Dự án Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè xử lý ô nhiễm cho toàn bộ khu vực trung tâm TP.HCM và khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai được nghiên cứu cách đây hơn chục năm, song đến nay vẫn “nằm trên giấy”.
|
Sự chậm trễ này khiến hàng triệu người dân TP.HCM đối mặt nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng khi dự án Vệ sinh môi trường (VSMT) giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị thu gom toàn bộ nước thải từ kênh Nhà máy xử lý nước thải (NMXLNT) xả tập trung ra sông Sài Gòn.
Sự chậm trễ trong việc triển khai xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè khiến tình trạng ô nhiễm ở TP.HCM tăng cao - Ảnh: Diệp Đức Minh
Lúng túng nguồn vốn
Dự án VSMT giai đoạn 2 gồm 2 hợp phần: Tuyến cống bao chuyển nước thải từ giếng bờ đông sông Sài Gòn (sau trạm bơm lược rác ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh) đến NMXLNT; tuyến cống thu gom này cũng sẽ được kết nối với hệ thống cống trong Q.2. Hợp phần 2 gồm NMXLNT NLTN nhằm xử lý triệt để nước thải từ lưu vực NLTN và Q.2 trước khi đổ ra sông Sài Gòn. Ông Nguyễn Ngọc Công, Phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (chủ đầu tư), cho biết hiện dự án đang trong quá trình xác định hướng tuyến cống bao để UBND Q.2 tiến hành công tác đền bù giải tỏa.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề tìm kinh phí đầu tư lên đến 470 triệu USD. Theo ông Công, các cơ quan chức năng đang tiến hành đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB - nhà tài trợ vốn ODA cho giai đoạn 1) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để tiếp tục xin tài trợ ODA cho giai đoạn 2. Nếu thuận lợi, dự kiến đến năm 2014 mới có thể khởi công xây dựng nhà máy.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, thời gian qua, chủ đầu tư đã có sự lúng túng trong việc lựa chọn nguồn vốn đầu tư cho dự án, cũng là một trong những nguyên nhân làm tiến độ chậm. Cụ thể, việc xây dựng NMXLNT NLTN đã được WB ủng hộ về mặt nguyên tắc, đưa vào chương trình cho vay ưu đãi ODA. Thế nhưng, cuối năm 2010, chủ đầu tư lại có văn bản đề nghị UBND TP.HCM giao Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Theo đó, Phú Điền sẽ xây dựng nhà máy theo công nghệ mới, chỉ chiếm khoảng 15 - 20 ha đất, tiết kiệm so với công nghệ đề xuất trước đó chiếm đến 45 ha. Với phần đất dư còn lại là 25 - 30 ha, Phú Điền đề xuất sử dụng làm quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư. Tuy có văn bản đề nghị TP cho phép đầu tư theo hình thức BT, song chủ đầu tư cũng đồng thời tham mưu cho UBND TP kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét bố trí vốn ODA cho dự án (?!).
Ô nhiễm và lãng phí
Trước sự thiếu rõ ràng của chủ đầu tư trong việc lựa chọn nguồn vốn, Sở Kế hoạch - Đầu tư có văn bản đề nghị Trung tâm điều hành chương trình chống ngập chính thức trả lời về việc dự án NMXLNT NLTN sẽ được thực hiện theo hình thức nào. Đồng thời, Sở cũng đề nghị trung tâm cần có sự đánh giá về hiệu quả đầu tư dự án khi vay vốn ODA để so sánh với hình thức BT.
Cần biết, vốn ODA của WB tài trợ cho các dự án về môi trường bao giờ cũng cực kỳ ưu đãi về lãi suất (thường là 0,75%/năm) lẫn thời gian trả nợ (thường là 40 năm, ân hạn 10 năm). Trong khi đó, nếu sử dụng vốn tư nhân với số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng chưa chắc đã khả thi trong bối cảnh lãi suất vay thương mại rất cao như hiện nay.
Việc xây dựng NMXLNT NLTN được đánh giá là cực kỳ cấp bách, đòi hỏi tìm kiếm một nguồn vốn ưu đãi, liên tục để đảm bảo hoàn thành dự án sớm nhất. Bởi lưu vực NLTN nằm ở trung tâm TP.HCM, là nơi sinh sống của hơn 1,2 triệu dân, đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, sau khi dự án VSMT giai đoạn 1 cơ bản hoàn thành, toàn bộ lượng nước thải tại đây được thu gom và xả tập trung ra sông Sài Gòn mà chưa qua xử lý sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng. Mặt khác, do đã có chủ trương thu gom toàn bộ nước thải Q.2 về NMXLNT NLTN nên chủ đầu tư các dự án trong KĐT Thủ Thiêm không tiến hành xây dựng các NMXLNT nữa. Chưa hết, vì NMXLNT NLTN triển khai quá chậm trễ nên Ban quản lý KĐT Thủ Thiêm vừa đề xuất xây 5 trạm xử lý nước thải dùng tạm trong thời gian chờ NMXLNT NLTN. Như vậy, việc chậm trễ xây nhà máy không những đe dọa ô nhiễm cho sông Sài Gòn mà còn gây lãng phí do phải xây dựng các công trình sử dụng tạm trong thời gian ngắn.
Công suất 800.000 m3/ngày đêm
NMXLNT NLTN do Công ty tư vấn SCE (Pháp) thiết kế, dự kiến rộng tối thiểu 45 ha, tại P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, công suất 800.000 m3/ngày đêm. Nhà máy sử dụng công nghệ bùn hoạt tính, tiêu chuẩn nước thải sau khi xử lý đạt loại A (có thể sử dụng làm nước sinh hoạt). Theo trung tâm chống ngập TP, việc mở rộng diện tích đất sẵn có từ 35 ha lên 45 ha gặp nhiều khó khăn. UBND TP đã giao trung tâm đề xuất tham mưu mở rộng nhà máy theo phương án tối ưu, hạn chế thu hồi đất quy hoạch cây xanh, tính toán lại chi tiết cần thiết để mở rộng...
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%