Hành trình làm lại cuộc đời của phó công an xã đi tù vì đánh dân
Thứ năm, 05/06/2014 10:55

Chỉ vì một phút thiếu kìm chế, lại có men rượu trong người, phó công an xã đã đánh trọng thương một đối tượng vi phạm pháp luật.

Phó công an xã đi tù vì đánh dân làm lại cuộc đời

Phó công an xã đi tù vì đánh dân làm lại cuộc đời

Chỉ vì một phút thiếu kìm chế, lại có men rượu trong người, ông Trương Quang Tùng, (SN 1966, ngụ thôn Tú Phong, xã Tam Tiến, nguyên phó công an xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam) đã đánh trọng thương một đối tượng vi phạm pháp luật. Những tưởng cuộc đời “chấm hết” khi bị cách chức, khai trừ Đảng, ra tù còn nợ nần chồng chất…. nhưng người đàn ông đã quyết tâm làm lại đời mình.

Men rượu biến phó công an xã thành tội phạm

Để gặp ông Tùng, cứ theo ghe qua sông Trường Giang (huyện Núi Thành), tìm bừa đến những ao tôm, bởi ông chẳng có giờ giấc nào cụ thể mà hẹn. Tên ông giờ chết danh với Tùng “tôm”.

Cả xã ai cũng nhớ, 20 năm trước, ông Tùng còn làm phó trưởng Công an xã Tam Tiến. Tối một ngày cuối tháng 3/1994, ông cùng mấy người hàng xóm mang ghế ra hiên nhà ngồi chơi, bất ngờ nhận được thông tin từ quần chúng báo có đối tượng Huỳnh Dũng (ngụ xã Tam Phú, thị xã Tam Kỳ, nay là TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) chèo ghe mang thuốc nổ xuống sông Trường Giang thuộc địa bàn làng Tú Phong (xã Tam Tiến) đánh cá. Ngay lập tức, ông lên nhà, mời Dũng xuống trụ sở công an xã làm việc về hành vi dùng thuốc nổ đánh bắt cá trái phép, gây nguy hiểm cho người khác. Nghi phạm không chịu đi. Qua ngày hôm sau, công an xã gửi giấy mời đến nhà, tới chiều nghi phạm mới chịu lững thững đến. Tại đây, đích thân ông Huỳnh Đây, phó chủ tịch UBND xã phối hợp cùng công an xã ngồi nói chuyện với Dũng.

pho-cong-an-xa-ngoi-tu-thanh-ti-phu-tom3

Ông Trương Quang Tùng đang chăm sóc hồ tôm của gia đình.

Trong khi trao đổi, vị phó chủ tịch xã dùng roi điện đánh, chích vào người, khiến Dũng không chịu được đau, kêu la tung cửa bỏ chạy ra ngoài. Phó chủ tịch xã gọi phó công an xã tới, yêu cầu bắt Dũng lại. “Lúc đó tôi không có mặt tại trụ sở làm việc mà đang dự một đám tiệc ở địa phương. Khi nhận “lệnh”, tôi không quan tâm mình đã nhậu say mà cứ thế chạy đi bắt Dũng. Vừa tóm được, Dũng chống cự quá nên tôi dùng tay, cùi chỏ đánh Dũng. Tuy vậy Dũng vẫn thoát được về nhà. Một lúc sau, tôi huy động thêm mấy anh em dân quân vác gậy tìm đến nhà bắt Dũng về công an xã lại. Tại đây Dũng ký vào biên bản vi phạm. Tưởng mọi việc đến đây thì thôi, đột nhiên mấy ngày sau, tôi nhận tin Dũng nhập viện và giám định với kết quả thương tích 35%”, ông Tùng nhớ lại. Từ kết quả thương tích này, Công an huyện Núi Thành vào cuộc điều tra, xác minh, bắt tạm giam hai vị “phó xã”.

Công an huyện khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, sau đó không lâu TAND huyện Núi Thành mở phiên tòa xử sơ thẩm tuyên phạt ông Tùng 9 tháng tù giam và Phó chủ tịch xã 18 tháng tù giam. Bản án bị kháng cáo, TAND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng xử hủy án sơ thẩm và xử lại tội danh khác: cố ý gây thương tích. “Kết quả tôi bị phạt 24 tháng tù, phó chủ tịch xã bị phạt 48 tháng tù. Về dân sự, hai bên bồi thường cho bị hại 28 triệu đồng. Riêng tôi chịu 12 triệu đồng. Lúc đó 12 triệu đồng với gia đình tôi lớn vô cùng, mấy cây vàng lận”, ông Tùng nhớ lại.

Bản án vừa có hiệu lực cũng là lúc hai phạm nhân được đưa về thụ án tại Trại giam Hòa Sơn (đóng tại TP.Đà Nẵng). Trong những ngày đầu ở trại giam, tâm lý của hai “cựu quan xã” vô cùng chán nản, buồn bã, đặc biệt vị cựu phó chủ tịch xã liên tục tìm cách tự tử. Phần ông Tùng, những ngày đầu nhập buồng giam, ông còn bị những “ma cũ” chạy tới đánh phủ đầu. Cũng may, ông có chút võ nghệ nên “ăn đòn” đỡ hơn, và cũng nhờ “vài ngón võ” mà thụ án nửa năm, ông được anh em tin tưởng đưa lên giữ chức buồng trưởng. Trong những năm tháng ở tù, phạm nhân đặc biệt được cán bộ quản giáo tin tưởng giao nhiệm vụ hằng ngày đi mở và đóng các cửa buồng giam. Tháng 3/1996, cải tạo tốt, ông được ra tù trước thời hạn 6 tháng.

