Hối lộ CSGT: Cứ phạt nghiêm theo luật
Thứ năm, 12/04/2012 10:20

Thông tin từ Công an TP. HCM sẽ kiên quyết xử lý hành vi hối lộ CSGT được nhiều bạn đọc đồng tình.

Phạt cả hai mới công bằng

Lần đó tôi được người bạn chở trên chiếc ô tô tải đi vào dòng xe cộ đông đúc. Vì muốn đi nhanh nên bạn tôi đã lách vào làn xe máy tương đối trống trải. Khi CSGT chặn lại và cho biết “sẽ giam xe một tháng”, anh hốt hoảng móc ra 200.000 đồng để mong được bỏ qua. Người cảnh sát giả bộ hỏi “Cái gì đây?” nhưng rồi cũng nhận tiền và tha cho anh. Xong chuyện, tôi hỏi sao làm vậy thì bạn đáp “Giờ ai cũng thế mà” (!?).

CSGT đang xử lý một hành vi vi phạm luật giao thông trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10).

Rõ ràng là CSGT nêu trên đã làm sai pháp luật khi nhận tiền để bỏ qua vi phạm. Thế nhưng nếu những người như bạn tôi không chủ động đưa tiền thì tình hình có thể sẽ khác đi. Như vậy, ngoài việc xử lý đến nơi đến chốn những CSGT nhận hối lộ thì ngành công an cũng phải xử lý nghiêm người đưa hối lộ để tạo sự công bằng và giáo dục được ý thức chấp hành luật giao thông cho người dân.

THANH VIỆT

Trên chuyến xe từ TP. HCM về Cà Mau và ngược lại, tôi chứng kiến hai vụ hối lộ mà chính người dân chủ động đưa tiền. Do đi vào dịp lễ nên xe đón khách dọc đường rất nhiều. Xe vừa chạy khỏi địa phận TP. HCM thì bị CSGT thổi vào. Tài xế xuống xe cầm theo một số giấy tờ, trong đó có mấy tờ 100.000 đồng kẹp giữa và rồi ông “thoát tội”. Đến địa phận tỉnh Tiền Giang, do xe chạy quá tốc độ lại chở quá số người quy định nên bị CSGT tỉnh Tiền Giang thổi tiếp. Cũng như lần trước tài xế kẹp tiền vào giấy tờ xe nhưng lần này CSGT không nhận tiền và tiến hành lập biên bản vi phạm giao thông để thực hiện thủ tục xử phạt.

Nếu số đông CSGT không nhận tiền hối lộ và kiên quyết nói không với mãi lộ thì tôi tin rằng tai nạn giao thông sẽ giảm đáng kể.

MAI HIỀN

Kiên quyết dẹp bỏ thói quen xấu

Việc CSGT nhận hối lộ vẫn thường xuyên xảy ra, năm nào tôi cũng thấy báo chí phản ánh, không chỗ này cũng chỗ nọ, không tỉnh này cũng tỉnh khác, nhất là vào những ngày lễ, tết... Theo tôi, sở dĩ có việc này là do một phần lỗi của người dân. Vì không muốn bị lập biên bản và phải mắc công đi đóng phạt nên một số người đã chọn cách nhét tiền vào túi CSGT cho yên chuyện. Về phía CSGT, do có nhiều người không thể vượt qua sự cám dỗ của đồng tiền nên đã chấp nhận cuộc thương lượng sai pháp luật này. Riết rồi thói quen đưa-nhận hối lộ CSGT tồn tại hàng chục năm nay.

Vì vậy, tôi đồng tình và ủng hộ với ý kiến của Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công an TP. HCM, rằng: “Thời gian tới, người nào hối lộ CSGT sẽ bị xử lý, nếu không xử lý hình sự được thì sẽ xử lý hành chính…”. Để làm được điều này, lãnh đạo Công an TP cần phải sàng lọc thật kỹ đội ngũ CSGT “trực chiến” ngoài đường. Những CSGT được chọn phải có phẩm chất đạo đức tốt, luôn tỏ ra gần gũi, thân thiện với người dân. Đặc biệt các anh phải kiên định từ chối nhận tiền hối lộ, đồng thời lập biên bản về hai vi phạm (vi phạm luật giao thông và đưa hối lộ) để phạt nghiêm người đưa hối lộ.

VĂN CHÍ THIỆN (Quận 1, TP.HCM)

PLTP. HCM
Tag: Vi phạm giao thông , Cảnh sát giao thông , Hối lộ cảnh sát giao thông , Người tham gia giao thông