Xã hội Việt Nam vẫn xem những người đồng tính (cộng đồng Gay/les – Pêđê) như một điều gì đó “bất bình thường” và có những thái độ phân biệt, kỳ thị.
Những người đồng tính nam trong trang phục nữ biểu diễn trên sân khấu |
Thời gian gần đây, giới tính thứ ba này đã có nhiều tiếng nói và dần hòa nhập với xã hội bằng những hình thức như mạnh dạn giãi bày với gia đình, tổ chức đám cưới rầm rộ, làm phim ngắn tung lên các trang mạng xã hội...
Có một hình thức khác để mọi người công nhận sự tồn tại của họ đã được làm từ rất lâu nhưng ít ai để ý, đó là những “gánh văn nghệ” trong các hội chợ trò chơi.
Được là chính mình khi lên sân khấu
Người dân ở mỗi khu có đoàn những người đồng tính đến tổ chức hội chợ trò chơi, văn nghệ, số lồng cầu quay (bán vé rồi quay số trực tiếp – PV) gọi nơi đó là “sân Pêđê” hay đoàn “Pêđê”. Đây là một hình thức giải trí có từ khá lâu ở các tỉnh Miền Nam. Mỗi đoàn tổ chức hội chợ như vậy thường có 6 đến 8 thành viên là người đồng tính. Các thành viên đến từ các tỉnh thành khác nhau rồi tập hợp lại đi theo một đoàn do có sự giới thiệu giữa những người trong giới.
Theo “dân trong nghề” thì ở tỉnh Khánh Hòa có khoảng 10 đoàn như vậy. Và loại hình biểu diễn kèm kinh doanh như thế này xuất hiện từ khá lâu, nó khởi nguồn từ miền Tây Nam bộ. Những chàng trai đồng tính trong những đoàn như thế này sẽ nắm vai trò chủ đạo trong những buổi giao lưu văn nghệ.
Họ mặc những bộ váy áo sặc sỡ của nữ giới để biểu diễn các bài hát, các màn tấu hài và kiêm luôn cả vai trò bán vé số và công bố người đoạt giải. Tất nhiên, những đoàn như vậy họ đã tiến hành đăng ký hoạt động ở các phòng văn hóa huyện, đến địa phương nào họ phải trình báo phường.
Người dân ở các khu phố, mỗi khi có đoàn hội chợ đến họ thường kháo nhau “đoàn Pêđê lại đến biểu diễn” và họ rủ nhau đi xem khá đông. Bà Nguyễn Thị Nga, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang cho biết: “Có đoàn này về biểu diễn ở đây cũng vui, người ta đi xem nhiều lắm. Ra được nghe ca nhạc miễn phí, lại được giải trí. Tôi với mấy bà trong xóm ngày nào cũng ra”.
Ở những thành phố lớn, sân chơi giải trí cho giới bình dân ít dần thì những hoạt động của “đoàn Pêđê” mang đến sự hứng khởi cho người dân. Những tối biểu diễn văn nghệ như vậy thường được sự hưởng ứng của người dân tất cả mọi lứa tuổi bởi không mất phí vào cổng. Ra đó ai thích chơi gì thì trả phí cho trò mình chơi.
Hoàng Anh (SN 1987, một người đồng tính đến từ Đồng Nai) đang theo đoàn của chị Đoàn Ngọc H tại TP. Nha Trang cởi mở chia sẻ về cuộc sống cũng như công việc hiện tại của mình. Anh cho biết đã tham gia đoàn được hơn 3 năm, trong đoàn có 6 người đến từ các tỉnh Đồng Nai, Long An, Cà Mau, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Số phận sinh ra họ đã mang trong mình dòng máu của giới tính thứ ba. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, họ tập hợp lại để tìm một nơi nương tựa về cả vật chất và tình cảm.
Hoàng Anh (tóc vàng) đang bán vé số trong đêm giao lưu hội chợ - một màn tấu hài của hai đồng tính nam
Hoàng Anh cho biết, hiện nay đa phần người dân đã không còn cái nhìn kỳ thị với những người như anh giống trước kia. Tuy nhiên, lác đác vẫn có những người thể hiện thái độ ra mặt. “Có một lần mấy đứa tụi em đang đi đường thì gặp mưa, chạy vào mái hiên của một người ven đường trú tạm. Được một lúc thì chủ nhà ra, nhìn dáng điệu tụi em và cách ăn nói thì họ lên tiếng đuổi đi. Lúc đó buồn lắm. Cuộc sống cũng nhiều người khác nhau, nhưng tụi em cũng là một thành phần của xã hội mà”.
Những người đồng tính nam bẩm sinh thường có những biểu hiện từ nhỏ và bị kỳ thị từ rất sớm, nhất là với những người có cử chỉ, dáng điệu, giọng nói mang hơi hướng của thiên tính nữ. Đây cũng là lý do để mọi người trêu đùa, chọc ghẹo thậm chí là khinh bỉ và xa lánh. Đa số những người lớn tuổi ít hiểu biết thường cấm các con mình chơi đùa với những người như vậy vì họ cho rằng con mình có thể bị ảnh hưởng hoặc “lây” “bệnh đồng tính” từ người khác.
Hoàng Anh cho biết, những người như anh thường than thân bằng một câu “sinh ra là kiếp đàn bà nhưng mang thân xác đàn ông”. Trên sân khấu biểu diễn, cay đắng mà nói ấy cũng chỉ là trò mua vui, làm dâu trăm họ, nhưng lúc ấy họ được là chính mình. Các chàng trai không ngại diện lên mình váy, áo hai dây và sải những bước đi khá uyển chuyển trên đôi giày cao gót. Họ tự do phô bày những cử chỉ, dáng điệu khiến người xem vui vẻ, thích thú. Điều đó cũng phần nào an ủi họ.
Trải lòng về tình cảm
Lưu Quang Hùng (SN 1989) cũng là “gay” trong một đoàn đang biểu diễn tại TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) cho biết về cuộc sống khép kín trước khi bước ra ngoài đời của mình: “Ai cũng lờ mờ nhận ra sự khác biệt của mình so với những người con trai bình thường trong gia đình mình. Đến tuổi 17, khi đang học cấp 3 thì mình nhận thấy mình có tình cảm với một bạn trai trong lớp mà không phải tình bạn thông thường.
Những suy nghĩ về giới tính khiến mình thấy tội lỗi và sống khép kín hơn. Rồi gia đình, bạn bè cũng biết, một số người thì cảm thông còn lại là ghẻ lạnh. Mình chỉ muốn chết hoặc trốn đi đâu đó thật xa. Nhưng khi gặp được đoàn biểu diễn có những người như mình thì như đã tìm được thế giới riêng của mình vậy”.
Hoàng Anh cũng kể về chuyện đời của mình, anh khác hẳn những bạn trai cùng trang lứa. Ngay từ lúc nhỏ, Hoàng Anh đã bộc lộ tính cách yếu đuối giống con gái, giọng nói và cách đi đứng cũng nhẹ nhàng. Những khác biệt này trở thành nguyên nhân cho trêu chọc từ bạn bè và sự ghẻ lạnh của những người thân. Những đấu tranh tâm lý, tình cảm trong lòng, Hoàng Anh chỉ dám chịu đựng một mình.
Học hết lớp 12, Hoàng Anh đi học nghề làm tóc, sau đó vì sở thích bay nhảy nên anh đã nhờ người quen hỏi giúp đi theo đoàn văn nghệ.
Anh cũng kể về một người bạn giống mình nhưng có cuộc đời bất hạnh hơn. Họ bị cha mẹ hành hạ khi biết mình lệch lạc về giới tính. Đến trường, cậu là trung tâm của sự trêu chọc. Mỗi khi ra chơi, các bạn thường xúm lại lột quần ra xem rồi ném đi. Hậu quả là ngày nào đi học, cậu ấy cũng bị lâm vào cảnh “nhông nhông”.
Lúc đầu trò đùa ấy xuất phát từ sự tò mò của các bạn đồng trang lứa, nhưng về sau nó càng táo bạo và dai dẳng khiến cuộc sống của bạn anh càng thêm khổ sở. “Cậu ta phải chịu đựng sự tủi hổ ấy suốt nhiều năm trời. Không có một ai đứng ra bênh cậu ta”, Hoàng Anh nói.
Khi tham gia vào những đoàn đi lưu diễn khắp nơi như thế này, Hoàng Anh cũng như Quang Hùng không ngần ngại bày tỏ rằng ai trong đoàn cũng “có đôi” cả. Họ bày tỏ công khai mối quan hệ của mình, còn sự phô bày tình cảm thì được giới hạn công khai do trưởng đoàn quy định. Trưởng các đoàn hội trợ và những người kinh doanh các gian hàng là người bình thường, họ sống hòa nhập với những người đồng tính, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày.
Nhiều người nghĩ rằng người đồng tính phải có một tình yêu thật khác thường, thật dị biệt, nhưng thật ra tình yêu của những người như Hoàng Anh, Quang Hùng cũng giống như bao cặp đôi không đồng tính khác. Họ kể rất nhiều về những mối tình của mình, cũng có những nốt thăng trầm như tình yêu nam nữ vậy...
Hoàng Anh chia sẻ: “Những đôi trai gái yêu nhau bình thường còn có nhiều phen bất hòa, cãi vã dẫn đến tan vỡ như chơi và chúng em cũng vậy. Bởi có ai là không thích được quan tâm, chiều chuộng, săn sóc, ai là con người cũng có lúc bị tổn thương, có khi hờn dỗi, không chừng là đành hanh đáo để... Thế nhưng nếu tình cảm giành cho nhau đủ lớn thì có thể vượt qua tất cả những chuyện đó”.
Mặc dù vẫn đang còn nhiều rào cản về nhận thức và tâm lý của xã hội phía trước, nhưng trong tương lai không xa đồng tính sẽ là một phần rất tự nhiên của cuộc sống và họ xứng đáng được tôn trọng hơn là chối bỏ, thừa nhận hơn là lãng quên. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, xã hội vẫn còn cái nhìn quá khắt khe với người đồng tính nên đa số họ phải che giấu thân phận thật của mình, đây cũng chính là nguy cơ tiềm ẩn của những bi kịch...
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%