Hệ thống tên lửa S-300 có thể bị 'quật ngã' chỉ bằng một loạt đạn?
Thứ hai, 12/08/2013 07:25

S-300 được đánh giá là một trong những hệ thống tên lửa phòng không có uy lực nhất trên thế giới hiện nay, tuy nhiên, nó cũng có những yếu huyệt nhất định.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1

Tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1

Yếu vì quá phổ biến

Trước hết phải khẳng định rằng, S-300 là một trong những hệ thống phòng không thành công nhất: uy lực mạnh, tác chiến điện tử tốt, có thể chống được cả máy bay tàng hình và tên lửa. Do đó, dễ hiểu vì sao S-300 được nhiều quốc gia lựa chọn là thành phần nòng cốt trong hệ thống phòng không của mình.

Hiện có tới 16 nước sở hữu S-300, trong đó có những quốc gia sử dụng số lượng rất lớn như Trung Quốc với 40 tổ hợp S-300 bao gồm các biến thể S-300PMU1/S-300PMU2 và hơn 60 tổ hợp HQ-9 được xem là phiên bản nội địa của S-300, tổng số tên lửa ở mức hơn 1.600, với khoảng 300 bệ phóng.

Tuy nhiên, việc phổ biến rộng rãi cũng là một yếu điểm nhất định của S-300. Rất nhiều nước có thể hiểu rõ tường tận điểm mạnh yếu của S-300 và dùng hiểu biết này khắc chế hệ thống phòng không của nước khác.

"Mắt thần" chính là yếu huyệt

Hệ thống radar điều khiển của S-300 được đánh giá hết sức hiện đại. Radar tối tân cho phép nó theo dõi đồng thời 100 mục tiêu trong khi giám sát chặt chẽ và phát lệnh bắn hạ 6 mục tiêu được cho là nguy hiểm nhất, với 12 tên lửa. Những phiên bản S-300 tối tân nhất được chế tạo nhằm chống lại các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa còn được trang bị radar 64N6F BIG BIRD, cho phép nó phát hiện ra tên lửa đạn đạo khi nó cách nơi đặt radar 1.000 km.

Tuy nhiên, radar lại chính là yếu huyệt của S-300. Với phương châm tấn công phủ đầu, hệ thống phòng không và lực lượng không quân chính là những mục tiêu đầu tiên. Trong đó, việc tiêu diệt các đài radar của tổ hợp phòng không là nhiệm vụ của loạt đạn đầu tiên trong đợt tấn công đầu tiên. Khi không có radar điều khiển, không chỉ riêng S-300 mà toàn bộ các hệ thống phòng không khác đều bị vô hiệu hóa nhanh chóng.

Vậy có thể bố trí một cách bí mật vị trí tổ hợp S-300, đặc biệt là radar để đảm bảo sức sống cho tổ hợp hay không? Mặc dù có thể làm được nhưng điều này cũng có rất nhiều khó khăn, bởi:

Tổ hợp S-300 khá cồng kềnh, mỗi tổ hợp S-300 có hơn 10 xe tải cỡ lớn 4 trục, dài 12m, nặng hơn 40 tấn. Các xe trong tổ hợp là một thành phần trong hệ thống liên hoàn, bao gồm xe chỉ huy, xe điều khiển, xe radar, xe bệ phóng, các trạm nguồn điện, khí nén…khó có thể phân tán một cách nhỏ lẻ như các máy bay hay pháo binh… Khi cơ động cũng rất dễ bị phát hiện.

Ví dụ: Biên chế của mỗi tiểu đoàn S-300PMU-1 gồm: hệ thống điều khiển và chỉ huy 83M6E, đài radar điều khiển hỏa lực 30N6E(1), đài radar nhìn vòng mọi độ cao 96L6E và 12 xe mang phóng tự hành 5P85SE (mỗi xe chở 4 đạn) cùng các thành phần hỗ trợ khác.

Trận địa tên lửa S-300PMU1 của Trung Quốc (ảnh chụp từ vệ tinh)

Do vậy, với các phương pháp tình báo, trinh sát bằng con người hay các phương tiện kỹ thuật, đối phương có thể xác định được chính xác (hoặc chí ít là sơ bộ) vị trí bố trí các tổ hợp S-300. Đặc biệt, nếu đối phương là những nước đã từng sở hữu S-300 thì càng hiểu về nguyên tắc tổ chức trận địa S-300. Qua đó, có thể thấy việc đảm bảo tuyệt đối bí mật vị trí là khó thực hiện.

Tuy nhiên, trong tác chiến hiện đại, việc giữ bí mật không nhất thiết là phải giấu kín lực lượng của mình gồm những phương tiện nào, tính năng kỹ thuật, vị trí sơ bộ ra sao… bởi những thông tin này gần như là mở đối với thời đại công nghệ và mối quan hệ quốc tế đan xen phức tạp.

Điều bí mật ở đây là tọa độ bố trí, tần số làm việc, phương án tác chiến, phương pháp tác chiến điện tử…Việc đảm bảo sức sống cho "mắt thần" của S-300 sẽ thiên về điều này.