Trở thành tỷ phú làng tôm

Thời gian vướng tù tội với ông Tùng giống như một cơn ác mộng. Ông đã đánh mất nhiều thứ: Bị cách chức, bị khai trừ Đảng, tự bôi một vết nhơ cho dòng họ nhiều đời tham gia cách mạng của mình và đẩy vợ con đã khốn khó vào chỗ khốn khó hơn. Tuy nhiên, ngày ra trại, ông lại thấy, chính khoảng thời gian trả giá trên cũng mở ra trong ông một con người khác.

Vốn trước đây, cuộc sống vợ chồng ông cũng chỉ có túp lều tranh lụp xụp, dựa hoàn toàn vào đồng lương “ba cọc bà đồng” của ông. Khi ông đi tù, để có tiền thăm nuôi chồng và lo cho con, vợ ông phải đi vay mượn khắp làng. Có lần mượn được tiền, nhưng mới vừa cất bước, chủ nợ đã đổi ý chạy theo giật lại vì sợ vợ ông không trả nổi. Nhưng ông nhớ nhất vẫn là ngày về. Vừa đến ngõ, ông chỉ kịp vứt gói hành lý, liền nhào ra vườn chụp mấy cây tre vào chống ngôi nhà đang chực muốn ngã. Nhìn vợ con xanh xao nheo nhóc, ông ứa nước mắt, hỏi: “Nhà không còn chi ăn hả em?”. Lại thấy vợ đem ra cuốn sổ trong đó dày đặc mấy trang tiền nợ, ông đọc qua, đầu óc choáng váng, nhưng vẫn trấn tĩnh: “Mình cố vay thêm cho anh. Anh hứa, một năm sau anh sẽ trả hết nợ nần”.

pho-cong-an-xa-ngoi-tu-thanh-ti-phu-tom2

Ông Trương Quang Tùng kể lại những tháng ngày thụ án trong trại giam.

Mỗi ngày, ông cầm phích nước sôi và hai gói mì tôm chống ghe bơi qua cù lao bên kia sông Trường Giang, xắn đất đào hồ. Lúc đó khu vực này còn rất hoang vu. “Ông ấy làm quên ngày quên đêm, bữa ăn cũng bỏ. Thi thoảng tôi đi qua nhìn thấy, còn không phân biệt đâu là bùn đất, đâu là người”, bà Bùi Thị Liên, một hàng xóm cho biết. Mười mấy tháng ở trại, ông hiểu ra vì thiếu kìm chế mỗi khi uống ruợu mà ông mới thành ra sai lầm như đã mắc. Vì thế, muốn làm lại cuộc đời, ông buộc phải tránh xa nhậu nhẹt. Đó cùng là lý do khiến ông suốt ngày chôn chân ngoài hồ tôm, không cho mình có cơ hội tiếp xúc với thứ nước gây nghiện tai hại. Ngày qua ngày vật lộn với bùn đất, cuối cùng ông Tùng cũng tạo được 5 ao tôm hàng chục héc ta. Ai biết chuyện cũng phải ngỡ ngàng.

Không còn ai cho vay mượn nữa, giấy tờ nhà cũng bị cầm, ông đi xin con giống về nuôi. Cũng may, vụ đầu tiên, ông trúng lớn. Vợ con mừng rớt nước mắt. Khi có món tiền đầu tiên trên tay, vợ ông cầm ra cuốn sổ nợ, nói ưu tiên trả nơi này, nơi kia. Những chủ nợ cũng tìm đến vây quanh nhà, nhưng ông cúi dập đầu, năn nỉ một lần nữa: “Nợ nần của ai tôi cũng phải trả hết, nhưng hãy chờ tôi thêm một vụ nữa. Số tiền này để tôi thực hiện trách nhiệm trước pháp luật và trước lương tâm. Tôi cần bồi thường cho người bị hại”. Mọi người nghe ra cũng thông cảm, để ông mang tiền đến cơ quan thi hành án. Dần dần, hai, rồi ba vụ nuôi tôm sau, ông trang trải hết nợ nần. Thêm vài vụ nữa, ông xây ngôi nhà khang trang.

Cứ thế, 18 năm qua, con tôm giúp ông thu lợi rất nhiều, giúp ông ngẩng cao đầu bước về phía trước. Dù nay đã có tiền tỉ trong tay, nhưng ông vẫn giữ thói quen như lúc mới ra tù, sáng sáng mang theo ít thức ăn, mì tôm lên ghe bơi qua cù lao, tối bơi về. Rảnh rỗi, ông đến thăm bà con trong làng, ai cần giúp đỡ gì về kỹ thuật, con giống… đều tận tình chu đáo. Từ đó, bà còn dần thay đổi cái nhìn về ông, quá khứ một công an “hách dịch” từng say xỉn, đánh người, bị tù. Cũng nhiều lần, người dân động viên ông quay trở lại tham gia công việc với thôn, nhưng ông từ chối. Mãi cách đây vài năm, ông mới dám nhận lời làm thôn phó và công an viên. Nhờ kinh nghiệm của một phó công an xã, ông đã tham gia dẹp yên được nạn trộm cắp, khéo léo giáo dục, uốn nắn các đối tượng có tiền án, tiền sự trong thôn.

Vũ Vân Anh (Pháp luật và thời đại) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: pho cong an xa danh chet nguoi , cong an xa danh nguoi , cong an xa di tu , cong an xa , Trương Quang Tùng , lam lai cuoc doi , tin , bao