Hóa ra tôi là một người vợ tầm thường...
Thứ năm, 06/12/2012 09:01

Không biết từ lúc nào, tôi trở thành một người khó chịu; hay dấm dẳn, cằn nhằn, bóng gió xa gần về chuyện chồng người khác giỏi hơn chồng mình.

Mọi thứ đã không còn vui như vậy khi cuộc sống trở nên khó khăn hơn (Ảnh minh họa).

Mọi thứ đã không còn vui như vậy khi cuộc sống trở nên khó khăn hơn (Ảnh minh họa).

Anh tìm được công việc mới tốt hơn, tiền lương cao hơn nhưng phải đi xa, mỗi tuần chỉ được về nhà một lần. Tôi nghe vậy thì rất vui. Ít ra thì anh cũng đã chịu “chuyển biến” chứ không “ù lì” như từ trước tới giờ…

Anh đi rồi, tôi mới thấy nhà cửa vắng vẻ. Buổi tối ngồi một mình, bỗng nhớ những tối trước đây. Anh một máy, tôi một máy, ngồi cách nhau có mấy bước chân mà cũng chát chít rồi cười đùa…

Nhưng rồi mọi thứ đã không còn vui như vậy khi cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Và không biết từ lúc nào, tôi trở thành một người khó chịu; hay dấm dẳn, cằn nhằn, bóng gió xa gần về chuyện chồng người khác giỏi hơn chồng mình. Và hình như anh cũng ít cười hơn.

Tối nay, khi các con đã ngủ, tôi lại thẫn thờ một mình. Hơn tháng qua, anh chuyển sang một công ty bảo vệ thực vật ở An Giang, cuối tuần hoặc 2 tuần mới về một lần. Tôi không biết anh ăn ở ra sao; lớn tuổi rồi mà không có vợ bên cạnh chăm sóc chắc là vất vả lắm…

Không biết làm gì, tôi bật máy tính. Nhưng cái máy của tôi hôm nay bỗng trở chứng, màn hình tối om. Tôi quyết định xài tạm máy của anh. Thật bất ngờ, tôi đã tìm thấy một thế giới mà mình cứ tưởng đã biết rõ.

“Từ hôm nay 1/1/2012,  công ty giảm lương của toàn bộ nhân sự, lương mình cũng bị giảm. Không dám nói với vợ vì sợ vợ lo. Hồi trước lương 10 triệu thì tháng nào cũng đưa cho vợ 6 triệu để phụ lo đóng tiền học cho con. Dẫu biết đưa bấy nhiêu thì cũng chẳng thấm tháp gì vì mình biết mỗi tháng chi tiêu trong nhà nhiều hơn con số ấy gấp mấy lần. Bây giờ lương chỉ còn 8 triệu, nếu đưa cho vợ 6 triệu như cũ thì phần còn lại dằn túi của mình sẽ hao hụt một nửa. Làm sao đây?”.

Hóa ra tôi cũng tầm thường như bao nhiêu người khác; vẫn để chuyện cơm, áo, gạo, tiền len lỏi vào cuộc tình đẹp như mơ vốn đã khiến nhiều người phải ganh tị của mình.

... “Hôm nay thấy tin nhắn báo đã có lương, mình vội vàng chạy đi rút tiền đưa cho vợ. Tháng này công ty lại phát lương trễ, vậy mà không nghe vợ hỏi han gì...”.

“Nghe anh bạn cùng phòng than thở bị vợ cằn nhằn vì tiền lương không đủ xoay sở trong ngoài bởi giá cả ngày càng leo thang, mình mới giật mình: Ủa, sao không nghe vợ nói gì? Lại thêm một lần thương cái tính chịu thương, chịu khó của vợ...”.

“Hôm nay nghe cô kế toán nói, mỗi tháng chồng cô đưa cho 10 triệu nhưng 10 triệu bây giờ chỉ bằng 5 triệu so với cách đây 1 năm, thậm chí còn mua được ít đồ hơn”, mình ngạc nhiên: “Sao chẳng bao giờ nghe vợ mình nói như vậy? Hóa ra 6 triệu mình đưa cho vợ thì giá trị chỉ còn phân nửa, sao vợ mình vẫn không nói gì?...”.

...“Hôm nay có lương. Lần đầu tiên thấy áy náy vô cùng khi cầm tiền đưa cho vợ...”.

“Điều lo sợ nhất cuối cùng rồi cũng đến. Trong danh sách nghỉ việc đợt này có tên mình. Đúng ra là mình tự nguyện ra đi để dành lại chỗ làm cho một người khác khó khăn hơn. Giờ mới ngấm đòn của khủng hoảng kinh tế… Phải tính toán thế nào để khoản tiền trợ cấp mấy chục triệu đủ để xoay sở cho đến lúc tìm được việc làm, nhất định không cho vợ biết…”

“Thật khó khi mỗi ngày vẫn phải ra khỏi nhà đúng giờ, trở về đúng giờ, giữ mọi thứ y nguyên như không hề có việc gì xảy ra dù đã thất nghiệp 1 tháng… Phải tính toán dè sẻn chi tiêu từng chút một: Cà phê, ăn sáng, lai rai cuối tuần, tiệc tùng liên hoan, sinh nhật, cưới hỏi... những niềm vui nho nhỏ và bình thường khi có việc, vậy mà giờ đây lại phải đưa thứ ấy “lên bàn mổ” để cắt giảm. Nhưng giảm gì thì giảm chứ không thể giảm phần của vợ vì nó vốn đã mất giá quá nhiều so với thị trường…”.

“Mấy hôm nay vợ có vẻ không vui. Mỗi lần hỏi chuyện thì em trả lời dấm dẳn. Sao vậy? Sợ nhất là thái độ ấy liên quan đến tiền bạc… Nhưng rồi sợ mà có tránh được đâu? Vợ nói “nhìn chồng người ta mà mắc ham… Sao anh không bỏ chỗ đó để đi kiếm việc chỗ khác lương cao hơn?”. Em còn nói nhiều thứ liên quan đến vị trí “cái cột”, cái “chỗ dựa” của đàn ông trong gia đình. Anh biết là anh dở nhưng anh vẫn đang cố gắng rất nhiều em à. Hình như con bệnh em phải lo lắng nhiều nên mới quạu quọ như vậy chớ bình thường thì đâu có? Anh vẫn tự hào khoe với bạn bè “vợ tôi không bao giờ biết buồn…”.

… “Cuối cùng thì mình quyết định nhận lời cái công ty ấy. Đi xa một chút, vất vả hơn một chút nhưng có việc làm, có lương cho vợ con nhờ. Thèm được thấy vẻ mặt tươi vui của vợ như trước… Vậy nghen bà xã”.

Không biết từ bao giờ, tôi đã khóc… Hèn chi mấy tháng nay thấy anh mua cà phê về nhà tự pha uống buổi sáng, anh bảo mua thêm mì gói về ăn sáng “để khỏi ăn sáng bên ngoài vừa đắt, vừa mất vệ sinh”; những ngày cuối tuần không thấy anh nhắn tin “anh đi lai rai với bạn chút”...

Tôi cứ đọc đi đọc lại những dòng ghi chép của anh. Nước mắt chảy dài trên má từ lúc nào... Hóa ra tôi cũng tầm thường như bao nhiêu người khác; vẫn để chuyện cơm, áo, gạo, tiền len lỏi vào cuộc tình đẹp như mơ vốn đã khiến nhiều người phải ganh tị của mình.

Tôi bỗng thấy nhớ anh, nỗi nhớ lạ lùng y như thể lần đầu biết anh cách nay 15 năm…

Mời bạn đọc gửi bài viết tâm sự, chia sẻ những clip, hình ảnh hay thắc mắc khó nói về tình yêu, hôn nhân đến chuyên mục Bạn trẻ đời sống Tương tác bạn đọc. Mọi ý kiến chia sẻ bạn đọc có thể gửi về hòm thư:  banbientap@xahoi.com.vn.

NLĐ
Tag: Tình yêu , Hôn nhân , Chia tay , Ngoại tình , Người yêu cũ , Xã hội , Lấy chồng , Thu nhập , Tiền lương