Một số hiệu trưởng đã bị các địa phương ra quyết định kỷ luật khi để xảy ra tình trạng học sinh đánh nhau, bạo lực học đường kéo dài…
|
Một số hiệu trưởng đã bị các địa phương ra quyết định kỷ luật khi để xảy ra tình trạng học sinh đánh nhau, bạo lực học đường kéo dài… Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải nghiêm minh kỷ luật cả người đứng đầu trường học mới góp phần làm giảm bạo lực học đường đang có xu hướng tăng.
Trò bị đánh “hội đồng”, hiệu trưởng bị kỷ luật
Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng của học sinh xảy ra trong các nhà trường, đặc biệt là tình trạng bạo lực học đường có xu hướng tăng đến mức báo động. Nhiều học sinh đã bị kỷ luật, đình chỉ học. Bên cạnh đó, giáo viên, lãnh đạo trường cũng phải chịu các hình thức kỷ luật như cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thuyên chuyển công tác…
Cuối tuần qua, Hội đồng kỷ luật của UBND huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đã họp xét và đưa ra các hình thức kỉ luật đối với những cá nhân có liên quan đến vụ việc em Nguyễn Thị T (lớp 8, Trường THCS Kha Sơn, Phú Bình) bị đánh trong hai năm học lớp 6, 7. Theo đó, bà Lê Thị Thu Ái - Hiệu trưởng trường bị giáng chức từ Hiệu trưởng xuống thành Hiệu phó, điều chuyển công tác khác; ông Chu Văn Doanh - Phó Hiệu trưởng nhận hình thức cảnh cáo, điều chuyển công tác; bà Nguyễn Thị Chiến - Giáo viên chủ nhiệm lớp 6, 7 nhận hình thức kỉ luật cảnh cáo.
Vụ việc học sinh lớp 7 bị bạn đánh “hội đồng” ngay trong lớp học khiến 4 cán bộ, giáo
viên Trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) bị kỷ luật, chuyển công tác. Ảnh: TL
UBND huyện Phú Bình cũng yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT huyện làm tường trình kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc và công bố trong toàn ngành. Trước đó, báo chí đã phán ánh thông tin sự việc học sinh Nguyễn Thị T (lớp 8A, Trường THCS Kha Sơn, Phú Bình) bị đánh trong hai năm học lớp 6, 7. Một đoạn clip ghi lại cảnh nữ sinh bị các bạn trong lớp đánh đập dã man đã được đưa lên mạng Internet. Đáng buồn, sự việc trên kéo dài suốt hai năm mà Giáo viên chủ nhiệm, Ban Giám hiệu nhà trường không hay biết.
Cuối tháng 4/2015, Hội đồng kỷ luật TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) cũng đã công bố quyết định kỷ luật 4 cán bộ, giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng liên quan đến vụ nữ sinh lớp 7 bị một nhóm bạn đánh “hội đồng”, quay clip tung lên mạng hồi tháng 3. Theo đó, Hiệu trưởng Phan Thanh Nguyên và Hiệu phó Võ Thanh Vũ bị cách chức. Tổng phụ trách đội và Giáo viên chủ nhiệm lớp 7/5 bị cảnh cáo. Phòng GD&ĐT TP Trà Vinh cũng quyết định chuyển công tác 4 người này đến các trường THCS khác trên địa bàn. Ngoài ra, tập thể Chi bộ của trường cũng nhận hình thức kỷ luật khiển trách.
Cần “xử nghiêm” hiệu trưởng vô tâm
Trên thực tế, hai sự việc nói trên chỉ là số ít trong số các trường để xảy ra bạo lực học đường mang tính chất nghiêm trọng trong thời gian qua. Nhiều giáo viên, lãnh đạo nhà trường đã bị kỷ luật vì thiếu quan tâm tới học sinh. Đánh giá về vấn đề này, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, hiện nay học sinh vi phạm kỷ luật, đánh nhau rồi quay clip như “chiến tích” diễn ra khá phổ biến. Để xảy ra tình trạng này cần phải quy rõ trách nhiệm lên người đứng đầu, đó là các vị hiệu trưởng. Nếu sự việc diễn ra một lần thì hiệu trưởng có thể “vô can” nhưng nếu để học sinh đánh nhau nhiều lần, kéo dài phải xem xét trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường.
Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, hiệu trưởng là người được bổ nhiệm, phải làm thế nào đó để quản lý tốt trường học, không thể để mặc cho tình trạng học sinh vi phạm, kệ học sinh muốn làm gì thì làm. Hiệu trưởng không thể vô cảm, thờ ơ với sự an toàn của học sinh. “Tôi đã từng đi nhiều quốc gia và thấy rằng ở đất nước họ rất nghiêm về kỷ luật, nếu để xảy ra tình trạng học sinh đánh nhau nhiều lần, lãnh đạo trường rất lấy làm xấu hổ, thậm chí họ chủ động để từ chức... Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có văn hóa đó, nên điều này thể hiện sự công tâm của các cơ quan quản lý đối với các trường học”, ông Nhĩ nói.
“Tôi ủng hộ việc kỷ luật, giáng chức, cách chức những hiệu trưởng để xảy ra sự việc học sinh đánh nhau nghiêm trọng, kéo dài. Hiện đã có các hình thức kỷ luật theo quy định của ngành Giáo dục, nhưng khi thực hiện phải đảm bảo tính nghiêm minh, không dung túng, bao che cho nhau, phải làm gương cho học sinh và các giáo viên trong trường. Trách nhiệm của hiệu trưởng là phải quản lý tốt mọi mặt của nhà trường, nếu không làm được thì xin nghỉ, chứ không thể thiếu quan tâm dẫn đến các em ngày càng có xu hướng bạo lực, gây nhức nhối trong dư luận xã hội”, PGS Trần Xuân Nhĩ cho biết thêm.
Hiện tại, các hình thức kỷ luật đối với hiệu trưởng đều được áp dụng theo nghị định, quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức. Trong đó, đáng chú ý là trường hợp bị giáng chức, cách chức do không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng... Theo đó, để làm gương và cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, cần nghiêm túc thực hiện các phương án kỷ luật đối với hiệu trưởng buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng học sinh đánh nhau, vi phạm pháp luật trong thời gian dài.
Theo Điều lệ trường THCS, THPT do Bộ GD&ĐT ban hành, những hành vi học sinh không được làm bao gồm: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác… nếu vi phạm sẽ bị kỷ luật từ cảnh cáo, hạ hạnh kiểm, đình chỉ học có thời hạn. Đối với Hiệu trưởng, các hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bao gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'
- Muốn trở thành giáo viên giỏi? - Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là điều TIÊN QUYẾT!
- Điểm mới trong các kỳ thi riêng xét tuyển Đại học năm 2025
- 5 năm tới ngành nào hot: Lương lên tới 3,4 tỷ đồng/năm mà không cần bằng đại học?
- 5 ngành học hot nhất hiện nay! Cơ hội việc làm rộng mở, lương 100 triệu đồng/tháng trong tầm tay
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%