Đi tập huấn tại Australia để chuẩn bị cho vòng loại Olympic, hai tuyển thủ của đội tuyển rowing Việt Nam là Nguyễn Phương Đông (Hải Phòng) và Lương Đức Toàn (Hà Nội) đã bỏ trốn khỏi đội.
|
Tay chèo người Hải Phòng Nguyễn Phương Đông là một trong hai VĐV bỏ đội ở lại Australia.
Đội tuyển rowing Việt Nam vừa kết thúc chuyến tập huấn kéo dài một tháng để chuẩn bị cho vòng loại Olympic 2012 diễn ra vào tháng 4 tại Hàn Quốc và vướng phải sự cố bất ngờ.
Trong tối khuya ngày 10/3, đêm cuối cùng ở đất Australia trước khi cả đội đáp chuyến bay sớm về Việt Nam vào sáng hôm sau, hai tuyển thủ nam Nguyễn Phương Đông và Lương Đức Toàn đã trốn khỏi khách sạn, để lại cả đồ đạc lẫn hộ chiếu (do HLV nắm giữ).
Sáng sớm hôm sau không thấy hai VĐV này, chuyên gia người Australia Zoedonne cùng HLV Đỗ Mạnh Tùng đã gọi điện về Việt Nam báo cáo tình hình. Cả đoàn chờ đến phút chót và phải trở về Việt Nam mà thiếu vắng hai người.
Ông Nguyễn Hải Đường, Trưởng bộ môn Đua thuyền (Tổng cục TDTT) thừa nhận sự việc này đã ảnh hưởng lớn đến chương trình chuẩn bị cho Olympic của rowing Việt Nam. Nội dung thuyền đôi nam giờ đây mất trắng lực lượng, trong đó Nguyễn Phương Đông là trụ cột chính.
Là hai VĐV trẻ triển vọng, Nguyễn Phương Đông và Lương Đức Toàn vừa giành HC đồng thuyền đôi nam tại SEA Games 26 và đang được đầu tư để chuẩn bị cho vòng loại Olympic 2012.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ môn đua thuyền đã tìm đến gia đình của hai VĐV bỏ trốn và được biết cả hai đều có người nhà đang sinh sống tại Australia. Việc hai VĐV bỏ trốn khỏi đội có thể là vì muốn ở lại với người thân và tìm việc tại đây.
Mặc dù đã vi phạm nội quy tập huấn nước ngoài của đội tuyển quốc gia, nhưng cả hai vẫn chưa bị liệt vào dạng ở lại nước ngoài bất hợp pháp vì visa của họ có thời hạn đến ngày 4/5/2012.
Trong khi Tổng cục TDTT đang tiến hành các thủ tục quy định để báo cáo sự việc lên các cấp, Bộ môn đua thuyền đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của chuyên gia Zoedonne. Ông nhận lời tìm đến người nhà của hai VĐV ở Australia để gặp và vận động hai VĐV trẻ trở về.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng các tuyển thủ quốc gia lợi dụng các chuyến tập huấn nước ngoài để trốn lại lao động. Năm 2008, hai thành viên đội tuyển vật đã trốn ở lại Hàn Quốc để làm lao động tự do. Trước đó, một số môn khác cũng gặp phải sự cố này.
Sự cố mới nhất ở đội tuyển rowing khiến các lãnh đội, HLV và cán bộ quản lý ở các môn thể thao khác lo lắng. Tập huấn nước ngoài là một phần không thể thiếu trong đào tạo VĐV đỉnh cao. Nếu ý thức VĐV và biện pháp quản lý không được thắt chặt thì họ cũng không biết phải tránh né hiện tượng này triệt để như thế nào.
Một cán bộ môn cử tạ than thở rằng quyết định xốc nổi của các VĐV bỏ trốn làm khổ những người ở lại. Không chỉ làm khó các đội tuyển sẽ đi tập huấn nước ngoài sau đó, mà còn biến các đội thành đối tượng bị cảnh sát các nước sở tại theo dõi chặt chẽ. Đội tuyển cử tạ từng phải chịu đựng cảnh này trong chuyến tập huấn tại Hàn Quốc sau khi hai VĐV vật bỏ trốn năm 2008.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?