Hàng loạt ý kiến của đại biểu Quốc hội đã chất vấn Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình quanh chuyện án oan, ép cung, nhục hình, bỏ lọt tội phạm...
ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng việc tòa án xử án treo đối với tội tham nhũng làm người dân mất niềm tin Ảnh: Hoàng Bắc |
Ngày 21/11, Quốc hội (QH) tiếp tục phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6. Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đăng đàn giải trình những câu hỏi của các đại biểu (ĐB) QH về những vấn đề nảy sinh trong công tác xét xử: Oan sai, bỏ lọt tội phạm, cho hưởng án treo không đúng quy định pháp luật.
Bao nhiêu “thỏ” thành “gấu”?
Vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn (ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) ngay lập tức được các ĐBQH quan tâm đặc biệt. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) gay gắt: “Ông Nguyễn Thanh Chấn đã bị kết án tù chung thân, sau 10 năm mới được minh oan. Vậy trách nhiệm của ngành tòa án đến đâu? Giải pháp minh oan, bồi thường? Có bao nhiêu “con thỏ” mà chúng ta tuyên bố là “con gấu”?”
Chất vấn đến 2 lần, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) khẳng định không chỉ vụ ông Chấn mà còn một số vụ án oan khác cho thấy có lỗi của cả VKSND, Bộ Công an và TAND Tối cao. ĐB Nga đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an không để Công an tỉnh Bắc Giang điều tra nữa mà chỉ đạo cơ quan điều tra Bộ Công an trực tiếp làm, VKSND Tối cao trực tiếp giám sát. Mặt khác, Cơ quan Điều tra, VKSND Tối cao khẩn trương điều tra, làm rõ thông tin ông Chấn bị bức cung, nhục hình và những hành vi có dấu hiệu tội xâm phạm hoạt động tư pháp.
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình thừa nhận chất lượng xét xử liên quan đến cái gốc là chất lượng cán bộ của ngành. Riêng các chất vấn về vụ án Nguyễn Thanh Chấn, ông Trương Hòa Bình cho rằng những câu hỏi rất rộng, thuộc thẩm quyền của cả 3 ngành công an, kiểm sát, tòa án. Các thủ tục về tố tụng đang được tiến hành để điều tra lại vụ án này.
“Vấn đề đặt ra ở đây là có oan sai hay không. Các vị ĐB cũng đã suy nghĩ và mỗi vị có quan điểm khác nhau nhưng cũng đặt vấn đề là có ép cung, nhục hình hay không, trách nhiệm của các ngành như thế nào?” - tư lệnh ngành tòa án phân trần.
Chánh án Trương Hòa Bình cho biết mỗi năm, các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý trên 100.000 vụ án hình sự, do những nguyên nhân khác nhau nên cũng có để xảy ra oan sai. “Gần đây, dư luận cho rằng vụ án ông Chấn là sai và có ép cung, nhục hình. Tuy nhiên, việc xác định có oan sai hay không thì lại phải theo quy định của pháp luật rất chặt chẽ, còn dư luận thì đó là dư luận” - ông nhận định.
Mặt khác, theo Chánh án Trương Hòa Bình, việc HĐXX phát hiện có ép cung hay không là điều rất khó. Điều này phải được bị can, luật sư yêu cầu, VKSND xem xét thì tòa án mới có điều kiện để phát hiện được. Tuy nhiên, với trách nhiệm của HĐXX, dù không phát hiện được có ép cung hay không nhưng xét xử để xảy ra oan sai thì vẫn có liên đới trách nhiệm.
Người đứng đầu ngành tòa án còn cho rằng không thể kết luận vội vàng vụ án Nguyễn Thanh Chấn vì xác định sự thật không cẩn thận sẽ “ảnh hưởng đến ý chí tấn công tội phạm, làm chùn bước những người đang làm công việc hết sức khó khăn, gian khổ này”.
Rà soát án nặng tìm oan sai
ĐB Nguyễn Bá Thuyền chất vấn: Năm 2013, ngành tòa án có nhiều cố gắng, hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhất là không để xảy ra oan sai nhưng hằng năm vẫn còn hàng ngàn đơn giám đốc thẩm chưa được giải quyết. Vậy TAND Tối cao có giải pháp gì để nâng cao chất lượng xét xử, lấy lại lòng tin nhân dân, hạn chế oan sai?
ĐB Lê Thị Nga đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao chỉ đạo rà soát lại tất cả những vụ hình sự kêu oan. Đặc biệt là xem xét khẩn trương những vụ án tử hình, tránh tình trạng phát hiện bị oan thì đã thi hành án.
Chánh án Trương Hòa Bình cho biết năm 2013, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là khoảng 5.000 và đã giải quyết được hơn 63% - tỉ lệ cao nhất từ trước tới nay. “Chúng tôi giải quyết gần 11.000 đơn cũ từ năm trước chuyển sang, hiện còn chưa đầy 4.000. Ở các nước, tòa án tối cao chỉ chọn hơn trăm vụ liên quan những vấn đề quan trọng, quyền con người... để giải quyết làm án lệ nhưng ở nước ta thì phải xem xét tất cả” - Chánh án TAND Tối cao nói.
Người đứng đầu ngành tòa án nhìn nhận: Oan sai gây thống khổ cho dân, ảnh hưởng cả dòng tộc, cần được xem xét kịp thời, thấu đáo. Do đó, theo ông Trương Hòa Bình, nếu để xảy ra oan sai với những người bị buộc tội ở khung hình phạt cao như 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình là “điều không thể chấp nhận được”.
Chánh án Trương Hòa Bình cho biết TAND Tối cao đang rà soát các bản án có mức án cao nhất, đặc biệt là án tử hình, để xem xét. Nếu có vi phạm, sai lầm nghiêm trọng thì phải thực hiện quyền kháng nghị của chánh án; có tình tiết mới sẽ tổ chức phiên tái thẩm. “Chúng tôi phải đặt trách nhiệm rất cao trong kiểm tra các vụ án hình sự nói chung và nhất là các vụ án tử hình” - ông khẳng định.
Xử án tham nhũng: Chỉ “treo”?
Chất vấn Chánh án TAND Tối cao, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nhận định tham nhũng thuộc nhóm tội nghiêm trọng cần xử lý nghiêm nhưng báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH cho thấy nhiều tòa án xử rất nhẹ. ĐB Thường dẫn chứng có tòa án tỉnh trong 2 năm rưỡi xử 9 bị cáo tham nhũng thì 8 người hưởng án treo. Có tòa xử 10 bị cáo tham nhũng nhưng tuyên cả 10 người dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. “Việc xử nhẹ tội phạm tham nhũng đang làm giảm lòng tin của người dân vào quyết tâm phòng chống tham nhũng” - ĐB Thường nhận định.
Đồng quan điểm, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng tình trạng áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nhiều lần để xử lý dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ ở án tham nhũng chiếm tỉ lệ rất cao, có nơi tuyên dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc cho hưởng án treo chiếm 80%- 100%.
Chánh án Trương Hòa Bình cho biết đúng là vẫn còn một số tòa án tỉnh, địa phương xử nhiều án treo đối với các tội phạm tham nhũng nhưng phần lớn đã xảy ra nhiều năm trước. Thời gian qua, những vụ án tham nhũng lớn được tòa án đưa ra xét xử nghiêm minh với mức án cao nhất theo cáo trạng truy tố, tòa án không xử nhẹ.
“Những vụ án tham nhũng cho hưởng án treo không đúng pháp luật thì gần như đã được khắc phục trong năm qua” - Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định.
Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?