hoạt động kiến tạo, phong hóa, địa mạo, thạch học..., bên cạnh đó còn do chế độ mưa và dòng chảy của hệ thống sông suối, mạch nước ngầm, vấn đề sử dụng đất, khai thác nước, khai thác rừng... - các yếu tố ngoại sinh.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng (TNMT), vào tháng 5/2011, trước hiện tượng nứt đất với quy mô lớn, tác động trực tiếp đến nhiều hộ dân, tỉnh Lâm Đồng đã mời một số cơ quan chuyên môn của trung ương và TP. HCM vào cuộc để nghiên cứu nhằm đề ra giải pháp thích hợp.
Ông Lương Văn Ngự - Phó GĐ Sở TNMT Lâm Đồng – cho biết: “Hiện tượng nứt đất, trượt lở đất... bắt đầu xảy ra từ mười năm trước. Tuy nhiên, đến tháng 5/2011 vừa qua, hiện tượng này xảy ra tại thị trấn Di Linh, huyện Di Linh với mức độ “đỉnh” đã khiến cho chính quyền và cơ quan chuyên môn đặc biệt lưu ý”.
Hiện tượng nứt đất ở thị trấn Di Linh có thể sẽ tái diễn trong những ngày tới. (Ảnh: Khắc Dũng)
Theo báo cáo của UBND huyện Di Linh thì hiện tượng nứt đất bất thường này xảy ra tại khu phố I, thị trấn Di Linh, vào nửa cuối tháng 4/2011. Lúc đầu, trong khu vực này chỉ xuất hiện vài vết nứt nhỏ; vài ngày sau, vết nứt lan rộng và vùng bị ảnh hưởng lên đến 15ha, vết nứt ngày càng dày, rộng và sâu (có nơi sâu đến 5m, vết nứt rộng 25cm).
Hiện tượng nứt đất tại khu phố I thị trấn Di Linh đã làm cho một ngôi nhà (của bà Nguyễn Thị Huệ) đổ sập vào lúc 8h ngày 1/5/2011; hai ngôi nhà khác của hai ông Nguyễn Văn Vũ và Lê Khả Trường bị nứt tường và nghiêng sụt; nhiều ngôi nhà khác cũng bị nứt tường và sụt lún nhưng ở mức độ nhẹ hơn.
Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã buộc di dời khẩn cấp 6 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm; đồng thời, các phương tiện qua lại trong khu vực cũng đã bị cấm. Cơ quan chức năng còn đình chỉ các hoạt động khai thác bùn đất của một số doanh nghiệp gần đó.
Điều đáng quan tâm: Khu vực xảy ra tai biến địa chất nằm trong đới đứt gãy Bảo Lâm (Lâm Đồng) – Tam Hiệp (Đồng Nai) nên theo các nhà khoa học, những biến động bất thường trong lòng đất của khu vực này là vấn đề rất đáng để quan tâm nghiên cứu.
“Hiện tượng có thể sẽ “quay lại” vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 tới, vì đây là tháng giao thời giữa hai mùa mưa – nắng trong năm của Lâm Đồng (khu vực Nam Tây Nguyên)” – ý kiến chuyên môn của một cán bộ thuộc Sở TNMT Lâm Đồng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng vừa đưa ra khuyến cáo cho chính quyền địa phương huyện Di Linh và tỉnh Lâm Đồng: Cần tiếp tục quan trắc hiện tượng nứt đất ở Lâm Đồng, nhất là đối với khu vực thị trấn Di Linh (huyện Di Linh) để thông báo kịp thời đến người dân để họ chủ động trong phòng tránh, đừng để người dân sống trong sợ hãi.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?