Ký ức của người mẹ chiến sĩ hải quân trong trận chiến Gạc Ma
Thứ hai, 26/05/2014 09:55

Trận chiến Gạc Ma bi tráng đã qua đi được 26 năm ,nhưng với gia đình cụ Phạm Văn My (Nam Định), nỗi đau mất đi người con trai là Liệt sỹ Phạm Văn Thiều (SN 1959) vẫn còn.

Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma.

Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma.

Trận chiến Gạc Ma bi tráng diễn ra vào năm 1988 ngày nào đã qua đi được 26 năm ,nhưng với gia đình cụ Phạm Văn My (ngụ xóm Phạm Sơn, thôn Đông Hạ, xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), nỗi đau mất đi người con trai là Liệt sỹ Phạm Văn Thiều (SN 1959) vẫn còn đọng lại.

“Xếp bút nghiên theo nghiệp đao binh”

Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đưa quân chiếm bãi đá ngầm Gạc Ma (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam)… Bằng đại pháo, đại liên, lính Trung Quốc đã thảm sát 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân Việt Nam mà đa số là công binh không vũ khí. Một trong số những liệt sĩ ấy là cố Thượng úy Phạm Văn Thiều.

let-si-tran-gac-ma-1

Liệt sỹ Phạm Văn Thiều

Chúng tôi về xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định thăm nhà Liệt sỹ Thiều vào một buổi sáng cuối tháng 5/2014. Cụ Phạm Văn My, cha của Liệt sỹ Thiều đã gần 90 tuổi. Cụ Nguyễn Thị Bích, mẹ Liệt sỹ Thiều năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng vẫn không kìm nổi nước mắt khi nói về con trai.

Cụ My tâm sự, vợ chồng cụ sinh được năm người con. Anh Thiều là con trai lớn trong gia đình. Thiều luôn thể hiện là một người con ngoan, một người anh lớn gương mẫu trong gia đình. “Nó học giỏi lắm. Được thầy cô, bạn bè khen ngợi suốt. Năm Thiều học cấp ba, trong khi bạn bè cùng thôn vì trường xa mà bỏ học hết, duy chỉ có Thiều vẫn ngày ngày đi bộ bảy cây số tới trường học. Thấy con ham học, vợ chồng tôi cũng lấy làm mừng và tự hào”, người cha kể lại.

Cụ My hồi ức: “Thiều mê biển, thích được lênh đênh trên những con tàu đi khắp bốn phương. Chính vì thế, dù năm đầu tiên đi thi bị trượt, Thiều vẫn cương quyết thi cho bằng được trường Đại học Hàng hải. Đến lần thi thứ hai, Thiều đã thi đỗ”.

Ký ức về con trai còn đọng lại trong tâm trí vợ chồng cụ My đó là một người trầm tính, ít nói nhưng một khi đã suy nghĩ và làm việc gì, Thiều đều cố gắng thực hiện cho bằng được. “Nó đi học Đại học Hàng hải được một năm thì có giấy gọi nhập ngũ. Dù có thể xin tạm hoãn nhưng Thiều đã gác lại việc học hành lại để lên đường nhập ngũ”, người cha của Liệt sỹ nhớ lại.

Anh nhập ngũ vào năm 1978. Thời gian này chiến tranh biên giới Tây Nam đang bùng phát, đơn vị của Thiều đã ra mặt trận.

Qua những bức thư mà con trai gửi về, cụ My được biết con trai mình đã chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Dù thương nhớ con nhưng vợ chồng cụ My vẫn gửi lời động viên qua những lá thư đầy nước mắt nhớ nhung. “Thiều đi bộ đội và tham gia chiến đấu được một năm thì được cử về trường Đại học Hàng hải học tiếp. Đến năm 1984, Thiều tốt nghiệp Đại học và được bố trí vào công tác tại lữ đoàn 125 (một đơn vị vận tải - NV)”, người cha bồi hồi nhớ lại.

Người mẹ nhớ lại: “Ngày nhận được tin con hy sinh là lúc tôi đang đi học nâng cao nghiệp vụ. Đọc giấy báo tử báo tin con hy sinh, trái tim tôi như nghẹn cứng”. Tuy nhiên không hiểu sao khi ấy cụ không hề rơi một giọt nước mắt. “Lúc đó ông nhà tôi đang công tác xa nhà, sáng hôm đó thức dậy tôi cảm thấy có điều gì đó rất nóng ruột, chân tay trở lên bủn rủn lạ thường. Đến chiều, người ta thông báo con tôi hy sinh, tôi thẫn thờ cả người. Tim đau thắt lại, cổ nghèn nghẹn, nhưng tôi vẫn bình tĩnh nhờ người thông báo cho chồng”, cụ Bích cho biết.