Tất nhiên đối phương cũng có cách. Phương án truy tìm "mắt thần" S-300 mà đối phương có thể áp dụng là sử dụng máy bay trinh sát, vệ tinh (nếu hệ thống S-300 đã bố trí ở trận địa không được ngụy trang cẩn thận) hoặc sử dụng một lực lượng ban đầu “nhử” mắt thần S-300 lộ diện. Sau đó, sử dụng vũ khí chuyên dùng phá hủy các thành phần trong tổ hợp mà đặc biệt là hệ thống radar.

Bây giờ, cuộc đấu chính là giữa S-300 và các vũ khí chuyên dùng này. Một tổ hợp S-300PMU1 có thể có thông số kỹ thuật là tiêu diệt mục tiêu trong độ cao từ 10m đến 27 km, tầm xa hiệu quả 150 km, nhưng điều ai cũng biết là có vùng chết. Mà vùng chết này lại thay đổi theo cách bố trí trận địa.

Trước hết là sự che khuất của địa hình, địa vật. Đối phương có thể lợi dụng địa hình để đột nhập tiêu diệt hệ thống.

Tiếp đó là ảnh hưởng của độ cao trận địa. Vị trí của hệ thống phòng không đặt càng sát mực nước biển thì tầm tác chiến sẽ bị giảm xuống tương ứng với độ cao của mục tiêu.

Ví dụ, nếu radar của hệ thống S-300PMU1 đặt ở vị trí sát mực nước biển, khi đó tương ứng với một mục tiêu ở độ cao tối thiểu mà hệ thống có thể tác chiến là 10m thì tầm xa tối thiểu là 13km. Còn để đạt được tầm bắn xa nhất 150km, thì mục tiêu khi đó phải ở độ cao gần 2.500m.

Khi đặt bộ phát radar lên giá đỡ thì các con số sẽ thay đổi. Ví dụ, nếu tháp anten ở độ cao 23.8m, thì hệ thống có thể nhắm bắn một mục tiêu ở độ cao 10m từ khoảng cách 33km, thay vì 13km. Nếu ở độ cao 38.8m thì con số này là 39km. Ngược lại, độ cao tối thiểu của mục tiêu để S-300PMU1 phát huy tầm bắn tối đa 150km giảm từ 2.500m xuống còn 1.900 và 1.800m.

Đài radar nhìn vòng mọi độ cao 96L6E của tổ hợp S-300PMU1

Đài radar điều khiển hỏa lực 30N6E của tổ hợp S-300PMU1

Như vậy, nếu đối phương bay thấp và sử dụng tên lửa chống radar sẽ dễ gây ra tổn thương cho hệ thống "mắt thần" của S-300. Ta có thể thấy tầm bắn của tên lửa chống radar Kh-31P được trang bị trên các máy bay Su-27, Su-30 của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam.. có tầm bắn lên đến 110km; AGM-88 HARM của Mỹ là hơn 90 km. Phương thức dẫn đường cũng không đơn giản là bám theo tín hiệu radar mà có thể nhớ cả vị trí radar khi tín hiệu bị mất do tắt đài radar đột ngột.

Tên lửa chống radar Kh-31P và máy bay SU-30MKK của Trung Quốc

Ngoài ra, các loại tên lửa hành trình đối đất, tên lửa đạn đạo, bom dẫn đường, bom thông thường... cũng là những vũ khí có thể uy hiếp không chỉ đài radar mà cả tổ hợp.

Mặc dù S-300 có thể chống tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo nhưng xác suất chỉ là 0,7. Xác suất này được tính với số lượng đạn lớn. Với một tổ hợp chỉ có thể chiến đấu với 6 mục tiêu, nếu đối phương sử dụng lực lượng đông, nhiều vũ khí cùng lúc thì việc đối phó khi chỉ có một tổ hợp S-300 đơn độc sẽ khá khó khăn.

Bảo vệ "mắt thần" bằng cách nào?

Tất nhiên S-300 không bao giờ đơn độc. Để bảo vệ "mắt thần" của S-300, cần có phương án tác chiến, bố trí một cách linh hoạt. Đây chính là điều cốt yếu làm nên sức mạnh của vũ khí. Điều này chỉ có con người mới làm được.

Thứ nhất cần làm tốt công tác giữ bí mật, dự báo sớm tình huống. Bí mật trong bố trí, phương án tác chiến.

Thứ hai phối hợp tác chiến hiệp đồng chặt chẽ giữa các thành phần trong hệ thống phòng không bao gồm: radar cảnh giới, tên lửa phòng không tầm xa, tầm trung và tầm thấp, lực lượng pháo cao xạ, súng máy phòng không, không quân…tạo ra thế trận liên hoàn, bọc lót lẫn nhau không cho đối phương đủ thời gian tìm diệt mắt thần S-300. Nhất là trên các hướng, khu vực trọng điểm.

Thứ ba là tăng cường khả năng tác chiến điện tử để có thể vô hiệu hóa tên lửa đối phương, chế áp lực lượng tập kích đường không, sử dụng nghi binh để thu hút hỏa lực…

Nếu đáp ứng được những yêu cầu này thì không chỉ mắt thần của S-300 mà toàn bộ thành phần chủ yếu của hệ thống phòng không sẽ được bảo toàn trước đòn phủ đầu, từ đó sẽ làm phá sản kế hoạch chiến tranh của đối phương.

Trí Thức Trẻ

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: S-300PMU1 , S-300F , Tên lửa , Hệ thống tên lửa , Phòng không không quân , Biển Đông