Liên tục trong thời gian gần đây, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ 13 vụ việc liên quan đến việc lạm dụng tiền chất PSE (pseudoephedrine) có trong thuốc cảm cúm để sản xuất ra Methamphetamine, một loại ma túy đá.
|
Thuốc cảm cúm chế thành “thuốc lắc” hay ma túy “đá”
Đây là tụ điểm điều chế thuốc lắc đầu tiên ở Hà Nội bị cơ quan Công an phát hiện, triệt phá. Cầm đầu đường dây là đối tượng Đinh Văn Bích trú tại Lạng Sơn. Trước khi về Hà Nội mở lò điều chế thuốc lắc, Bích cũng từng tổ chức sản xuất trái phép ma túy “đá” Methamphetamine tổng hợp (MTTH) ở Lạng Sơn. Cuối năm 2010, Bích cùng đồng bọn rời điểm sản xuất ma túy từ khu vực biên giới, về phường Ngọc Thụy, quận Long Biên.
Nhưng mới về khoảng 1 tuần thì tụ điểm này đã bị lực Công an phát hiện. Rạng sáng 20/9/2010, Công an bất ngờ ập vào ngôi nhà Bích thuê thì phát hiện và thu giữ 3 túi caffein; 2 túi ketamin; 3 viên MTTH có hình ngôi sao; 1 hộp sắt bên trong có 25,9 gam hỗn hợp Ketamin và MDMA; 5 thanh kim loại hình trụ có logo ngôi sao và chữ “S”…
Một dạng ma túy "đá" (Ảnh minh họa)
Các điều tra viên Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC 47), Công an TP Hà Nội cho biết, vào thời điểm vụ án này được bóc gỡ, hành vi sản xuất, điều chế ma túy tổng hợp (MTTH), được đánh giá là thủ đoạn hoàn toàn mới của tội phạm ma túy, hòng trốn tránh sự phát hiện, truy bắt của các lực lượng chức năng. Đây là tụ điểm điều chế, sản xuất MTTH đầu tiên ở Hà Nội bị phát giác. Đến nay, cả 4 đối tượng tượng trong vụ án đã bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi sản xuất trái phép chất ma túy…
Mới đây, Cục C47, Bộ Công an phối hợp với Công an Thanh Hóa triệt phá điểm sản xuất ma túy tổng hợp tại xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa do vợ chồng Lê Sỹ Thiệu và Lê Thị Thanh cầm đầu. Hoạt động của nhóm tội phạm này rất tinh vi. Chúng thuê một cửa hàng ở phố Trần Hưng Đạo, TP Ninh Bình để làm thẩm mỹ viện.
Thực chất đây chỉ là địa điểm để vợ chồng Thiệu - Thanh mua gom các loại tân dược chứa tiền chất Preudoephedrin HCL (PSE) rồi chuyển về Thanh Hóa để điều chế thành ma túy tổng hợp. Khám xét xưởng điều chế này, cơ quan công an đã thu giữ được 40gram ma túy tổng hợp thành phẩm dạng Metamphetamine dạng kết tủa, hơn 90kg thuốc chuyên điều trị cảm cúm TIFFY đã được bóc rời và 9 thùng thuốc TIFFY nguyên đai nguyên kiện cùng nhiều dụng cụ như máy rung, bếp đun, ống thủy tinh, tờ giấy ghi công thức chiết xuất phục vụ cho hoạt động điều chế.
Vụ án đã cho thấy, do lực lượng Công an đấu tranh quyết liệt với ma túy vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam, các đối tượng đã quay sang điều chế ma túy tổng hợp ngay trong nước, mà nguyên liệu chính là thuốc cảm cúm được mua tự do trên thị trường tân dược. Đáng lo ngại khi ước tính, 1 kg PSE có thể sản xuất được 6 lạng ma túy tổng hợp. Chỉ cần bỏ ra 2 triệu đồng tiền mua gom thuốc cảm cúm, là có thể sản xuất được lượng ma túy tổng hợp giá trị khoảng 25 triệu đồng, quả là siêu lợi nhuận.
