Người đàn ông hàng chục năm canh mộ chúa Nguyễn chỉ vì một giấc mơ
Thứ sáu, 07/11/2014 05:00

Bởi giấc mơ lạ bất chợt đến khi đang tranh thủ chợp mắt ở khuôn viên lăng, nên ông Cường đã dựng căn chòi trên đồng, tháng ngày kính cẩn chăm sóc, hương khói ngôi mộ cổ.

Người đàn ông hàng chục năm canh mộ chúa Nguyễn chỉ vì một giấc mơ

Người đàn ông hàng chục năm canh mộ chúa Nguyễn chỉ vì một giấc mơ

Giấc mơ lạ

Con đường nhỏ vẫn dẫn lối vào căn chòi nằm chênh vênh giữa hai hồ cá, cỏ mọc phủ cả lối đi. Con đường mòn nằm khép nép dưới những rặng tre ngà. Căn chòi nhỏ như tổ chim cu, mái lợp tôn, tường đan bằng phên tre cũ kỹ. Ông Nguyễn Kim Cường (53 tuổi, ngụ thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trài, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang hí hoáy nhóm lửa pha trà. Sáng thu, trời xanh ngắt. Nắng ấm bắt đầu xuyên qua những rặng tràm hoa vàng, xua tan cái se lạnh buổi sáng. Hương hoa tràm quẩn quanh, lẫn trong tách trà nghi ngút khói. Ông trầm ngâm câu chuyện.

Giấc mơ kỳ lạ thời trai trẻ đã một phần thay đổi cuộc đời ông. Năm đó, ông đã ngoài hai mươi tuổi. Sau khi xuất ngũ, ông trở về quê hương, nối nghiệp mẹ cha làm ruộng. Mấy chục năm về trước, quê ông vẫn còn hoang vu lắm. Đất hoang hãy còn nhiều. Ngày ngày cần mẫn cấy cày trên mấy sào ruộng. Đêm xuống chưa kịp ngủ tròn giấc, mới một, hai giờ sáng đã trở dậy dẫn trâu lên đồi gặm cỏ. “Năm, sáu giờ sáng đã cho trâu đi cày. Để trâu no bụng làm việc, tui phải mở trâu, cho nó đi ăn cỏ từ chập khuya”, ông Cường giải thích. Khi những chú trâu quanh quẩn trên đồi, chọn những khoảng cỏ ngon nhất để gặm, thì chàng trai đi tìm chỗ chợp mắt.

Ông bảo, hồi ấy luôn tìm đến ngủ ở một lăng mộ cũ. Vì trong khuôn viên lăng, dù đã đổ nát vẫn còn một khoảng nền xi măng láng lẽ, vừa vặn để ông đặt tấm lưng nghỉ ngơi chờ trời sáng. Ngôi mộ bề thế, với tường rào bao quanh đến mấy vòng. Theo thời gian, mưa gió xói mòn đã khiến những tường bao xụp đổ nham nhở, rêu xanh bám kín từng viên gạch. Cỏ dại mọc um tùm. Ngôi mộ cổ ấy đã quá lâu không người tới lui hương khói.

Ông Cường kể, đó là một đêm trăng. Khi đàn trâu lặng lẽ gặm cỏ trên đồi, ông lại tìm đến ngôi mộ xin ngủ nhờ. Vừa chợp mắt, ông bất giác nhìn thấy người đàn ông lạ bước đến, áo dài khăn đóng chỉnh tề. Ông lão lụ khụ chống gậy, nghiêm sắc mặt quát vào mặt ông Cường. “Ông lão bảo tui “ở ké” nhà người khác, sao không biết chăm sóc, giữ gìn. Dám để nhà cửa của ông ấy hoang tàn, đổ nát như rứa…”, người đàn ông bất chợt rùng mình khi kết lại giấc mơ xa xưa. Bị mắng té tát, chàng thanh niên hoảng sợ tỉnh giấc, lồm cồm ngồi dậy. Trời vẫn còn tối. Phía bên kia dãy núi, những ngôi sao Hôm lấp lánh như đang mỉm cười. Trên đồi, đàn trâu vẫn ung dung gặm cỏ. Sau đêm đó suốt những đêm sau, chàng trai không bao giờ dám đặt chân vào lăng ngủ thêm một lần nào.

Dựng chòi cạnh lăng

Người đàn ông cho biết, hồi ấy, toàn bộ khu lăng bị chiến tranh tàn phá nặng nề. một tấm bia trên ngôi mộ cổ cũng không còn. Ông hoàn toàn không hề biết ai là người đang yên nghỉ dưới nấm mồ cổ kính ấy. Lăng hầu như rôi vào cảnh hoang phế. Từ ngày không còn ra lăng ngủ ké, ông Cường dựng cho mình một căn còi nhỏ, vừa để qua đêm, vừa để canh ngôi mộ cổ. “Chiến tranh, lăng mộ bị tàn phá, hư hại không nói làm chi. Vào thời bình, vẫn nhiều người dân thiếu ý thức, ra lăng phá tường, gỡ gạch về dựng nhà. Hồi ấy, rất nhiều ngôi mộ cổ bị đào trộm. Vì vậy nên tui mới dựng cái chòi ni để canh lăng”, ông Cường cho hay.

can-choi1

Căn chòi cạnh lăng chúa Nguyễn

Những lúc có chút thời gian rảnh, ông lại ra chăm sóc ngôi mộ cổ. Những đám lau sậy um tùm quanh lăng, dần dần được ông phát quang sạch sẽ. Người đàn ông còn đi quanh làng, kiếm cây hoa sứ về trồng ngay trước cổng lăng. Bẵng đi một thời gian, cây sứ đã toả bóng sum xuê. Mỗi mùa hoa về, hương sứ toả ngát cả một vùng. Ông Cường cho biết, phải đến khi lăng được trùng tu, một tấm bia được dựng lên, ông mới biết lâu nay mình vẫn canh giấc ngủ cho một trong chín vị chúa thời Nguyễn mà không hay. Ngôi mộ cổ ấy chính là mộ chúa Nguyễn Phúc Thái.

Ngày ngày, ông Cường trông coi mấy hồ cá bên cạnh lăng. Chiều đến, lại quanh quẩn ở khu vực lăng chúa quét lá. Những ngày rằm, mồng một, ông đều nhớ hương khói một cách thành kính. Ông kể, chẳng biết do sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay ông được người xưa tri ân, đãi ngộ, mà theo thời gian, công việc làm ăn của gia đình ngày một khấm khá. Đưa đôi tay chai sần chỉ những gốc thanh trà xanh tốt bên cạnh khuôn viên khu lăng mộ, ông háo hức: “Mùa thanh trà vừa qua, cả vùng này mất mùa nặng. Duy chỉ có vườn thanh trà tui trông nơi đây trĩu quả. Lạ chưa?”. Người đàn ông kể tiếp: “cứ mỗi lần lăng được sửa sang, cũng là lúc tui chắt chiu dành dụm được ít tiền để sửa sang nhà cửa. Một năm sau khi khu lăng được trùng tu toàn bộ, tui cũng dựng xong ngôi nhà kiên cố để vợ con ở. Có lẽ, cuộc đời tui gắn với sự thăng trầm của khu lăng mộ ấy. Nên lúc “họ” ăn nên làm ra”, thì mình cũng vậy”, ông Cường bày tỏ.

Khác với những khu lăng mộ của các vị vua triều Nguyễn, lăng của các vị chúa không bề thế, nguy nga tráng lệ và hầu như không có giá trị về mặt kiến trúc, vì vậy khách du lịch cũng không hề lai vãng đến. Lăng chúa Nguyễn Phúc Thái nằm heo hút giữa núi rừng. Chỉ vào dịp kỵ giỗ, con cháu trong dòng tộc mới đến mộ thắp hương, cúng kiếng.

Đã mấy chục năm trôi qua, nhiều người vẫn cho rằng ông gàn khi làm công việc canh lăng mộ. Không ai thuê mướn. Không ai trả tiền công. Nhưng ông làm việc bằng tất cả cái tâm của mình dù người dưới mộ kia chẳng phải là người thân thích. “Gần chục năm nay, con cháu của “ngài” đã tìm về, tề tựu quanh lăng vào ngày kỵ. Những khi nhận từ họ lời cám ơn chân thành cái bắt tay thật chặt, tui đã thấy ấm lòng. Với tui, rứa là đủ”, người đàn ông khẳng định.

Nắng đã lên cao quá con sào. Người đàn ông vội vã thu vội ấm chén, vác cuốc ra đồng. Nắng vàng rực rỡ nhảy múa dưới chân ông.

Hà Lê (Xa lộ pháp luật)

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: canh giu ngoi mo vi 1 giac mo , ngoi mo chua Nguyen , cham soc ngoi mo co , ngoi mo co , nguoi dan ong canh mo chua Nguyen , tin , bao