Kẻ khóc người cười vì được... nghỉ Tết dài ngày
Chủ nhật, 19/01/2014 08:14

“9 ngày nghỉ Tết năm nay với tôi là 9 ngày đi “cải tạo không giam giữ”, chỉ mong Tết qua mau để được lên Hà Nôi đi làm”, chị Mai rầu rĩ.

Nhiều người hồ hởi vì được nghỉ Tết dài, nhưng cũng nhiều người 'đứng ngồi không yên'

Nhiều người hồ hởi vì được nghỉ Tết dài, nhưng cũng nhiều người 'đứng ngồi không yên'

Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTBXH đã ra thông báo chính thức về việc nghỉ Tết âm lịch Giáp Ngọ 2014 và hoán đổi ngày nghỉ hàng tuần vào các dịp lễ năm 2014.

Riêng dịp nghỉ Tết âm lịch: Cán bộ, CCVC và NLĐ của các cơ quan HCSN, tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là CCVC) sẽ đi làm bù vào thứ bảy (25/1/2014) và thứ bảy (8/2/2014), để nghỉ hoán đổi vào thứ ba (28/1/2014) và thứ tư (29/1/2014). Như vậy, CCVC được nghỉ 9 ngày liên tục, từ thứ ba (28/1/2014) đến hết thứ tư (5/2/2014) - tức từ ngày 28 tháng Chạp năm Quý Tỵ đến hết ngày 6 tháng Giêng năm Giáp Ngọ.

Như vậy, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2014 không chênh lệch nhiều so với một vài năm gần đây. Nhưng thời gian nghỉ được cho là khá dài (9 ngày với người lao động, 16 ngày với học sinh) đã tạo ra những phản ứng, đón nhận khác nhau từ phía dư luận.

Chị Thảo, nhân viên văn phòng tại Hà Nội háo hức: “Quê mình ở Lào Cai, lấy chồng mãi trong Sài Gòn, năm nào hai vợ chồng cũng cãi nhay về cái khoản ăn Tết bên nội hay bên ngoại. Năm nay được nghỉ Tết dài, cái khoản cãi nhau ấy cũng bỗng dưng biến mất. Hai vợ chồng đang “bận” lên kế hoạch xem Tết năm nay về nhà nội sẽ đi du lịch những đâu. Chỉ ước gì Tết năm nào cũng được nghỉ dài như năm nay”.

Cùng tâm trạng với chị Thảo là chị Yến, kế toán của một công ty tư nhân. Quê chồng và quê đẻ chị Thảo đều ở Nghệ An nên không phải cãi cọ với chồng về khoản ăn Tết ở đâu “Nhưng mọi năm nghỉ Tết ít ngày hơn nên về nhà đi chúc Tết nội ngoại cũng đi veo mấy ngày Tết. Năm nay lịch nghỉ Tết dài, tha hồ mà đi chơi”, chị Yến hồ hởi cho biết.

Trái với vẻ hồ hởi của nhiều chị em thì cũng có nhiều người “đứng ngồi không yên” vì lịch nghỉ Tết... dài ngày.

Chị Mai (Long Biên, HN) cho biết, quê chồng chị ở Hòa Bình, Tết là khoảng thời gian “ác mộng” của chị. Bố mẹ chồng chị là người khó tính nên luôn xét nét từng việc làm, lời nói của con dâu, Tết nào về nhà chồng chị cũng luôn phải là người đi ngủ muộn nhất và... rời giường sớm nhất, đã vậy bên nhà chồng cứ Tết đến là tụ tập chè chén liên miên, Tết năm nào chị với mẹ chồng cũng “gãy sống lưng” vì nấu nướng, rửa bát “9 ngày nghỉ Tết năm nay với tôi là 9 ngày đi “cải tạo không giam giữ”, chỉ mong Tết qua mau để được lên Hà Nôi đi làm”, chị Mai rầu rĩ.

