Gậy Trường Sơn - huyền thoại của một thời chiến tranh ác liệt, ra đời từ ý tưởng của một người lính trẻ thông minh có tên Phùng Văn Quán. Huyền thoại ấy, ngày ấy - bây giờ vẫn sống cuộc đời bình dị.
|
Huyền thoại ra đời
Nằm khuất sâu trong con ngõ nhỏ của làng Hòa Xá, xã Hòa Xá (Ứng Hòa - Hà Nội) là nhà của người lính Trường Sơn năm xưa Phùng Văn Quán. Trên ban thờ chính giữa, chiếc gậy Trường Sơn “khai sinh” hiện lên như một linh vật. Ông Quán đã thờ chiếc gậy ấy bao nhiêu năm nay như thờ một nhân chứng bất tử.
Đã trên 50 năm, đường Trường Sơn được mở, con đường huyền thoại đã đưa hàng triệu thanh niên miền Bắc vào Nam chiến đấu. Năm 1961, Phùng Văn Quán xung phong vào nơi khói lửa để làng không mang tiếng là “Hà chuồn”. Năm 1963 Quán phải xuất ngũ vì sốt rét. Sau 2 năm dưỡng bệnh, Quán viết thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp xin tái ngũ. Mấy hôm sau, Đại tướng đã hồi âm: “Đồng chí cứ chuẩn bị tinh thần”.
Ít lâu sau, Quán cùng 2 người bạn là Lưu Tiến Long và Đỗ Tít tái ngũ vào chiến trường miền Nam. Đường núi hiểm trở nên chỉ một chút sẩy chân cũng có thể dẫn đến cái chết. Bom trên đầu, cọp trong bụi luôn khiến người lính phải cảnh giác trong từng phút giây.
Để thực hiện kế hoạch di chuyển thần tốc trên đường Trường Sơn, các chiến sĩ phải thực hiện việc nghỉ tạm (đứng tại chỗ) giữa đường. Hành trang người lính vác trên vai hàng chục kilôgam nên khi nghỉ tạm thường bị đau vai ê ẩm. Trong một lần như thế, Quán đã thông minh rút dao găm chặt một cây rừng cứng dài 1,2m làm phương tiện đỡ tạm chiếc ba lô.
Sau hướng dẫn của Quán, Đỗ Tít chọn một cây trúc già, Lưu Tiến Long phang một cây tre đực ven đường... và cuộc hành quân của 3 chàng trai Hòa Xá diễn ra phăng phăng trong rừng đá. Tranh thủ những lúc được nghỉ, họ dùng dao găm cẩn thận khắc lên gậy những dòng chữ đầy chí khí. Ở thân giữa cây gậy của Phùng Văn Quán khắc dòng chữ: Thà quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Cuối gậy dòng chữ nhỏ hơn ghi: Trường Sơn mùng 1/4/1967. Riêng gậy của chiến sĩ Lưu Tiến Long được thiết kế một lỗ nhỏ dùng để... hút thuốc.
Ngoài tác dụng là giá đỡ ba lô, cây gậy còn giúp các chiến sĩ chống khi lên xuống đường lô nhô đá, đường trơn bùn lầy. Thậm chí, gậy còn là phương tiện trợ lực khênh cáng bệnh binh và lúc bất ngờ đánh giáp lá cà với địch.
Khi vào đến chiến trường, ba chàng trai Hòa Xá tình cờ gặp đồng hương là Phùng Tuấn (Đoàn 559) và Phùng Lưu (quân tình nguyện Lào) là chú họ của Quán. Hai người đồng hương đang chuẩn bị có chuyến ra Bắc nghỉ phép (sau này cả 2 đều hy sinh, phần mộ 2 liệt sĩ vừa được tìm thấy tại Lào nhưng chưa có điều kiện đưa về quê hương - PV) và thực hiện công tác hậu cần do đơn vị giao.
Sau những phút tâm sự ngắn ngủi, muốn gửi về quê hương vật kỉ niệm để gia đình yên tâm nhưng không có gì đáng giá, họ quyết định gửi 3 cây gậy đã cùng trai Hòa Xá “xẻ dọc Trường Sơn”.
“Lửa” từ gậy Trường Sơn
Thật không ngờ, sau khi Phùng Tuấn và Phùng Lưu đem 3 cây gậy về trao cho gia đình và hoàn thành sự ủy thác của đồng hương đã mang lại sức mạnh tinh thần kỳ diệu. Phong trào “Vai đeo 25 cân, chân đi ngàn dặm, vượt suối băng ngàn; Tiền tuyến cần một, Hòa Xá có 2, đã đi là đến, đã đến là đánh thắng” thu hút từ nam - phụ - lão - ấu với các “Phân đội dự bị - Hành quân mang nặng đường dài”. Các phụ lão thành lập “Bạch đầu quân” chuyên làm gậy, đan sọt và mũ rơm phát cho thanh niên tập luyện. Cứ mỗi lần thanh niên Hòa Xá lên đường nhập ngũ, các bô lão lại trao cây gậy khắc dòng chữ: “Gậy này là gậy Trường Sơn/Của trai Hòa Xá lên đường tòng quân” thay cho lời nhắn trọn lời thề với Đảng với dân.
Một ngày trong rừng, Quán tình cờ nghe được bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” qua radio. Anh lính sung sướng chạy khắp nơi khoe đồng đội nhưng lúc này, người bạn thân Đỗ Tít đã hy sinh.
Năm 1970, trong một trận chiến ác liệt, Quán bị thương phải đưa ra Nghệ An điều trị rồi xuất ngũ ngay trong năm đó. Đất nước chưa thống nhất, Quán muốn một lần nữa tái ngũ nhưng ngôi nhà một mẹ một con trống vắng nên Quán phải lấy vợ cho đỡ cô quạnh lòng mẹ già.
Báu vật vô giá
Cuộc sống đè nặng đôi vai người cựu binh thương tật cùng với nỗi buồn khi con cái đứa nào đứa nấy đều có phần khuyết tật do ảnh hưởng chất độc da cam. Vợ chồng ông Quán ki cóp, làm việc quần quật để xây một ngôi nhà 4 gian trong vòng 10 năm mới hoàn thành. Cùng những lo toan tất bật thời bao cấp đã khiến ông chẳng thể tỉnh táo để nhớ đến chiếc gậy Trường Sơn.
Đến một ngày, nhà truyền thống địa phương phải sửa chữa, 3 chiếc gậy được cất tạm trong văn phòng UBND xã. Nhưng khi ông đến thì tỉnh đã mượn 2 chiếc để trưng bày, còn một chiếc để lại cho xã... Và rồi, một thời gian sau ông được tin báo: Chiếc gậy Trường Sơn đã bị mất.
Rất may, con gái ông lấy chồng gần nhà cụ Dương cùng thôn Hòa Xá đã tình cờ thấy chiếc gậy khi cụ Dương sang chơi. Năm 2004, ông Quán đã đổi lại gậy Trường Sơn bằng một cây trúc già để cụ Dương chống tạm.
Sau bao nhiêu năm lưu lạc, chiếc gậy huyền thoại lại trở về với chủ nhân xưa. Ông coi chiếc gậy ấy như một báu vật vô giá nên đã tự tay làm một chiếc bao bằng vải nhung để bảo quản, chống mối mọt, bụi bặm. Chỉ ngày rằm, mùng một hay những ngày lễ lớn ông mới đem ra đặt trên bàn thờ để thắp hương. Chiếc gậy Trường Sơn đầu tiên của nước ta sau 46 năm đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
- 7 ngày nữa nếu muốn xuất nhập cảnh, công dân bắt buộc phải thực hiện quy định mới này
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/7/2025, đối tượng nào được hưởng lợi khi trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần mức cũ
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành