Hôm nay, công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm
Thứ ba, 11/06/2013 06:54

Vào lúc 17h ngày 10/6, gần 500 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm (LPTN) đối với 47 chức danh chủ chốt.

Các ĐBQH bỏ phiếu tín nhiệm vào chiều 10/6.

Các ĐBQH bỏ phiếu tín nhiệm vào chiều 10/6.

“Đây là công việc đặc biệt và Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới tiến hành LPTN cùng lúc với 47 chức danh” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định như vậy trước khi việc LPTN diễn ra.

Phiếu tín nhiệm được chia thành 10 loại

29 thành viên Ban kiểm phiếu do ông Đỗ Văn Chiến (ĐBQH tỉnh Yên Bái làm Trưởng ban) tiến hành công việc kiểm phiếu cả tối và đêm qua để đầu giờ sáng hôm nay (11/6) sẽ công bố trước Quốc hội kết quả LPTN đối với từng chức danh. Trước đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã khẳng định với báo giới là việc công bố kết quả kiểm phiếu sẽ công khai cho báo giới biết, với việc đưa thông tin cụ thể số phiếu tín nhiệm của từng chức danh chủ chốt.

Tại hội trường, việc LPTN được thực hiện khá nhanh gọn, khoảng 10 phút kể cả thời gian điền vào phiếu và bỏ vào thùng. Theo hướng dẫn của Trưởng ban Kiểm phiếu Đỗ Văn Chiến, mỗi ĐBQH sẽ được phát 10 loại phiếu tín nhiệm với 10 màu khác nhau (trên mỗi phiếu có ghi rõ họ tên, chức vụ của những người thuộc diện được LPTN), tương ứng với 10 nhóm chức danh cụ thể gồm có: Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; các Phó Chủ tịch Quốc hội; các Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng Chính phủ; các Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị: “Các đại biểu cứ bình tĩnh để đánh giá chính xác, công tâm, khách quan khi bỏ phiếu. Không hạn chế về thời gian. Hãy dành thời gian thích đáng để bỏ phiếu. Nếu ghi phiếu sai, các ĐB có thể đổi phiếu”.

Cân nhắc kỹ khi bỏ phiếu

Trước khi hoạt động LPTN được thực hiện, khoảng 16h20, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dành hơn 15 phút để đọc Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn và báo cáo về các vấn đề có liên quan đến việc LPTN và người được LPTN.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Lần đầu tiên, HĐND của 63 tỉnh, thành đã cử đại diện là chủ tịch, phó chủ tịch tham dự phiên LPTN với tư cách là đại biểu dự thính.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội phân tích: “Trong thời gian 2 năm qua, tình hình kinh tế, xã hội có diễn biến khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người được LPTN. Đây là những khó khăn khách quan chung của tình hình thế giới và trong nước.

Do đó việc đánh giá cần có sự cân nhắc kỹ, gắn với thực tiễn, khó khăn khách quan và sự chuyển biến của tình hình xã hội thời gian qua”. Về danh sách người được LPTN, Chủ tịch Quốc hội cho biết một số ĐB đề nghị cần bổ sung thêm vào danh sách LPTN ông Vương Đình Huệ -nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước và ông Nguyễn Hữu Vạn - Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Tuy nhiên, UBTVQH giải thích rằng, người được LPTN phải căn cứ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, đồng thời thời gian giữ chức vụ cần đủ để đại biểu có cơ sở đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ. “Tính đến thời điểm LPTN, ông Vương Đình Huệ không giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng và ông Nguyễn Hữu Vạn vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng Kiểm toán Nhà nước. UBTVQH đã báo cáo và được Quốc hội chấp thuận không LPTN với 2 vị này”- Chủ tịch Hùng nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng giải thích kỹ thêm về trường hợp của đương kim Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Việc Quốc hội phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Đinh Tiến Dũng là do đã xem xét cả quá trình công tác trên cương vị Tổng Kiểm toán Nhà nước của ông Dũng. Do đó, UBTVQH trân trọng đề nghị các vị ĐB chấp thuận danh sách như trên”.

Về căn cứ đánh giá LPTN 47 chức danh, từ nội dung được báo cáo các ĐB có ý kiến cần có sự thống nhất và hướng dẫn cụ thể. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, UBTVQH đã có hướng dẫn theo Nghị quyết 561 hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết 35 của Quốc hội và có văn bản yêu cầu người được LPTN làm báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ, lối sống, đạo đức.

“Tuy nhiên do cách thể hiện của mỗi đồng chí có khác nhau nên liều lượng nội dung báo cáo có sự khác nhau. Về thông tin để căn cứ đánh giá, ĐB căn cứ vào báo cáo hoàn thành chức trách nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức của người đó, báo cáo tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại trong thời gian qua… Nhưng quan trọng nhất là đánh giá công tâm, khách quan của chính các ĐBQH”-Chủ tịch Quốc hội khẳng định. 

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): Không hề băn khoăn

Tôi rất vui vì sự dân chủ được thể hiện ở mức tuyệt đối. Tôi không thấy bỡ ngỡ với việc lấy phiếu này vì việc này đã được chuẩn bị tốt, chu đáo trong một thời gian dài. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu kỹ báo cáo của 47 chức danh được LPTN. Tôi cũng tin rằng các ĐB khác không băn khoăn vì về cơ bản, tất cả đều đã có đủ thông tin. Quan trọng nhất, tôi cho rằng các ĐB bỏ phiếu trên quan điểm của nhân dân, của cử tri chứ không phải quan điểm của cá nhân mỗi ĐB. Tôi cũng có điền vào ô "tín nhiệm thấp" của một số lá phiếu. Điều đó là đương nhiên, vì đây là 47 người khác nhau, mỗi người một cương vị, nhiệm vụ khác nhau, kết quả hoạt động cũng khác nhau, không thể đồng nhất được.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội): Cần rút kinh nghiệm một số điểm

Tôi không mất nhiều thời gian để điền phiếu vì tôi đã có cân nhắc, suy nghĩ từ trước, dựa trên những thông tin mình có được. Tóm lại, tôi đã chốt danh sách bỏ phiếu của tôi từ trước. Ngoài ra, tôi thấy việc chuẩn bị phiếu theo nhóm là rất tốt (chia thành 10 nhóm với 10 màu khác nhau - PV), như vậy ĐB có điều kiện so sánh trong từng nhóm một, so sánh từng loại nhiệm vụ chức năng mà Nhà nước giao cho các vị đó. Các ý kiến băn khoăn của ĐB về hoạt động LPTN đã được đồng chí Chủ tịch Quốc hội giải thích khá xác đáng. Tuy vậy, theo cá nhân tôi, đợt sau chúng ta phải rút kinh nghiệm về một số vấn đề, thí dụ như thời điểm LPTN như thế nào cho thích hợp; báo cáo của các vị được LPTN cũng phải có quy chuẩn, chứ không người làm dài, người thì ngắn. Làm sao phải có đủ thông tin cho các ĐB tham khảo, kiểm chứng.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): "Tín nhiệm cao" sẽ không nhiều

Tôi đánh giá và đi đến quyết định bỏ phiếu không chỉ căn cứ vào việc các "tư lệnh" ngành, lĩnh vực làm sai mà dựa trên những việc họ không làm hoặc làm không đến nơi, đến chốn. Ở nước ngoài, bình thường hai người có thể là bạn rất thân nhưng khi người kia làm công chức nhà nước mà không hoàn thành nhiệm vụ thì người bạn sẵn sàng đề nghị "anh nên nghỉ". Cá nhân tôi còn căn cứ vào việc điều hành cụ thể của từng vị, trên cơ sở thông tin đầu vào của từng chức danh. Thật ra, sau đợt LPTN này, để ai đó đạt được phiếu "tín nhiệm cao" một cách tuyệt đối là rất khó. Vì trong bối cảnh không có thông tin đầy đủ một cách tuyệt đối thì sự đánh giá cũng chỉ chính xác ở mức tương đối. Tôi dự đoán số người được phiếu "tín nhiệm cao" sẽ không nhiều.

Danviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: Quốc hội , Bộ Chính trị khóa XI , Bỏ phiếu , Bỏ phiếu tín nhiệm , Ủy viên bộ chính trị , Báo nước ngoài