Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy ô tô, xe máy. Nhiều bộ, ban, ngành và các chuyên gia đã vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân nhưng vẫn chưa cho kết quả.
|
Nhìn nhận lại các vụ cháy xe, có thể thấy, rất khó để có một kết luận chung về nguyên nhân gây cháy xe.
Không phải đến bây giờ câu chuyện xe máy, ô tô đang chạy trên đường bỗng dưng phát hỏa cháy rừng rực mới được đề cập. Vài năm nay, thi thoảng đang đi trên đường, người tham gia giao thông lại chứng kiến cảnh chiếc ô tô bạc tỷ hoặc xe máy đời mới đang chạy tự dưng bốc cháy ngùn ngụt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhất là sau vụ nổ xe máy ở Bắc Ninh làm 2 mẹ con sản phụ Quỳnh tử vong và sau đó là liên tiếp các vụ cháy xe máy, ô tô thì đã làm dấy lên một câu hỏi về sự bất thường.
Chỉ trong vòng tháng 12, trên địa bàn cả nước đã xảy ra hàng chục vụ cháy ô tô, xe máy khi đang chạy. Đáng kinh ngạc hơn là hiệu ứng ô tô, xe máy cháy lan hết từ tỉnh này đến tỉnh khác theo sự luân phiên, khiến người tham gia giao thông kinh hoàng.
Ban đầu các vụ cháy xe chỉ xảy ra với các xe của Honda cho nên nhiều người đặt ra giả thiết có thể hãng sản xuất xe danh tiếng này bị chơi xấu, nhưng sau đó là lần lượt các hãng xe khác ngoài honda sản xuất cũng bỗng dưng bốc cháy khi đang chạy khiến cho những nghi vấn trên dần dần bị loại bỏ và rơi vào quên lãng. Ngay sau những nghi vấn trên được sáng tỏ thì lại bùng lên nghi vấn xăng bẩn là kẻ gây cháy xe hàng loạt.
Chưa bao giờ việc cháy ô tô, xe máy lại diễn ra nhiều và dồn dập như vậy, khiến người dân bất an, lo lắng khi điều khiển xe ra đường. Trước liên tiếp các vụ cháy xe trên, Bộ Công an đã vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân gây cháy.
Hiện trường một vụ xe máy đang chạy cháy trơ khung sắt giữa Thủ đô.
Kết luận sơ bộ ban đầu của Bộ Công an cho thấy, các vụ cháy, nổ xe xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Với những vụ đã xác định được nguyên nhân gây cháy, nổ chủ yếu là do sự cố về chập điện; hoặc đang để trong khu vực bị cháy nên bén lửa; một số vụ ô tô, xe máy bị cháy nổ do bị tai nạn giao thông.
Ngoài ra, việc lưu hành xe quá cũ, quá tải, sử dụng nhiên liệu không đúng chủng loại; nhiều chủ phương tiện sau khi mua xe thường lắp thêm nhiều phụ kiện khác như còi, đèn, quá trình sử dụng bị hỏng, gây chập điện cũng dễ gây ra cháy nổ…
Mặc dù, đưa ra hàng loạt nguyên nhân như vậy, nhưng Bộ Công an cũng cho rằng, qua thực tế điều tra, xác minh các vụ cháy, nổ, cơ quan chức năng thấy đang có những khó khăn, bất cập ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kết luận nguyên nhân gây cháy, nổ, chủ yếu là: Số vụ cháy, nổ xảy ra do nhiều chủ phương tiện không trình báo cơ quan chức năng hoặc trình báo chậm nên lực lượng công an không nắm hết tình hình, chậm triển khai các biện pháp ban đầu để xác định nguyên nhân xảy ra.
Mặt khác, đa số các vụ cháy ô tô, xe máy hiện trường đều bị xáo trộn do cứu hỏa hoặc yêu cầu cần phải giải tỏa nhanh chóng lòng đường, tránh ách tắc giao thông nên lực lượng chuyên môn khó tiếp cận kịp thời hiện trường vụ cháy để thu thập dấu vết, thông tin phục vụ cho công tác xác minh điều tra, kết luận vụ việc.
Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Khương, Phó trưởng Khoa chữa cháy, trường Đại học Phòng Cháy chữa cháy cho rằng, nguyên nhân xuất phát cháy chủ yếu là do xăng rò rỉ hoặc hơi xăng thoát ra khỏi bình chứa bị hở, tiếp xúc với không khí tạo thành hỗn hợp cháy, khi gặp nguồn nhiệt thích hợp sẽ gây ra cháy, nổ.
Bên cạnh đó, nguyên nhân rò rỉ có thể do sơ xuất của người sử dụng như vặn bình xăng không chặt, bảo quản xe không tốt dẫn đến để chuột cắn thủng ống dẫn nhiên liệu… hoặc do sử dụng lâu ngày dẫn đến đường ống dẫn xăng vỡ nứt dẫn đến xăng bị rò rỉ. Những vị trí này, nếu gặp nguồn nhiệt thích hợp sẽ bùng cháy. Nếu chất lượng xăng không đảm bảo, xăng pha lẫn tạp chất cũng có thể tăng nguy cơ làm hư hỏng đường ống dẫn….
Tuy nhiên, TS Khương cũng cho rằng, để kết luận chính xác nguyên nhân của các vụ cháy rất cần sự phối hợp của người điều khiển phương tiện, vì chỉ họ mới có thể cung cấp các thông tin liên quan tới phương tiện, về những triệu chứng, hiện tượng gặp phải trong quá trình sử dụng trước khi xảy ra cháy nổ.
Trao đổi với VnMedia về nguyên nhân gây cháy hàng loạt ô tô, xe máy thời gian gần đây trên địa bàn cả nước, nhiều thợ sửa chữa xe chuyên nghiệp tại Hà Nội cho rằng, sở dĩ xe máy, ô tô đang chạy trên đường mà bốc cháy chủ yếu là do dây bơm kim xăng bị chuột cắn đứt cho nên khi xe chạy đánh tia lửa điện dẫn đến chập và cháy. Ngoài nguyên nhân trên, việc rò rỉ xăng ra ngoài khi xăng rơi vào các bộ phận nóng của xe cũng là nguyên nhân gây cháy.
Đúng là rất khó có thể tìm ra một nguyên nhân chung cho các xe máy, ô tô bị cháy. Với từng trường hợp cụ thể, có thể khiến xe bị cháy bởi nguyên nhân này hoặc nguyên nhân khác. Có thể là do chập điện, cũng có thể xe bị cháy do rò rỉ xăng dầu, sử dụng xăng dầu không đạt chuẩn, có thể xe cháy do lắp những bộ phận không thích hợp….
Cách tốt nhất để hạn chế tình trạng xe cháy bất ngờ là chủ phương tiện cần phải tích cực kiểm tra xe trước khi lưu hành. Nếu phát hiện xe bị rò rỉ xăng cần phải đem đi sửa chữa ngay.
- 5 điểm bắn pháo hoa Tết Dương lịch 2025 ở Hà Nội, đừng bỏ lỡ khoảnh khắc giao thời đặc biệt này
- Từ 1/1/2025, người dân ra đường vi phạm 2 lỗi này sẽ bị phạt nặng, tăng từ 30 lần đến 50 lần mức cũ
- Hà Nội sắp xây hơn 1100 căn nhà ở xã hội, nằm cụ thể ở đâu?
- Từ ngày 1/1/2025, Việt Nam sẽ chào đón 'thành phố trong thành phố' thứ hai
- Những chiêu trò lừa đảo mới dịp cận Tết, cần cảnh giác kẻo lại mất tiền oan
- Ai là người có mức lương hơn 10,3 tỉ đồng/năm ở TP HCM năm 2024?
- Đàm Vĩnh Hưng nói về vụ kiện với chồng ca sĩ Bích Tuyền: 'Ai tạo nghiệp người đó phải lãnh'
- Sau 1/1/2025, thẻ chưa xác thực sinh trắc học sẽ không rút được tiền từ máy ATM, có đúng không?
- Tin vui với người sinh năm 2000, 1985, 1965 khi làm căn cước công dân trong năm 2025
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí