Ngày 13-1, Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu và Phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong (khoa kỹ thuật giao thông ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) đã có báo cáo bước đầu nguyên nhân gây cháy nổ xe.
|
Theo đó, những nguyên nhân là do bình xăng cạn, xăng có pha methanol hoặc ethanol phát cháy khi áp suất và nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản biện.
Cuối tuần trước, Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM đã giao Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) nghiên cứu tìm ra nguyên nhân gây cháy nổ xe. Theo nhiệm vụ sở giao, Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu sẽ phân tích các nguyên nhân về mặt nhiên liệu dẫn đến nguy cơ có thể cháy xe và phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong thuộc khoa kỹ thuật giao thông của ĐH Bách khoa TP.HCM sẽ phân tích những lý do có thể gây cháy xe về mặt động cơ. Đến ngày 13-1, hai đơn vị này đã nộp báo cáo kết quả nghiên cứu bước đầu về sở.
Sơ đồ phân tích nguyên nhân gây cháy xe - Đồ họa: V.CƯỜNG
Xăng có pha ethanol, methanol
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường phòng chống cháy nổ xe Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an thực hiện ngay các nhiệm vụ nhằm tăng cường biện pháp phòng chống cháy nổ xe cơ giới. Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Khoa học - công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về chất lượng, đo lường; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan soát xét lại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhiên liệu, đặc biệt quan tâm đến thành phần các chất phụ gia ảnh hưởng đến khả năng gây cháy nổ. Bộ Công thương được giao nhiệm vụ tăng cường công tác kiểm tra điều kiện kinh doanh xăng dầu của các đại lý bán lẻ xăng dầu, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo quy định. Bộ Giao thông vận tải có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ khảo sát, nghiên cứu các nguyên nhân gây ra việc cháy nổ ôtô, xe máy thời gian qua. Bộ Công an có nhiệm vụ hướng dẫn người dân cách đề phòng cháy nổ và điều tra, xử lý các trường hợp cố tình gian lận trong kinh doanh, vận tải xăng dầu cũng như điều tra các nguyên nhân gây cháy nổ và phối hợp cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý liên quan. |
Theo kết luận ban đầu của Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), khả năng tự cháy của xe gắn máy là do bình xăng ở trạng thái cạn, xăng có pha methanol (hoặc ethanol) trong điều kiện áp suất hơi thấp, nhiệt độ thấp.
TS Huỳnh Quyền, giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu, cho biết thực nghiệm về khả năng tự bốc cháy của nhiên liệu xăng có pha thêm ethanol và methanol cho thấy trong trường hợp bình xăng của động cơ cạn (còn khoảng 5% so với dung tích của bình chứa) phần không gian trên bề mặt của lớp nhiên liệu xăng pha methanol sẽ hình thành hỗn hợp bão hòa hydrocacbon.
Hỗn hợp này có thể nằm ở vùng dưới mức giới hạn trên vùng tự cháy của hỗn hợp nhiên liệu xăng, cồn và có thể gây ra tự cháy nổ. Quá trình này thông thường xảy ra ở nhiệt độ thấp.
Theo TS Quyền, quá trình gây cháy này đã được các nghiên cứu trên thế giới công nhận. Điều này hoàn toàn phù hợp với các vụ cháy đã xảy ra ở khu vực miền Bắc khi thời tiết lạnh và cả các vụ cháy khi xe ngừng hoạt động hoàn toàn. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác với điều kiện môi trường VN, trung tâm cần thời gian để tạo mô hình bình chứa xăng, mức độ cạn của bình chứa, thử nghiệm thay đổi nhiệt độ, hàm lượng methanol...
TS Quyền cũng cho biết thêm hiện nay trên thị trường có một số chất phụ gia để pha xăng có nguồn gốc Trung Quốc và một số có nguồn gốc VN theo quảng cáo nếu dùng sẽ tiết kiệm nhiên liệu. Trung tâm đang tiếp tục phân tích để tìm ra các chất phụ gia này là gì, có thể là nguyên nhân gây cháy hay không.
Dùng 13 mẫu xăng
Trước đó, TS Huỳnh Quyền cho biết trung tâm đã sử dụng phương pháp loại trừ để tìm kiếm nguyên nhân. Để tiến hành nghiên cứu, trung tâm đã dùng năm mẫu xăng của các công ty phân phối khác nhau tại khu vực TP.HCM, sáu mẫu xăng do trung tâm pha trộn trong phòng thí nghiệm giữa xăng A92 với methanol, acetone, ethanol hàm lượng thay đổi từ 10%, 20%, 30% và hai mẫu xăng đối chứng của Petrolimex và Saigon Petro. Sau đó, trung tâm nghiên cứu các nghi vấn có thể là nguyên nhân gây cháy như rò rỉ nhiên liệu giàu methanol lên động cơ có nhiệt độ cao, pha trộn nhiều thành phần khác nhau vào xăng tạo ra phản ứng hóa học gây nổ, chập mạch dòng điện khi sử dụng xăng có hàm lượng cồn cao, cháy do tạo nên hỗn hợp hơi và khí hỗn hợp này nằm trong vùng giới hạn tự cháy.
Sau khi phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm, kết quả cho thấy không có vết của sự hình thành các hợp chất peroxyde (hợp chất dễ gây cháy nổ trong điều kiện bình thường) trong nhiên liệu khi pha methanol vào xăng, kể cả khi pha xăng A92 với các hỗn hợp xăng trên. Do vậy, khả năng tự gây cháy khi hình thành các hợp chất tự cháy nổ ở nhiệt độ thường là không xảy ra.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã cho 13 mẫu xăng này chảy từng giọt trên chén nung bằng inox có nhiệt độ từ 100-500OC nhằm kiểm tra khả năng tự cháy khi tiếp xúc với các nguồn nhiệt lớn mà không cần phải có tia lửa điện của xăng và hỗn hợp của xăng thì cũng không thấy xăng tự bốc cháy kể cả ở 500OC. Kết luận từ thực nghiệm này xác định không thể có nguyên nhân gây cháy nổ từ việc nhiên liệu giàu methanol rò rỉ tiếp xúc với các chi tiết có nhiệt độ cao trong động cơ.
Trung tâm kiểm tra và khẳng định nguyên nhân gây chập mạch của hệ thống điện trong động cơ xe máy tại vị trí thiết bị đo mức nhiên liệu của bình chứa cũng được loại trừ. Ngoài ra, trung tâm cũng nghiên cứu và cho rằng khả năng tự cháy của nhiên liệu trong trường hợp có ethanol (hoặc methanol) hơn 15% là không thể.
Nguyên nhân các vụ cháy xe xảy ra liên tiếp thời gian qua (ảnh nhỏ) đang được các chuyên gia, trong đó có cán bộ, giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, giải mã (ảnh lớn) - Ảnh: QUANG THẾ - NAM KHÁNH - MINH QUANG - T.THẮNG Liên quan đến sự cố phát sinh nhiệt Song song với nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu, phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong (ĐHQG TP.HCM) nghiên cứu độc lập và kết luận khả năng tự cháy của xe gắn máy liên quan đến các sự cố phát sinh nhiệt độ cao từ hệ thống điện hay động cơ cho dù có hay không có rò rỉ xăng từ hệ thống nhiên liệu. Theo nhóm nghiên cứu phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong, một số xe gắn máy tay ga sử dụng động cơ làm mát bằng nước có bình nước và quạt tản nhiệt đặt ở phía trên ống pô. Khi xe chạy, nhiệt nóng sẽ được dồn về phía sau. Trong khi đó xăng dỏm làm xe nóng hơn, mau làm cạn nước làm mát, cấu tạo vỏ xe được bịt kín, phần cốp để mũ bảo hiểm được tận dụng để rất nhiều đồ, trong đó có những vật dụng dễ cháy, dễ tích điện như áo len... tạo nên hiện tượng quá nhiệt gây cháy. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, kết luận này được phòng thí nghiệm động cơ đốt trong đưa ra khi chưa tiến hành thực nghiệm mô phỏng động cơ. Nhóm nghiên cứu khuyến cáo người dùng không nên gắn thêm các hệ thống điện, chi tiết trang trí ảnh hưởng khả năng làm mát của động cơ, ống xả, không để vật dụng dễ cháy trong hộc đồ và phải bảo trì xe đúng hạn, cần lưu ý hệ thống làm mát và bôi trơn... Trao đổi với phóng viên, chiều 13-1, đại diện Công ty Honda VN (HVN) cho biết chưa nhận được kết quả cuộc nghiên cứu này và không bình luận về kết quả của cuộc nghiên cứu. Theo HVN, đây chỉ là một cuộc nghiên cứu mang tính độc lập, không đủ cơ sở để đánh giá về yếu tố kỹ thuật của các dòng xe do HVN sản xuất. Hơn nữa HVN cũng không biết được nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu trong điều kiện nào nên không thể khẳng định các thiết kế của Honda không phù hợp. Tuy nhiên, một đại diện của HVN khẳng định các thiết kế giải nhiệt đang gắn trên các dòng xe tay ga do HVN sản xuất vẫn rất an toàn và đạt hiệu quả giải nhiệt tốt nhất so với các dòng xe tay ga đang lưu hành tại VN. Nhiều ý kiến khác nhau Đón nhận thông tin ban đầu về kết quả nghiên cứu, một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đã có nhiều ý kiến khác nhau: PGS.TS Lê Hoài Đức (Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội): Khó có thể xảy ra Cách nói đó cũng hợp lý về mặt kỹ thuật. Nhưng nói rằng 15-30% cồn có thể tạo ra hỗn hợp khí đó thì nhiều nước đã sử dụng ethanol và methanol ở mức trên 15% rồi. VN không phải là nước đầu tiên sử dụng xăng pha cồn. Tuy nhiên ở nước ngoài sử dụng xăng có tỉ lệ cồn trên 15% thì họ có cải tiến về động cơ, còn khả năng gây cháy nổ cũng không có cải tiến gì. Về mặt kỹ thuật, cồn có khả năng bay hơi rất tốt. Hơi cồn ngưng tụ ở trạng thái áp suất hơi bão hòa trên bề mặt cũng là cái gây cháy nổ khi gặp điều kiện thuận lợi. Nhưng khả năng tự cháy nổ thì khó xảy ra được. Vì cháy nổ phải có các điều kiện kèm theo như tia lửa hoặc nguồn nhiệt nào đó. Bản thân cồn không tự gây cháy nổ được trong điều kiện bình thường. Nếu cồn ở trong xe máy bị nóng đến 100OC cũng khó tự gây cháy nổ được. Trạng thái gây cháy nổ được của hỗn hợp đó phải cần 300-400OC với điều kiện áp suất thông thường. Chứ nói ở điều kiện bình thường tự gây cháy nổ là khó. TS hóa học Đào Quốc Tùy (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội): Nhiệt độ thấp và áp suất thấp rất khó gây cháy Hỗn hợp đó tự gây cháy khi bình xăng cạn và ở nhiệt độ thấp cũng là một giả thiết. Nếu đã làm thí nghiệm và tin cậy được thì có thể tập trung vào phân tích xem trong thực tế có khả năng bị như thế không. Đó là một cơ sở để tập trung vào phân tích. Tuy nhiên ở nhiệt độ thấp và áp suất thấp thì rất khó cháy. Thực tế một số xe cháy lấy được mẫu xăng thì bình xăng vẫn đầy, một số xe để tại chỗ, bình xăng đầy cũng tự cháy chứ không phải khi bình xăng cạn. TS Bùi Hồng Dương (trưởng khoa máy tàu ĐH Giao thông vận tải TP.HCM): Gia nhiệt gây cháy là nguyên nhân xa vời Theo tôi, kết luận nguyên nhân cháy nổ xe do liên quan đến các sự cố phát sinh nhiệt độ cao từ hệ thống điện hay động cơ là chưa hợp lý. Nếu liên quan đến sự cố quá nhiệt trên các xe gắn máy sử dụng động cơ làm mát bằng nước thì nghe có vẻ xa vời vì với các xe tay ga khi có vấn đề với làm mát bằng nước thì hệ thống sẽ tự động chuyển sang làm mát bằng quạt. Để cháy được, ngoài nguồn nhiệt phải có chất cháy là dầu hoặc xăng, phải có không khí để cháy. Về vấn đề này, tôi vẫn nghiêng về giả thiết cháy xe do nhiên liệu. Vấn đề chính ở đây là phải lấy được chính xác mẫu xăng trên thị trường là gì, nếu không lấy được mẫu nguyên thủy thì không thể có kết quả chính xác. PGS.TS Đỗ Văn Dũng (phó chủ tịch Hội Ôtô và thiết bị động lực TP.HCM): Kết luận chưa thuyết phục Về kết luận do động cơ bị quá nhiệt vì hệ thống làm mát hoặc hệ thống đánh lửa là chưa thuyết phục. Trong số xe bị cháy có cả xe Wave, Dream, SYM với hệ thống làm mát bằng không khí. Trong trường hợp động cơ bị quá nhiệt, đầu tiên sẽ dẫn đến động cơ bị bó cứng và không hoạt động. Hơn nữa, ngay cả khi động cơ quá nóng, nguồn nhiệt này chưa đủ để làm cháy nhiên liệu hoặc nhựa hay cao su. |
- Ngành nào có thu nhập cao nhất Việt Nam?
- Thời tiết dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025: Miền Bắc đón 2 đợt không khí lạnh, cụ thể ra sao?
- Tết dương lịch 2025 phạt vi phạm giao thông đã thu về số tiền 'khủng' này
- Sát Tết có 4 nghề 'hái' ra tiền, thu nhập cả trăm triệu/tháng mà không cần trình độ đại học
- Từ 1/1/2025, người dân ra đường vi phạm 2 lỗi này sẽ bị phạt nặng, tăng từ 30 lần đến 50 lần mức cũ
- Những chiêu trò lừa đảo mới dịp cận Tết, cần cảnh giác kẻo lại mất tiền oan
- Ai là người có mức lương hơn 10,3 tỉ đồng/năm ở TP HCM năm 2024?
- Đàm Vĩnh Hưng nói về vụ kiện với chồng ca sĩ Bích Tuyền: 'Ai tạo nghiệp người đó phải lãnh'