Hôm nay, công bố nguyên nhân cháy xe
Thứ năm, 26/04/2012 08:28

Theo chỉ đạo của Chính phủ, sáng nay, 26/4, Bộ Công an tổ chức họp báo công bố nguyên nhân bước đầu dẫn tới các vụ cháy xe xảy ra trong thời gian vừa qua.

Hôm qua (25/4), Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo cũng để tìm nguyên nhân dẫn đến cháy xe.

Vẫn mù mờ

PGS-TS Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Giám định dân sự (VUSTA), cho rằng nếu người kinh doanh cho thêm methanol hoặc acetone vào xăng với hàm lượng cao sẽ làm cho dây dẫn nhiên liệu trương nở nhiều hơn, hơi nhiên liệu và chất oxygenat dễ phát tán ra ngoài.

Khi đó, dễ tạo ra hỗn hợp nổ cháy. Hỗn hợp này nằm trong giới hạn nổ cháy với ô xy trong không khí, gặp nhiệt độ cao (của động cơ hoặc do va chạm, chập mạch sinh tia lửa điện) sẽ gây cháy. Ngoài ra, việc pha dầu tái sinh sẽ ảnh hưởng đến độ nhờn của dầu, phát sinh hỗn hợp hơi, phát tán hơi dễ gây ra hiện tượng nổ cháy xe.

Ông Nguyễn Quang Kiên, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, khẳng định: Việc nhà khoa học và giới truyền thông hướng nghi ngờ nguyên nhân cháy xe liên quan đến xăng dầu là phi lý bởi đến nay, chưa có cơ quan Nhà nước nào khẳng định như thế.

“Nếu đi tìm nguyên nhân cháy xe mà cứ hướng vào xăng dầu thì sẽ không bao giờ tìm ra được”. Xăng dầu thuộc mặt hàng được Nhà nước quản lý, kiểm soát tốt nhất trong tất cả các loại hàng hóa hiện nay” - ông Kiên nói.

“Có thể nguyên nhân cháy xe xuất phát từ việc một số chủ phương tiện đã sử dụng viên tiết kiệm xăng nhưng lại không khai báo để được hưởng bảo hiểm” - ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Bộ Khoa học - Công nghệ), cho biết.

Ông Tuấn còn nói rằng qua kiểm tra tại TP. HCM, nguyên liệu xăng hỗn hợp có pha thêm ethanol và methanol với nồng độ dưới 3% không thể tự bốc cháy và gây ra cháy phương tiện, chỉ trừ trường hợp đặc biệt có sự rò rỉ nguyên liệu và tiếp xúc với nguồn nhiệt nóng hơn 490 độ C.

Trước những vụ cháy xe liên tục trong thời gian qua, ông Tuấn cho biết Bộ Khoa học - Công nghệ đã tổ chức hai nhóm nghiên cứu ở ĐH Bách khoa TPHCM và ĐH Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay kết quả thử nghiệm vẫn chưa chỉ ra cơ sở khoa học để xác định nguyên nhân cháy nổ xe do xăng dầu. Hơn nữa, cũng chưa phát hiện chiếc xe máy nào bị cháy do mua xăng tại các cây xăng bán hàng kém chất lượng.

Cần mạnh tay với xăng bẩn

Theo ông Trần Quốc Tuấn, qua kiểm tra 728 lô xăng dầu nhập khẩu từ năm 2011 đến nay mới phát hiện một lô không đạt yêu cầu và buộc phải tái xuất. Từ đầu năm 2012 đến ngày 18/4, qua kiểm tra 541 mẫu xăng và 128 mẫu dầu diesel, phát hiện 60 mẫu xăng không đạt (chiếm 11%) và 17 mẫu dầu không đạt (chiếm 13,28%).

Hiện nay, trong tổng số hơn 13.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước, tư nhân chiếm đến khoảng 10.000. Theo ông Nguyễn Quang Kiên, nếu phát hiện cửa hàng bán xăng dầu pha tạp chất, đầu mối phân phối có thể ngừng cung cấp sản phẩm cho họ. Khi ấy, họ sẽ mua sản phẩm của đầu mối khác. Ông Kiên cho rằng cơ chế xử lý trách nhiệm hiện chưa nghiêm minh. Vừa qua, TPHCM phát hiện 11 cây xăng không đạt chuẩn nhưng đến nay, chỉ phạt họ mấy chục triệu đồng, không có cây xăng vi phạm nào bị rút giấy phép. “Đã đến lúc phải quy định nếu phát hiện cửa hàng nào bán xăng dầu không đạt chuẩn, lập tức thu hồi giấy phép” - ông Kiên đề nghị.

Quá nhiều nguyên nhân

Trao đổi với phóng viên, Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (C66 - Bộ Công an), cho biết theo chỉ đạo của Chính phủ, sáng nay (26/4), 4 bộ gồm Công an, GTVT, Công Thương và Khoa học - Công nghệ tổ chức họp báo công bố nguyên nhân bước đầu của các vụ cháy xe xảy ra trong thời gian vừa qua.

Theo báo cáo tổng hợp của các cơ quan, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới cháy xe như chập điện, va chạm giao thông, hỏa hoạn, tự ý đốt xe… Ngoài ra, còn rất nhiều vụ cháy xe đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân. “Các vụ chưa rõ nguyên nhân sẽ tiếp tục được liên bộ điều tra và tìm ra biện pháp khắc phục. Riêng chất lượng xăng dầu pha tạp chất có gây ra cháy xe hay không sẽ còn phải nghiên cứu, trao đổi thêm mới đi tới kết luận” - ông Sơn nói.

 

NLĐ
Tag: Nguyên nhân cháy xe , Cháy xe , Xăng bẩn , Kết quả kiểm tra chất lượng xăng dầu