Xung quanh việc quản lý tiền chất Pseudoephedrin ở Việt Nam
Vì tính chất đặc biệt của vụ án khi lần đầu phát hiện việc sản xuất ma túy tổng hợp dạng tinh thể đã tinh chế trong nước, có chất lượng như ma túy vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam, lại có qui mô lớn, nên ngày 15/7/2011, Bộ Công an đã có công văn 2073 gửi Thủ tướng Chính phủ, do Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an ký: “Đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Công thương làm tốt công tác quản lý, kiểm soát hóa chất, tiền chất (đặc biệt chú ý vào các tiền chất, hóa chất mà tội phạm có thể lợi dụng sản xuất Methamphetamine; Bộ Y tế cần cảnh báo các công ty, cửa hàng dược cảnh giác, nghiêm túc khi tiêu hủy các loại thuốc cảm cúm hết hạn sử dụng và không bán cho khách các loại thuốc cảm cúm số lượng lớn, không có đơn thuốc của bác sĩ”.
Ngày 27/7/2011, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã có ý kiến đồng ý với các kiến nghị của Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 5093/ VPCP- KGVX ngày 26/07/2011 gửi Bộ Công an, Bộ Y tế và Bộ Công thương về việc thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng về việc tăng cường quản lý, kiểm soát tiền chất, hóa chất, dược phẩm.
Triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Y tế đã có Thông báo số 697/TB-BYT ngày 19/08/2011 để chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế triển khai các biện pháp phối kết hợp với các Bộ Ngành liên quan tăng cường công tác quản lý tiền chất Pseudoephedrine (PSE), trong đó có các nội dung chỉ đạo quan trọng sau đây:
Việc Cục Quản lý dược đã cấp phép nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2011 trên 20.000 kg tiền chất Pseudoephedrine, tăng đột biến so với cả năm 2010 (thậm chí có đơn vị được cấp phép nhập khẩu và mua nguyên liệu tiền chất Pseudoephedrine tới 9000 kg/ trong 6 tháng đầu năm 2011) là một điều bất thường trong quản lý, có khả năng dẫn đến việc không quản lý được chặt chẽ các sản phẩm có chứa PSE trên thị trường nên Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Quản lý dược tạm dừng việc cấp phép nhập khẩu nguyên liệu PSE cho đến khi có chỉ đạo mới (vì Cục cho nhập 20.000kg nguyên liệu PSE/ 6 tháng đầu năm 2011 là đã vượt quá xa nhu cầu thuốc trị cảm cúm của Việt Nam).
Tạm dừng việc lưu thông các loại thuốc cảm có quy cách đóng gói 500-1000 viên/đơn vị đóng gói nhỏ nhất để hạn chế việc lạm dụng của bọn tội phạm dễ dàng mua gom và tổng hợp chất ma túy Metamphetamine (Chỉ cho sản xuất và phân phối những quy cách đóng gói bình thường là 100 viên/ chai).
Cục Quản lý Dược và Cục Quản lý Khám chữa bệnh khuyến cáo và hướng dẫn các doanh nghiệp thay thế nguyên liệu PSE bằng Phenylephrine theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Cục Quản lý Dược cho rằng, các quy định hiện hành không cấm việc đóng gói lớn các thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa tiền chất PSE, nhưng Thông tư 4-2008/TT-BYT của Bộ lại qui định: Với các quy cách đóng gói lớn, nhãn phải ghi rõ “Thuốc dùng cho bệnh viện”.
Về vấn đề này, chính vị Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang vừa bị UBKT TƯ xét kỷ luật cảnh cáo đã từng cảnh báo: “Với thuốc có PSE dạng chai lớn là hoàn toàn không nên, vì nếu không quản chặt sẽ tạo điều kiện cho tội phạm lợi dụng thu gom để tổng hợp ra ma túy”. Đợt kiểm tra của Công an HCM mới đây đã chỉ ra: Đã có hàng triệu viên thuốc có PSE đóng gói lớn theo qui cách “Thuốc dùng cho bệnh viện” đã được bán cho các đơn vị không phải là bệnh viện.
Phải chăng nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến nhiều sự kiện “xì căng đan” trong ngành y tế vừa qua là xuất phát từ các văn bản chỉ đạo của ông Cao Minh Quang tại Thông báo số 967 ngày 19/08/2011? Điều này đã làm một số công ty sản xuất thuốc cảm có chứa tiền chất ma túy PSE lo ngại là sẽ bị cắt nguồn đầu vào của nguyên liệu tiền chất PSE và từ nay không còn cơ hội nào để “kiếm lời” nữa?
Những ai đang thực sự cố ý làm trái các qui định về quản lý các tiền chất gây nghiện? Các cơ quan của Bộ Công an và Bộ quốc phòng đang vào cuộc để điều tra, câu chuyện này chắc chắn sẽ còn đưa ra ánh sáng được nhiều bí mật sẽ làm cho cả xã hội phải "giật mình".
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?