Kỳ bí gia đình nhiều đời, chân tay chỉ có 1 ngón
Thứ ba, 22/05/2012 17:38

Ở thôn Hoàng Ly, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, có hai gia đình tật nguyền, chân tay một ngón từ đời này sang đời khác…

“Gia đình chân chim”

Nằm sâu trong ngõ nhỏ là căn nhà cấp bốn lợp ngói đã cũ kĩ, tường xuất hiện vết nứt. Ông Nguyễn Hữu Tiến đang loay hoay cắt tỉa cây cảnh, nở nụ cười, ông Tiến chia sẻ: "Do mỗi bàn tay chỉ có một ngón nên việc cầm kéo, tôi phải dùng cả hai tay. Lúc đầu rất khó khăn nhưng làm nhiều thành quen. Bây giờ thì tôi làm thành thạo như người bình thường rồi". Ông Tiến sinh năm 1939 trong một gia đình có 6 người con. Ông là con thứ ba. Em trai ông là Nguyễn Văn Tuấn, chung cảnh ngộ "tứ chi thiếu ngón". Cả làng, cả xã không ai bị căn bệnh lạ như hai anh em ông nên mọi người gọi gia đình ông là “gia đình chân chim”. Gọi là chân chim nhưng thực ra được như chân chim đã tốt, ở đây mỗi chi ông chỉ có nhiều nhất là 2 ngón mà thôi. Những tưởng đó chỉ là dị tật bẩm sinh, nhưng sau khi lấy vợ và sinh con, ông Tiến đau buồn khi biết căn bệnh của mình là di truyền. Ông có 7 người con thì hai người bị bệnh như ông. Ông Tuấn, em trai của ông cũng lâm vào cảnh tương tự khi con cái đều một ngón như bố. Vợ ông Tiến qua đời vì bạo bệnh. Hơn chục năm sau, ông đi bước nữa. Người vợ thứ hai là bà Nguyễn Thị Thỉnh. Bà Thỉnh sinh được một người con nhưng cũng bị căn bệnh thiếu ngón như bố. Ông Tiến cho biết, đã có rất nhiều đoàn nghiên cứu đến và đi nhưng không ai xác định được dòng họ nhà ông bị bệnh gì.

Ông Tiến với bàn tay kỳ dị. (Ảnh: TL)

Ông Tiến chia sẻ thích nhất câu: "Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh bước qua ranh giới ấy" (Truyện ngắn “Mùa lạc” của Nguyễn Khải). Ông Tiến không hề mặc cảm với số phận, mà luôn phấn đấu vươn lên. Ông Tiến kể, ngày bé, thấy đám bạn đi xe đạp, ông thèm lắm, nên quyết chí tập đi. Với bàn tay, bàn chân thiếu ngón như thế, việc cầm lái và giữ thăng bằng rất khó khăn. Nhưng sau hơn một năm nỗ lực tập đi, ông đã thành công. Thời chiến tranh, bom đạn, ông nhiều lần đạp xe từ Hà Nam vào Thanh Hóa. Sau này, có xe máy, ông cũng tập đi. Không ít lần ngã trầy xước, nhưng ông không bỏ cuộc. Thời gian công tác, ông toàn đi xe máy từ Hà Nam lên Hà Nội. Dù tật nguyền như vậy, nhưng 1963 ông vẫn đi thi và học ở Trường Trung cấp Ngoại ngữ (Hà Nội). Ra trường, ông tham gia dạy học. “Gõ đầu trẻ” được nửa năm thì chuyển sang làm việc tại Ngân hàng tỉnh Hà Nam. Dù bàn tay chỉ có một ngón nhưng ông viết chữ rất đẹp. Chữ ông đẹp đến nỗi người dân trong vùng đều nhờ viết giấy khen, giấy báo hiếu hỉ. Nhưng niềm đam mê lớn nhất của ông là dịch chữ Hán cho các đình chùa, miếu mạo.

Nhìn đứa con đang ngồi chơi ngoài sân ông Tiến ngậm ngùi ứa nước mắt. Cậu con muộn với người vợ hai, em Nguyễn Duy Đạt (12 tuổi), đang là học sinh cấp hai, cũng mang di chứng như cha. Ông luôn dạy con phải cố gắng học giỏi, không được bi quan với số phận. Em Đạt cũng như bố, dù tay chỉ có một ngón nhưng viết chữ rất đẹp và học rất giỏi. Em làm được mọi việc trong nhà để phụ giúp bố mẹ. Thời gian đầu mới đi học, Đạt hay bị bạn bè trêu ghẹo vì đôi bàn chân của em có hình thù kỳ dị, nhưng không cảm thấy tự ti, Đạt luôn cố gắng học giỏi, chăm ngoan để không phụ lòng cha mẹ, thầy cô. Ông Tiến tâm sự về con trai của mình: "Nó thông minh và hiếu học lắm, nhưng vợ chồng tôi đã ở tuổi xế chiều rồi, lỡ có chuyện gì, không biết nó bấu víu vào đâu nữa". Hằng ngày, bên cạnh việc miệt mài viết và dịch chữ Hán để kiếm tiền, ông dành nhiều thời gian dạy con chữ Hán, đan lát, cắt, vẽ… để sau này, khi ông qua đời, Đạt có nghề kiếm sống.

Có mối liên hệ nào với bộ tộc thiếu ngón ở châu Phi?

Trường hợp như gia đình ông Tiến không được giới y khoa ghi nhận nhiều, trước đây chỉ có một bộ tộc người sinh sống tại thung lũng rộng 64km2 tại Botswana, cách biên giới Zimbabwe chừng 2 km là mắc phải căn bệnh lạ di truyền này. Anh Bemba, 36 tuổi, người đầu tiên ra ngoài mưu sinh cho biết, khi tiết xuân ấm áp đến với thung lũng, anh lại tới Francistown để làm thuê và ít khi trở về nhà. Người dân thành phố rất kinh ngạc khi trông thấy bàn chân một ngón và những ngón tay kỳ dị của Bemba. Bàn chân trái của anh có tới hai ngón cái với phần khớp không thẳng mà cong queo biến dạng. Ngón thứ hai, thứ ba dính chặt vào nhau và ở giữa như có một lớp màng. Bàn chân phải của Bemba chỉ có duy nhất một ngón cái, ngón thứ hai, ba, bốn, năm đều "lặn mất tăm". Hai người vợ 32 tuổi và 27 tuổi của Bemba cũng có đôi chân tương tự và tất nhiên hai bé gái 5 và 6 tuổi của họ còn có một lớp màng giữa các ngón chân. Dù sở hữu vẻ ngoài kỳ dị nhưng người dân nơi đây vẫn rất tự tin và lạc quan vào cuộc sống. Nếu quan sát kỹ, có thể thấy, đầu ngón chân của họ rất giống chân đà điểu, thậm chí có người còn xuất hiện lớp màng mỏng giữa các ngón. Dù tứ chi tật nguyền, nhưng bàn chân của họ rất mềm dẻo và linh hoạt, thậm chí có thể nhặt nhạnh đồ trên mặt đất. Bemba có thể dùng ngón chân của mình để cặp chặt các viên than cốc.

Cũng từ đây, bộ tộc của Bemba được nhiều người biết đến hơn, theo tờ tin tức của Zimbabwe, tộc người với bàn chân thiếu ngón này có gốc là người Wanya tại vùng Mozambique di cư xuống khu vực tây nam của Zimbabwe. Tộc người này xuất hiện từ thế kỷ 14, nhưng do sự thưa thớt và bản tính nhút nhát nên họ rất hiếm khi tiếp xúc với người lạ. Sự tồn tại của họ gần như bị lãng quên trong xã hội hiện đại.

Hình ảnh đôi bàn chân dị hình của tộc người Wanya. (Ảnh: TL)

Đó là những thông tin được đăng tải chính thống trên các phương tiện truyền thông. Còn tại bộ tộc này lại lưu truyền một truyền thuyết thú vị lý giải cho sự hình thành của bàn chân hai ngón. Bemba cho biết, cha anh và những người già trong bộ lạc đều kể cho con cháu rằng, từ rất xa xưa, trong bộ tộc có một bé trai mới sinh ra đã mang bàn chân một ngón. Mọi người vô cùng hoảng sợ, cho rằng đứa trẻ đã bị thần linh giáng tội. Sinh linh tội nghiệp bị giết chết để tránh họa cho làng. Một năm sau, người mẹ ấy lại sinh ra một đứa bé có bàn chân tương tự. Số phận của nó cũng kết thúc bi thảm như anh trai mình. Người phụ nữ bất hạnh này lại tiếp tục mang thai và đau khổ trong ngày nở nhụy khai hoa khi đứa con thứ ba vẫn có bàn chân kỳ lạ. Mọi người dần thay đổi suy nghĩ và cho rằng đây là sự ưu ái của thần linh khi tạo ra một hình hài mới cho những đứa trẻ trong bộ lạc. Từ đó về sau, ngày càng nhiều đứa trẻ có bàn chân "độc nhất vô nhị" chào đời. Mọi người cũng dần vứt bỏ cảm giác bất an và lo lắng, thậm chí không còn thái độ phân biệt, kỳ thị giữa người hai ngón và năm ngón chân. Và bộ tộc của Bemba được bắt nguồn một phần từ bộ tộc đó.

Nhưng điều thú vị là không phải ai ở đây cũng có bàn chân như thế. Nhà Bemba có 5 anh chị em, hai người con trai lớn đều phát triển bình thường, chỉ ba người con sau, trong đó có Bemba, là có đôi chân kỳ dị. Sự thực về nguồn gốc của tộc người này hiện vẫn còn là bí ẩn thú vị với giới khoa học. Ngày qua ngày, những con người có bản tính nhút nhát này vẫn lặng lẽ tìm kiếm những người cùng chủng tộc với mình; và các nhà khoa học cũng đang gắng sức tìm ra sự thực về họ. Nelson, một nhà biên soạn niên sử, đã tình cờ phát hiện ra tộc người kỳ lạ này trong một chuyến dã ngoại tại phía tây nam Zimbabwe. Niềm đam mê khám phá đã thôi thúc Nelson tới gặp gỡ và trò chuyện với 16 người của bộ tộc tôm hùm.

Sau khi xâu chuỗi các dữ liệu và tổng hợp các ghi chép còn lại trong sử sách, Nelson đã phát hiện ra rằng, hiện tượng biến dị bàn chân của tộc người này trước hết là do quá trình di cư và kết hôn. Theo giả thiết của Nelson, nhiều năm về trước, người phụ nữ có đôi chân một ngón từ thung lũng Zambezi ở Mozambique đã tới vùng tây nam Zimbabwe sinh sống. Khi cô kết hôn với một thổ dân tại đây và sinh con đẻ cái, những đứa trẻ thừa hưởng gen của cô cũng có bàn chân giống mẹ. Tỷ lệ này sẽ giảm đi đáng kể nếu những người có đôi chân một ngón được kết hôn với người ngoại tộc. Nhưng sự thưa thớt của dân cư tại đây đã khiến người dân địa phương chỉ còn cách kết hôn với nhau. Và cứ thế, hình dáng kỳ lạ này được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nelson khẳng định, ở Mozambique còn lưu giữ lại nhiều tài liệu chứng thực về sự tồn tại của những người có bàn chân kỳ dị...

PLXH
Tag: Di truyền , Hà Nam , Dị dạng , Đột biến gen , Phóng sự , Bí ẩn , Bệnh lạ