Cụ nhớ như in, một ngày của tháng Giêng năm 1988, nhân chuyến về lấy phụ tùng để sửa chữa lại tàu, con trai cụ tranh thủ tạt qua nhà thăm bố mẹ và các em. Anh “nửa kín nửa hở” về chuyện có người yêu, còn nói với bố mẹ rằng “sắp cưới về cho bố mẹ một cô con dâu rất ngoan hiền và đảm đang”. “Khi nghe con nói, vợ chồng tôi rất đỗi vui mừng và mong mỏi nhanh tới ngày con trai dẫn người yêu về ra mắt gia đình. Thiều còn khoe mới được một người anh ở Hải Phòng cho một mảnh đất để lấy vợ. Nó dự định sẽ xây nhà ở đó sinh sống”, giọng người mẹ già lạc đi khi nhắc về dự định chưa kịp hoàn thành của con trai mình.

Thời gian đó, tình hình khu vực vùng biển của ta đang rất nóng và căng thẳng. Trung Quốc đang cho tàu nhăm nhe cố tình sang xâm phạm vùng biển của ta. Trước tình hình đó, lực lượng Hải quân Việt Nam đưa ba tàu vận tải ra xây chốt ở Trường Sa. Anh Thiều khi ấy là Thượng úy, thuyền phó. “Con tàu mà con trai tôi đi đó là tàu HQ - 604. Đây một trong ba con tàu bị tàu Trung Quốc bắn chìm”, cụ My nghẹn ngào kể lại

Tay run run, người cha cẩn thận lần giở từng bức ảnh, giấy tờ còn giữ lại của con trai đưa lên ngắm nghía thật chăm chú với vẻ mặt bi thương xen lẫn cả niềm tự hào.

Trong khi cụ ông đang bang khuâng nhớ về người con đã anh dũng hy sinh, cụ bà dường như tinh thần đã phần nào trấn tĩnh lại. Cụ nở nụ cười hiền hậu cho biết: Dù tuổi đã cao, nhưng cụ ông rất chịu khó theo dõi tình hình chính trị trong nước và quốc tế. “Nhà tôi có nối mạng internet, hàng ngày ông ấy rất chăm chỉ mở máy tính để cập nhật tình hình. Xem được tin tức gì ông ấy đều kể lại cho tôi nghe. Bởi vậy, dù già cả không đi được tới đâu nhưng vợ chồng tôi cũng biết Trung Quốc lại đang tiếp tục xâm phạm tới vùng biển của Việt Nam”, cụ Bích cho biết.

Từ ngày biết tin Trung Quốc sang xâm phạm, cụ ông càng năng thắp nhang lên bàn thờ con trai: “Thiều cùng nhiều đồng đội của nó đã hòa mình vào cùng với biển khơi sẽ hiển linh phù hộ cho đất nước sớm giành lại vùng biển của mình, đòi lại công lý cho dân tộc mình”.

Bạn bè báo hiếu cha mẹ thay liệt sỹ

Theo người cha, tất cả những cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma đều xứng đáng được phong tặng danh hiệu anh hùng. “Chúng mới chỉ ở tuổi đôi mươi, vẫn còn rất trẻ nhưng đã gan dạ đối mặt với những kẻ đi xâm chiếm. Trận chiến đã được ghi danh vào lịch sử của dân tộc thì những hy sinh, mất mát đó nhà nước ta cần phải trân trọng, ghi nhận hơn”,.

Con trai mất, phải một thời gian dài sau đó, vợ chồng cụ My mới lấy lại được tinh thần, cố gắng gạt nỗi đau qua một bên mà chăm lo cho các con còn lại. “Với đồng lương thưởng ít ỏi của người cán bộ, gia đình tôi phải sống chắt bóp, tằn tiện qua ngày. May mắn, các con lớn khôn đều trưởng thành cả. Thế nhưng, duy chỉ có ngôi nhà của ông bà tổ tiên để lại, vợ chồng tôi không có điều kiện tu sửa lại. Mới đây, vào cuối năm 2012, một số bạn bè của Thiều về thăm gia đình. Họ đã kêu gọi quyên góp tiền để xây cho vợ chồng tôi ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ này”.

Tâm sự về chuyện này, cụ My bày tỏ sự biết ơn tới những người bạn của Liệt sỹ Thiều. “Gia đình mãi không bao giờ quên tấm lòng các anh em đã giúp đỡ. Ngoài ra, biết vợ chồng tôi bị bệnh tật, các anh còn đưa vợ chồng tôi đi thăm khám thường xuyên. Nghĩa cử chăm sóc ấy, vợ chồng tôi không biết lấy gì báo đáp”, người cha rơm rớm nước mắt.

Anh Nguyễn Văn Hiền (công tác tại Vụ Kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ), một trong những người chung tay kêu gọi quyên góp tiền giúp đỡ gia đình Liệt sỹ Thiều cho hay, anh cũng như nhiều người bạn khác cùng lớp rất quý mến Thiều. Anh Thiều luôn sẵn lòng giúp đỡ anh em, bạn bè trong trường. “Thiều học rất giỏi nên được nhiều bạn bè, thầy cô quý mến. Khi hay tin Thiều hy sinh, chúng tôi vô cùng đau lòng và tiếc nuối, rất muốn về quê chia buồn, thăm hỏi gia đình, nhưng mãi vào cuối năm 2012, tôi mới tìm ra được địa chỉ của gia đình Thiều”, anh Hiền chia sẻ.

Về thăm gia đình liệt sĩ Thiều, các anh không khỏi chạnh lòng khi thấy ngôi nhà của bố mẹ bạn mình đã cũ nát. “Về Hà Nội tôi đã vận động các bạn cũ quyên góp tiền để xây ngôi nhà mới thật khang trang để các cụ có thể an hưởng tuổi già. Thiều hy sinh, chúng tôi coi bố mẹ cậu ấy như là bố mẹ của mình. Coi như đây là món quà mà chúng tôi thay cậu ấy báo hiếu cho bố mẹ”, anh Hiền trải lòng.

Với những gì mà anh Hiền cùng những người bạn đã dành tặng cho bố mẹ của Liệt sỹ, có lẽ ở ngoài biển khơi xa xôi đó, nơi từng diễn ra trận chiến bi tráng, người Liệt sỹ ấy sẽ cảm thấy yên lòng.

Theo sách Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 – 2005), khoảng 3h sáng ngày 14/3/1988, lực lượng của Trung đoàn 83 Công binh bắt đầu chuyển vật liệu từ tàu HQ - 604 lên bãi Gạc Ma, lực lượng của Lữ đoàn 146 tổ chức cắm cờ và bảo vệ công binh làm nhiệm vụ.

Khoảng 6h ngày 14/3/1988, Trung Quốc điều tới thêm 2 tàu, dùng 3 thuyền nhôm đưa khoảng 40 lính lên bãi Gạc Ma, giật quốc kỳ Việt Nam, sát hại Thiếu úy Trần Văn Phương, đâm trọng thương hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh.

Bị quân ta đánh trả, quân Trung Quốc rút ra xa, xả đạn pháo và các loại súng vào các tàu ta và quân ta đang ở trên bãi Gạc Ma. Bị trúng nhiều đạn pháo địch, tàu HQ-604 chìm xuống biển…

Trung tá Trần Đức Thông, Đại úy Vũ Phi Trừ, Thiếu úy Trần Văn Phương và nhiều đồng đội hy sinh, 9 người bị quân Trung Quốc bắt. Những người còn sống đi tìm vớt đồng đội hy sinh và bị thương, đưa lên một xuồng của công binh rồi bơi về phía tàu HQ-505 ở bãi Cô Lin.

Tại bãi Cô Lin, từ 6h sáng 14/3/1988, lực lượng trên tàu HQ-505 đã cắm hai cờ Việt Nam trên bãi. Cùng lúc bắn vào tàu HQ-604, các tàu Trung Quốc cũng bắn nhiều đạn pháo vào tàu HQ-505, khiến tàu bị hỏng máy. Thuyền trưởng chỉ huy khẩn trương sửa máy, rồi lệnh chạy cả hai máy tàu, ủi bãi Cô Lin để vừa cứu tàu, vừa giữ đảo. Thấy vậy, hai tàu Trung Quốc tập trung bắn dữ dội vào tàu HQ-505. Hơn 8h sáng 14/3/1988, tàu HQ-505 trườn được hai phần ba thân lên bãi thì bốc cháy. Lực lượng trên tàu vừa triển khai dập lửa cứu tàu, bảo vệ bãi Cô Lin, vừa đưa xuồng đi cứu vớt đồng đội ở phía bãi Gạc Ma.

Tại bãi Len Đao, rạng sáng 14/3/1988 một tổ hải quân từ tàu HQ-605 đã lên bãi cạn, cắm cờ Việt Nam. Khoảng 8h sáng 14/3/1988, các tàu Trung Quốc nã đạn vào tàu HQ-605, đến sáng ngày 15/3/1988 thì tàu chìm hẳn. Thuyền phó tàu HQ-605 và 5 người khác hy sinh. Nhưng quân ta vẫn bám trụ, quốc kỳ Việt Nam vẫn tung bay trên bãi Len Đao. Chiều 14/3, khi tàu HQ-614 tới, lực lượng trên tàu HQ-605 dùng xuồng đưa thương binh, tử sĩ về đảo Sinh Tồn. Chiều 14/3/1988, các tàu HQ-931, HQ-671, HQ-614 lần lượt tới tiếp ứng, bảo vệ bãi Len Đao và bãi Cô Lin.

Nguyễn Tươi (Pháp luật và thời đại) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: tran chien gac ma , tran chien o truong sa , tinh hinh bien dong , chien si hai quan , bao ve bien dao , tin , bao