Bố mẹ từng bỏ nhau, giờ đây chồng lại phản bội, sinh con ra, liệu cuộc đời con có khổ như em không?
|
Em đang băn khoăn không biết có nên sinh con hay không? Mong chị cho em một lời khuyên.
Ngay từ nhỏ em đã sống thiếu thốn tình thương của cha mẹ. Khi đó em sống với ngoại ở quê. Mỗi lần mẹ về thăm em mừng lắm. Khi mẹ đi, sáng thức dậy không thấy mẹ em lại khóc thật nhiều. Những đêm sau em luôn ôm gối mẹ đã nằm và ngửi lấy mùi thơm tóc mẹ còn thoang thoảng đâu đó.
Đến cấp 2 em được mẹ đón về Sài Gòn. Em rất vui mừng. Em mừng vì được gần cha mẹ và các em. Năm em học lớp 9, cha mẹ xảy ra mâu thuẫn và ly hôn. Đến lúc này em mới biết người cha bây giờ không phải là cha ruột em. Ông là người tốt nên khi đến với mẹ đã chấp nhận lo lắng cho em. Nhưng mấy chị em lúc nhỏ thì không sao, lớn lên các em ngày càng phân chia ranh giới “ba chị, ba tui”.
Cuộc sống em đầy nỗi buồn. Tuy thế dù cha không phải cha ruột nhưng em rất yêu thương ông vì ông là người tốt và cũng vì mẹ em là người có lỗi nên gia đình mới tan vỡ. Thấy cha mẹ đấu đá nhau để tranh giành phần thắng và tài sản về mình, em cảm thấy mệt mỏi. Mỗi lần nghe người này mắng nhiếc về người kia đối với ba đứa con nít tụi em là một cực hình. Em luôn trong trạng thái “sẵn sàng”, em luôn sợ và phòng ngừa trước những tình huống để tránh bỡ ngỡ.
Em thấy vợ chồng đầu ấp tay gối bao nhiêu năm vẫn chưa tin tưởng hết được nhau. Như cha mẹ em ở với nhau mười mấy năm mà cuối cùng cũng vẫn chia tay. Khi ly dị thì con cái là người bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Rồi mỗi người có cuộc sống riêng, cha vẫn lo cho tụi em. Nhưng cha là đàn ông, cha đâu thể kề cận chúng em được. Tụi em phải sống tự lập trong hoàn cảnh có cha lo tiền bạc nhưng tình cảm thì bị thiếu thốn.
Em đã tha thứ khi anh ấy cầu xin, nhưng em không muốn sinh con (Ảnh minh họa)
Em lập gia đình. Trong suốt quá trình em buồn khổ vì chuyện gia đình, anh ấy đã là người bên em và động viên em. Nhưng không hiểu sao em lại có suy nghĩ “em chỉ sinh con khi người đó thật xứng đáng”. Có lẽ một phần vì em thấy cưới nhau sớm (năm đó em 22 tuổi), phần em mê tín, muốn chọn tuổi hợp vợ chồng mới sinh con (vì vốn dĩ tuổi em và chồng đã không đẹp). Nên em quyết định đến năm Thìn tức 4 năm sau khi cưới mới sinh.
Khi em dùng thuốc ngừa được tầm 2 tháng, chuẩn bị tinh thần thực hiện kế hoạch của mình thì em phát hiện ra chồng mình ngoại tình. Em bị sốc… Người chồng em luôn tin tưởng không ngờ cuối cùng lại phản bội em. Từ ngày ngoại và ba là hai người em yêu thương nhất trên đời ra đi, mẹ thì không hợp, nên đối với em chồng là người thân nhất. Lúc phát hiện sự việc, em thấy thần tượng bị sụp đổ. Khi ấy điều may mắn nhất em thấy là em chưa có con. Vì dù sao như thế cũng dễ giải quyết nếu ly hôn. Chồng em năn nỉ em bỏ qua và quay lại. Em đồng ý nhưng em không muốn sinh con nữa, em lén uống lại thuốc tránh thai, sau đó ngưng rồi lại uống tiếp.
Em cảm thấy rất chán nản và đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Nhiều lúc em muốn ly dị chồng, lúc em lại muốn hàn gắn. Nhưng sao em sợ sinh con quá… Em không dám chắc sau này còn chuyện gì xảy ra nữa không? Có sống với nhau được cả đời không? Ai dám đảm bảo điều ấy cho em? Khi ấy sẽ khổ cho em và tội cho con lắm.
Nếu bước thêm bước nữa, em phải sinh con cho người sau, khi đó con em lại rơi vào cảnh phân biệt con chung, con riêng. Em sợ sinh nó ra mà em không mang lại cho nó cuộc sống hạnh phúc thì thà đừng sinh. Em không muốn nó lặp lại cảnh như em đã từng nếm trải.
Chồng em ra "tối hậu thư" nếu hết năm nay em không sinh thì chồng em sẽ quay về nhà cha mẹ ruột và lập gia đình khác. Trong thâm tâm em nghĩ nếu vẫn ở với chồng thì cũng tạm được, với điều kiện là đừng có con. Nhưng em biết là chồng em không bao giờ chấp nhận chuyện đó.