Nghỉ Tết dài cũng là lúc nhiều gia đình thành phố sốt vó vì sợ người giúp việc nghỉ lâu. Vin vào cớ “Nhà nước quy định cho nghỉ dài”, người giúp việc nhà chị Giang (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đề xuất năm nay về nghỉ Tết… 1 tháng, từ giữa tháng Chạp đến qua rằm tháng Giêng.

Nài nỉ thế nào, hết dụ tăng lương đến hứa mừng tuổi đậm, người giúp việc nhà anh chị vẫn khăng khăng đòi về, còn dọa: “Cô chú ép quá là tôi về luôn đấy!”. Nhà đã qua 5 - 6 đời “osin” mới tìm được bà giúp việc này ưng ý, chị cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Vài ngày nữa là người giúp việc về quê, chị Giang phải “vắt chân lên cổ” đi tìm người “trám” chỗ trong thời gian này. “Có mấy người đòi 400.000 đồng/ngày hoặc 10 triệu/tháng Tết, vợ chồng tôi cũng đồng ý, nhưng họ đến nhà thấy bố mẹ tôi già yếu, khó tính lại hơn lẫn nên không nhận nữa. Chẳng biết mấy hôm nữa thế nào đây” – chị ngao ngán kể.

Cũng có nhà, để níu chân giúp việc ở lại chăm con, giúp việc trong Tết đã tăng lương gấp 3 lần trong tháng Tết và cho người giúp việc nghỉ 1 tuần liền trước Tết để về quê thăm gia đình.

Tết không chỉ là nỗi lo với những người có gia đình, con cái mà còn là nỗi ám ảnh với những người ở độ tuổi “bom nổ chậm” mà vẫn chưa có ai. Với họ, Tết về cũng là lúc già thêm một tuổi và chịu thêm những lời hỏi han từ gia đình.

Với cánh mày râu, dù nghỉ Tết có dài và bị gia đình “quan tâm” quá mức đến chuyện vợ con, họ vẫn có cách né như ậm ờ “còn lo sự nghiệp”, “chưa tìm được ai hợp” hay “chưa có nhà chưa lấy được vợ” để giải thích, cùng lắm thì bỏ đi chơi với anh em bạn bè, qua nhà này nhà kia nhậu để trốn gia đình, làng xóm.

Nhưng với những phụ nữ đã đến cận kề hoặc quá tuổi “băm”, Tết cũng là thời điểm khủng hoảng vì bị “truy sát” chuyện chồng con. Chị Thu Huyền (nhân viên truyền thông, quê Hà Giang) bày tỏ: “Năm ngoái nghỉ Tết ngắn, tôi lấy cớ bận công việc nên chỉ về 3 ngày rồi trở lại Hà Nội mà đã đau đầu vì cả nhà và hàng xóm cứ nhìn thấy mặt là hỏi chuyện cưới xin. Tôi đành phải nói dối là có người yêu rồi, nhưng anh ấy đi công tác nên không cùng về được.

Năm nay vừa biết tin nghỉ Tết dài, bố mẹ tôi đã gọi lên bảo đem người yêu về ra mắt, còn khoe đã chuẩn bị phòng ốc cho anh ấy đầy đủ rồi, không việc gì phải ngại. Mẹ tôi còn bảo thế nhà trai đã có ý gì chưa, để mẹ đi xem ngày (!)”.

Chép miệng, chị tiếp: “Kiểu này Tết đến không biết mượn ai về làm “bình phong” đây. Bằng tuổi tôi, lũ bạn ở quê đã con đàn con đống, mình cũng thuộc dạng xinh xắn mà lại muộn chồng, ở làng người ta nghĩ ra đủ chuyện làm bố mẹ tôi lo sốt vó. Con gái lớn rồi mà chưa có người yêu, về quê ăn Tết đúng là khổ!”.

Nguoiduatin.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Nghỉ Tết 2014 , Tết Nguyên đán 2014 , Lịch nghỉ Tết , Tàu xe , Việc làm Tết , Osin Tết