Hôn nhân đồng giới – Sợ nên cấm
Thứ hai, 26/08/2013 09:44

Khái niệm đồng giới không còn xa lạ hiện nay, các nghiên cứu khoa học, các thí nghiệm, thống kê đã đưa ra những khẳng định đồng giới là hiện tượng tự nhiên.

Đồng giới là một hiện tượng tự nhiên, không còn là bệnh hoạn, lệch lạc đạo đức như thời gian trước đây. (Ảnh minh họa).

Đồng giới là một hiện tượng tự nhiên, không còn là bệnh hoạn, lệch lạc đạo đức như thời gian trước đây. (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, khi mà việc kết hôn của một nam, một nữ là một câu chuyện không xa lạ thì hôn nhân đồng giới tại Việt Nam, cho đến thời điểm hiện nay vẫn là một vấn đề bị dè chừng; các dự thảo về vấn đề này chỉ mới dừng lại ở kiến nghị là đăng ký sống chung. Lý do được đưa ra: là trái truyền thống, phá vỡ tính ổn định của xã hội; không thực hiện được chức năng của gia đình…..

Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association – APA) không đưa ra lý giải khoa học cho hiện tượng đồng tính mà chỉ nêu các dẫn chứng, nghiên cứu để đưa đến kết luận có tính chất hiển nhiên về sự tồn tại của khuynh hướng tình dục đó, nhằm loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi các bệnh về rối loạn tâm thần và hướng dẫn xã hội giúp đỡ những người đồng tính luyến ái hoà nhập cộng đồng để có cách nhìn cảm thông hơn với những người này. Tiếp đó, ngày 17/5/1990 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xoá bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách các bệnh tâm thần – đây là dấu mốc quan trọng góp phần hạn chế những quan niệm sai lầm về người đồng tính.

Theo sát những dự thảo, kiến nghị liên quan đến quyền kết hôn của đồng tính có thể thấy phần lớn đã nhìn nhận đồng giới là một hiện tượng tự nhiên, không còn là bệnh hoạn, lệch lạc đạo đức như thời gian trước đây. Tuy nhiên, điều này là chưa đủ để pháp luật Việt ghi nhận hôn nhân đồng giới? Câu hỏi đặt ra là vì sao? Vì sao đã thừa nhận nhưng không ghi nhận?

Trái với những giá trị truyền thống của dân tộc

Truyền thống sinh ra để ghi nhận những giá trị tốt đẹp, nhân văn của cộng đồng dân tộc, của đất nước nhưng không thể để truyền thống kìm hãm sự phát triển, ghi nhận những giá trị mới. Truyền thống do con người sinh ra thì sẽ do chính con người thay đổi, đừng lấy màn che là truyền thống bởi lẽ chẳng có truyền thống nào lại ghi nhận là đi miệt thị, xem thường, đối xử bất bình đẳng với đồng loại của mình. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban-ki-moon đã từng nói “Không thể dùng văn hóa, truyền thống để chống lại quyền con người” – quyền kết hôn của người đồng tính là quyền con người, là một trong những quyền công dân cơ bản.

Không thực hiên được chức năng của gia đình

Chức năng quan trọng nhất của gia đình sinh đẻ, duy trì nòi giống – điều này hiển nhiên không thể thực hiện được trong các gia đình đồng giới, đặc biệt là cặp đồng giới nam. Nhưng không thể khẳng định việc pháp luật không công nhận hôn nhân đồng giới sẽ duy trì được chức năng chính của gia đình và ngược lại. Bởi lẽ:

- Cấm liệu người đồng giới sẽ quay trở lại làm nam hoặc làm nữ để xây dựng một gia đình như truyền thống? Đồng tính hoàn toàn là một hiện tượng xuất phát tự nhiên nên cho dù pháp luật có điều chỉnh thế nào thì họ sẽ vẫn là người đồng tính, họ sẽ vẫn  yêu thương nhau, gắn kết với nhau, và sống chung như vợ chồng như pháp luật không cấm với nhau. Mặt khác, dồng giới không phải là một xu thế mới xuất hiện nay, mà đã xuất hiện từ cách đây rất lâu trong lịch sử và thực tế là việc duy trì hay phát triển nòi giống vẫn diễn ra rất bình thường thậm chó có những giai đoạn mức gia tăng dân số tự nhiên ở mức cao.

- Yếu tố quan trọng nhất của quan hệ hôn nhân theo luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam là tự nguyện, xuất phát từ tình yêu để qua đó duy trì gia đình ấm no, hạnh phúc là tế bào quyết định đến tầm phát triển của toàn xã hội. Liệu rằng, pháp luật không công nhận hôn nhân đồng giới và muốn họ duy trì tiếp tụ hôn nhân truyền thống thì liệu có đảm bảo được yếu tố hôn nhân xuất phát từ tình yêu, từ sự tự nguyện của các bên hay không? Và liệu gia đình như vậy có đảm bảo được yếu tố lâu bền? hay thậm chí còn để lại những hậu quả, hệ lụy còn đáng tiêc hơn.

Đáng tiếc hơn ở đây là với việc pháp luật ngăn cấm và sẽ có một bộ phận người đồng tính họ không giám công khai con người thật của mình và im lặng sống một cuộc sống như một nam hay nữ bình thường, vẫn kết hôn người khác giới vẫn sinh con và xây dựng lên một gia đình kiểu mẫu theo phong tục và tập quán của Việt Nam, thế nhưng cái gì thuộc về bản chất tự nhiên rồi sẽ về với tự nhiên lúc này khi họ sống thật với con người mình không chỉ ảnh hươgr đến chính cuộc sống của họ mà còn của vợ chồng, con cái họ. Xây dựng một gia đình miễn cưỡng thì tất yếu sẽ dẫn đến đổ vỡ và nhìn ra nguyên nhân sâu xa mà nói người ép buộc họ phải làm như vậy chính là quy định của pháp luật và sự kì thị của xã hội.

Phá vỡ sự cân bằng giới trong xã hội.

Một số không ít người cho rằng, nếu pháp luật công nhận hôn nhân đồng tính thì một bộ phận thanh thiếu niên thích “theo phong trào”, “theo thời đại”, thích nổi bật sẽ như nhận được “sự ủng hộ” và bắt đầu ăn mặc, thể hiện như người đồng tính và gia nhập vào cộng đồng của những người đồng tính; hay những người hụt hẫng về tâm lý, gặp chuyện bế tắc trong công việc, gia đình…có sự huyễn hoặc về giới tính của mình. Như vậy số lượng thành viên trong cộng đồng người đồng tính càng tăng lên, tăng về số lượng mà không đúng về “chất lượng. Nhưng đồng tính là một trạng thái tâm lý tự nhiên, bản thân nó là như vậy, không phải bạn hay một ai đó thích “sự mới lạ” thì có thể trở thành người đồng tính. Một quy luật tất yếu là bất kì một trào lưu nào cũng sẽ trở về với bản chất của nó, do vậy bất kì một sự chạy đua,  một phong trào đồng giới của những người không phải đồng tính rồi sẽ quay lại với chính bản chất của nó.

Điều 1, Tuyên ngôn nhân quyền 1948 có quy định “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái”. Được sống, được tự do, được mưu cầu hạnh phúc là những quyền con người cơ bản được ghi nhận trong bất kì hiến pháp của quốc gia nào – quyền này phải được đảm bảo cho tất cả mọi người, mọi giới trong đó có người đồng tính. Không thể vì họ yêu ai, vì họ nhìn như thế nào, vì họ cư xử ra sao mà kì thị, không ghi nhận quyền con người của họ, điều này vô hình đang tạo nên sự bất bình đẳng trong pháp luật và xã hội.

Sự dè chừng, cầu toàn để bảo vệ thứ gọi là giá trị truyền thống, là tính ổn định đã bỏ qua đi quyền bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc mà vốn dĩ không một ai, không một thiết chế nào có thể xâm phạm.

Nguyễn Thị Thu Trà

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Đồng tính , Đồng giới , Kết hôn đồng giới , Việt Nam , Miệt thị , Bất công