Sau Tết Nguyên đán, nhiều học sinh ở các trường học thuộc khu vực miền núi trong tỉnh "trốn" học. Nhiều lớp học giáo viên buộc phải nghỉ dạy vì không có học trò. Cán bộ-giáo viên lại phải băng rừng, lội suối "tìm" học trò để vận động các em đến lớp.
|
Lớp học đìu hiu
Đã gần 1 tuần giảng dạy trở lại sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán thế nhưng ở Trường THCS Sơn Dung (Sơn Tây) nhiều học sinh vẫn chưa đến lớp học. Cô giáo Phạm Thị Lâm-Phó hiệu trưởng Trường THCS Sơn Dung, buồn rầu bảo: "Ở vùng cao sau Tết khổ thế đó. Tỷ lệ học sinh đi học ngày đầu tiên sau Tết chỉ đạt 60%, đến gần cuối tuần cũng chỉ nhích lên được 77%". "Mục sở thị" các lớp học chúng tôi đều bắt gặp hình ảnh bàn ghế để trống, học trò thì ngồi lưa thưa, lớp học trông rất đìu hiu. Lớp nào cũng có học sinh vắng học. Lớp vắng ít thì 6 em, lớp vắng nhiều có đến 14 em. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Trinh, dạy môn Công nghệ lớp 7B, Trường THCS Sơn Dung, cho biết: "Hôm thứ 2 (tức mùng 8 tháng Giêng âm lịch-PV) chỉ có 5 em đến lớp nên không dạy được. Thứ ba thì đi được 13 em… Đến nhà vận động thì nhiều em hứa sẽ đi học nhưng vẫn không thấy đâu".
Sau Tết, lớp học ở Trường THCS Sơn Dung đìu hiu vì vắng học trò.
Trường THCS Sơn Mùa (Sơn Tây) cũng không ngoại lệ, nhiều học sinh nghỉ học sau Tết. Ngày đi học đầu tiên sau Tết, Trường THCS Sơn Mùa chỉ có 56% học sinh đến lớp. "Khối lớp 7 vắng 20 HS, khối lớp 9 vắng 16 HS, khối lớp 6 vắng 10 HS… Mọi năm sau Tết HS nghỉ để đi bẻ đót bán kiếm tiền. Năm nay do thời tiết biến đổi nên ở Sơn Tây vẫn chưa vào mùa đót, thế mà học sinh cũng nghỉ học nhiều", Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Mùa Nguyễn Văn Ánh giãi bày. Theo cán bộ-giáo viên Trường THCS Sơn Mùa thì đến nay nhiều học sinh của trường đi ăn Tết xa vẫn chưa trở về địa phương, nhiều em thì sau thời gian nghỉ Tết ở nhà đến nay vẫn chưa thích đi học trở lại. Học sinh nghỉ học sau Tết ở huyện miền núi Sơn Tây chủ yếu ở các trường THCS. Tính đến ngày 2/2 (tức ngày 11 tháng Giêng), toàn huyện có 7/9 trường THCS có tỷ lệ HS đến lớp đạt dưới 78%, 2 trường còn lại cũng chỉ đạt khoảng 80%. Thậm chí có trường tỷ lệ HS đến lớp chỉ đạt 72%, như Trường THCS Sơn Long.
Tiếp tục chuyến đi tìm hiểu tình hình học trò vùng cao trở lại lớp học sau Tết, chúng tôi đến Trường THPT Sơn Hà. Tết vui không anh?-khi nghe câu hỏi thăm của chúng tôi về tình hình đón Tết, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Hà Nguyễn Hải Thịnh nhanh chóng đáp lời: "Vui gì đâu. Học sinh nghỉ học nhiều quá". Theo số liệu thống kê của Trường THPT Sơn Hà thì toàn trường có đến 99/579 HS nghỉ học sau Tết. Hiệu trưởng Nguyễn Hải Thịnh cho biết, học sinh nghỉ học chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Sau Tết Nguyên đán là đến Tết của đồng bào dân tộc thiếu số nên nhiều em nghỉ học ở nhà. Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết Nguyên đán nhiều học trò ở khu vực vùng cao lại nghỉ học. Điều này khiến cho cán bộ-giáo viên ở nhiều trường học thuộc khu vực vùng cao phải đau đầu.
Ráo riết vận động
Ráo riết vận động là giải pháp hữu hiệu nhất được các trường lựa chọn trong khả năng vốn có của mình để học sinh tiếp tục đến lớp. Ông Lê Hoài Thạnh-Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Tây, cho biết: "Dự đoán được tình hình nên trước Tết phòng đã chỉ đạo các trường đặc biệt chú trọng đến công tác vận động học sinh ra lớp. Ngay trong ngày mùng 7 Tết, mặc dù rơi vào chủ nhật nhưng các trường đã tổ chức họp và phân công giáo viên trực tiếp đến nhà vận động học sinh ra lớp".
Trong khoảng thời gian chưa đầy 1 tuần giảng dạy sau Tết, cán bộ-giáo viên nhiều trường học ở huyện Sơn Tây đã hai lần đi vận động học sinh đến lớp. Mặc cho băng rừng, lội suối, mặc cho trời mưa lạnh buốt, các thầy-cô giáo vẫn tìm đến tận nhà học sinh để vận động các em đi học. Thầy giáo Vương Tấn Hà, dạy môn Toán, Trường THCS Sơn Dung chia sẻ: "Phải đi bộ gần 4 tiếng đồng hồ mới đến được nhà các em học sinh ở Tập đoàn 10 thôn Nước Lang. Hỏi thăm học trò sao không đến lớp, các em bảo rằng quên mất ngày đi học. Tội nghiệp học trò ở vùng cao!".
Chưa dừng lại ở con số hai lần đi vận động, cán bộ-giáo viên ở vùng cao đặt quyết tâm tiếp tục đi vận động học sinh ra lớp dẫu biết rằng đây chưa phải là giải pháp mang tính bền vững. Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Mùa Nguyễn Văn Ánh thở dài: "Nay em này đi học trở lại thì mai em khác nghỉ, lại phải tiếp tục đi vận động… Các em cứ thay phiên nhau nghỉ học. Chẳng bao giờ sĩ số học sinh đạt 100%. Biết thế nhưng phải quyết liệt đi vận động…". Qua tìm hiểu tình hình thực tế ở địa phương cũng như tâm tư của giáo viên và học sinh thì lực cản học trò vùng cao đến lớp vẫn là nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về lợi ích của việc học còn hạn chế và con đường đến trường xa xôi, hiểm trở, đời sống kinh tế của các em quá khó khăn. Chẳng biết đến khi nào ngành giáo dục vùng cao mới hết "đối mặt" với nỗi lo học trò nghỉ học sau Tết hoặc đi học theo kiểu "giã gạo"?
- Ông là đại gia đầu tiên ở Hà Nội sắm ô tô, bất động sản trải dài từ Bắc đến Nam, từng lập ra bản di chúc gây chấn động
- Từ 1/7/2025: Có 6 trường hợp được phép lựa chọn hưởng lương hưu hoặc BHXH một lần, ai không biết quá thiệt thòi
- Hoa hậu từng bị miệt thị nhan sắc như 'cá chùi kiếng': Dung mạo thay đổi, cuộc sống đáng ngưỡng mộ
- Hoa hậu Quốc tế Thanh Thủy về Việt Nam: Diện áo dài nền nã, nhan sắc qua camera thường cực đỉnh
- Cây gỗ 50 tỷ đồng nhiều người dùng để nhóm lửa vì không biết giá trị
- Cái tên được đặt nhiều nhất Việt Nam: Khoảng 5 triệu người trùng tên, cứ ra đường là hầu như có thể gặp
- Tăng lương hưu lần 3 khi Luật BHXH có hiệu lực? Đối tượng nào sẽ được tăng lương hưu?
- Khởi tố, bắt giam ca sĩ Chi Dân và người mẫu Andrea Aybar