Hôn nhân đồng giới: Không duy trì được nòi giống
Thứ sáu, 03/08/2012 10:35

Nếu được chính phủ thông qua và chấp nhận những đám cưới đồng giới, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia châu Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

‘Chú rể’ và ‘cô dâu’ làm đúng các thủ tục trong lễ cưới bình thường

‘Chú rể’ và ‘cô dâu’ làm đúng các thủ tục trong lễ cưới bình thường

Bất chấp những lời đồn đại, ánh mắt nhìn xoi mói... và cả Luật pháp, một số cặp đôi đồng tính đã công khai tổ chức hôn lễ để minh chứng cho tình yêu "đích thực" của mình. Có những người đã có gia đình, nhưng vẫn rũ bỏ tất cả để chạy theo tiếng gọi từ con tim, từ tình yêu. Không thể sống mãi với vỏ bọc giả tạo Lê Thị Phương (Cà Mau) đã kết hôn với Kim Phượng (TP. HCM). Trong đám cưới đồng giới này người thân duy nhất trong gia đình "chú rể" Phương chỉ có bố, cùng anh trai của câu dâu Phượng đến dự.

Có rất nhiều ý kiến trái chiều từ những đám cưới đồng giới, có người thì cảm thông, người lên án: Chị Minh Hà nhân viên một công ty truyền thông chia sẻ: "Nhìn thấy những người đồng tính mình lại thấy thương, đó là một sự không công bằng của tạo hóa. Con người sống cần phải có tình yêu thương và những người đồng tính cũng vậy, chỉ khác chăng là họ mang vẻ bề ngoài trái với tính cách của họ thôi. Chị nghĩ xã hội nên có cái nhìn "mở" và cảm thông hơn cho họ...".

Còn bác Xuân Giang (Xuân Đỉnh, Tây Hồ, Hà Nội) lại rất khắt khe với những đám cưới đồng giới, bác bộc bạch: "Không thể chấp nhận được những đám cưới như vậy, từ xưa tới nay "trai lớn gả vợ, gái lớn gả chồng" chứ đâu có "loạn" mà gái gả cho gái, trai gả cho trai. Bác là bác không chấp nhận và Luật pháp của Việt Nam cũng sẽ không chấp nhận...".

Xoay quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty tư vấn Đông Đô (Đ/C: Phòng 204, nhà A6B, KĐT Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội), đơn vị chuyên tư vấn luật doanh nghiệp, đầu tư, sở hữu trí tuệ, Dân sự, Hôn nhân và gia đình về vấn đề này:

PV: Gần đây báo chí Việt Nam có nhắc đến rất nhiều những đám cưới đồng tính, và dường như nhận thức của người VN đã “thoáng” hơn trong vấn đề này, luật sư thấy vấn đề này như thế nào?

Luật sư Hoàng Trọng Giáp: Tôi cho rằng không hẳn là nhận thức người Việt Nam đã “thoáng” hơn hay chưa trong vấn đề này, mà là do gần đây báo chí đã đưa lên 1 số sự kiện “đám cưới đồng tính”. Khi dư luận đọc được thì cũng thấy thông cảm cho “những người đồng tính” mà thôi. Cá nhân tôi nhận thức “hôn nhân đồng giới” là chưa cần thiết khi dư luận phần lớn không chấp nhận những người đồng tính tìm đến nhau.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty tư vấn luật Đông Đô

PV: Ở cương vị là luật sư tư vấn luật, ông đã bao giờ gặp phải trường hợp các cặp đôi đồng tính đến nhờ tư vấn luật hôn nhân chưa?

LS: Cho đến hiện tại, tôi chưa nhận được bất kỳ yêu cầu tư vấn về hôn nhân gia đình nào từ các “cặp đồng tính”. Và tôi cho rằng hiện tại và sau này sẽ không có cặp đồng tính nào lại đến văn phòng luật sư (VPLS) để tư vấn Luật về Hôn nhân gia đình bởi vì:

- Theo pháp Luật (Luật hôn nhân gia đình 2000) hiện nay không công nhận “hôn nhân đồng tính”, về dư luận xã hội thì hiện nay phần lớn không chấp nhận nên các “cặp đồng tính” thường giấu kín quan hệ, không để người khác biết và bàn tán về mình.

- Về quan hệ gia đình: Các cặp đồng tính không thể sinh con với nhau, nếu là nhận con nuôi thì cặp đồng tính chỉ có thể là cha, hoặc là mẹ. Chứ không thể gọi là cha nuôi và mẹ nuôi được.

- Về tài sản: Các cặp đồng tính có thể sống với nhau, nếu có tài sản chung thì cũng chỉ là quan hệ tài sản chung như 2 cá nhân với nhau, chứ không thể coi là tài sản chung “vợ chồng” được. Vì vậy, nếu có tranh chấp thì Toà án sẽ loại trừ căn cứ Luật hôn nhân gia đình khi giải quyết. Vì vậy sẽ gần như không có tư vấn về pháp luật hôn nhân và gia đình nào cho các “cặp đồng tính” hiện nay cả.

PV: Nếu được chính phủ VN hợp phức hóa và chấp nhận những đám cưới của người đồng giới và điều này được thông qua, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia châu Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, ông có ý kiến gì về vấn đề này không ạ?

LS: Đúng, vấn đề này hiện nay đang có nhiều ý kiến trái chiều và quyết định sẽ do Quốc Hội. Cá nhân tôi cho rằng việc công nhận hôn nhân đồng giới sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ cho xã hội, dư luận xã hội sẽ không dễ dàng chấp nhận và trong tương lai sẽ mất cân bằng về độ tuổi vì “hôn nhân đồng giới” không thể sản sinh ra thế hệ trẻ, không duy trì được nòi giống.

PV: Nhiều người cho rằng “đồng tính luyến ái” là một “tệ nạn xã hội”, Luật sư có nghĩ như vậy không?

LS: Pháp luật hiện nay không có quy định “đồng tính luyến ái” là một tệ nạn xã hội. Trong luật hôn nhân gia đình năm 2000 cũng chỉ quy định về “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn” (Theo khoản 2 điều 8 – Luật Hôn nhân và Gia đình 2000). Tức là, chỉ quy định không có “hôn nhân đồng giới” chứ không quy định là 1 loại tệ nạn nào cả.

Cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này!

Đến giữa tháng 6/2012, hôn nhân đồng tính đã được chính thức công nhận tại 11 quốc gia, gồm: Argentina, Bỉ, Bồ Đào Nha, Cananda, Đan Mạch, Hà Lan, Iceland, Na Uy, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Điển. Trong đó, Hà Lan là quốc gia đầu tiên cho phép (từ năm 2001). Ngoài ra, ở Mỹ, Úc và Mexico, hôn nhân đồng tính được công nhận ở vài bang, vùng.

 

Song An
Tag: Hôn nhân , Đám cưới đồng tính , Đồng tính , Đồng giới , Luật hôn nhân