Bạn bè em khuyên nên có con đi thôi không sau này về già sống với ai? Không lẽ một mình? Em cũng có sợ chuyện đó nhưng không hiểu sao mỗi khi nghĩ đến sinh con là em rất sợ. Xin chị cho em lời khuyên. Em cảm ơn chị nhiều lắm. (Em gái)
Trả lời:
Em gái thân mến! Cảm ơn em đã gửi những tâm sự của mình về cho chuyên mục. Qua thư chị hiểu rằng giờ đây em đang mâu thuẫn và không biết nên quyết định có sinh con hay không. Bởi lẽ em sợ con em sau này sẽ gặp phải những nỗi đau như cuộc đời em đã từng nếm trải.
Chị biết với một cô gái đã phải trải qua nỗi khổ tâm về gia đình như em sẽ luôn mang trong mình một ám ảnh về hạnh phúc. Sự lo lắng cho cuộc sống sau này của con, niềm khao khát con được sống một cuộc đời tốt đẹp hơn là điều mong mỏi của tất cả những người mẹ. Nhất là những người đã từng chịu nhiều thương tổn như em. Hơn thế nữa, em lại phải đối diện với một nỗi đau khi biết chồng phản bội. Tất cả những điều đó khiến em như "chim nhỏ sợ cành cong", em cảm thấy bất an với mọi thứ và vì vậy em không muốn sinh con.
Trước tiên, chị cần nói với em một điều, chuyện tính toán để sinh con vào năm "đẹp" không phải là quá sai trái nhưng nó phải phù hợp với điều kiện cụ thể. Em không thể vì mê tín mà trì hoãn việc sinh con quá lâu như vậy. Điều đó chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng lớn tới hạnh phúc gia đình em. Đấy là chưa kể em hoàn toàn có thể gặp những trục trặc về sinh sản khi tránh thai quá lâu. Hơn nữa, công bằng mà nói, con cái là "lộc" trời ban, vậy tại sao em không đón nhận nó như một niềm hạnh phúc mà phải tính toán và can thiệp tới điều rất đỗi tự nhiên và bình thường đó? Chị nghĩ rằng em nên xỏa bỏ suy nghĩ cần phải chờ đợi tới 4 năm mới sinh con cho "đẹp và hợp" tuổi vợ chồng đi em nhé.
Có lẽ giờ đây vấn đề của em là phải xác định xem em có thực sự muốn tha thứ cho chồng hay không? Điều đó sẽ quyết định tới những hành động phía sau. Việc em bị sốc vì một người chồng mà em tin yêu phản bội là điều không thể tránh khỏi. Em cũng hoàn toàn có thể lo lắng nhiều hơn cho tương lai của gia đình, của con (nếu có) sau này cũng là điều dễ hiểu. Nhưng đôi khi trong cuộc sống, vì một lí do nào đó con người ta sa ngã, chuyện những người đàn ông từng một lần phản bội vợ là điều không hiếm. Vợ chồng em mới lấy nhau, cả hai em đều còn khá trẻ, vì thế hãy bảo vệ gia đình và tổ ấm trước thử thách đầu tiên này. Nếu có thể hãy bỏ qua cho nhau những sai lầm để cùng vun đắp tổ ấm vững chắc hơn.
Đứa con sẽ là sợi dây hàn gắn tình cảm vợ chồng (Ảnh minh họa)
Em cũng đã từng nói "trong suốt quá trình em buồn khổ vì chuyện gia đình, anh ấy đã là người bên em và động viên em" và giờ đây em cũng thấy "nếu vẫn ở với chồng thì cũng tạm được", như vậy có nghĩa là em vẫn có thể chấp nhận được anh ấy. Điều cần làm bây giờ là chia sẻ thẳng thắn với chồng về những suy nghĩ của em, những lời "cảnh báo" để ngăn không cho việc này không được tái phát. Sau đó hãy toàn tâm toàn ý với gia đình, với chồng.
Khi đã quyết định tha thứ cho chồng em nên tính tới chuyện sinh con. Đừng để những ám ảnh về việc chồng phản bội làm ảnh hưởng tới cuộc sống vợ chồng khi em đã dũng cảm bỏ qua tất cả. Đứa con chính là sợi dây kết nối tình cảm lớn nhất, sự ràng buộc mạnh mẽ nhất của hai vợ chồng. Hãy thử hình dung xem, ngay cả khi chồng em không phản bội thì việc trì hoãn sinh con của em cũng là sự đe dọa lớn tới hạnh phúc gia đình. Vì thế hãy sinh con bởi đó là phương pháp tuyệt vời nhất để hàn gắn tình cảm vợ chồng.
Có lẽ em là người hiểu hơn ai hết, nếu em bỏ chồng và đi bước nữa với người khác, con em sẽ lại rơi vào hoàn cảnh "cha anh, cha tôi" như em ngày trước. Và cũng không phải ai cũng tốt như người cha dượng của em. Vậy so với điều đó, việc em và chồng hàn gắn cùng nhau để tạo cho con một tổ ấm sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Khi đứa con ra đời, nó sẽ điều chỉnh cách mà cả em và chồng đối xử với nhau. Chỉ cần hai em hiểu và thông cảm cho nhau, cuộc sống gia đình sẽ tốt đẹp hơn.
Chúc em hạnh phúc và sớm đưa ra được quyết định cho mình!
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành