Đây là lần đầu tiên, đạo diễn Phạm Đông Hồng đưa những vấn đề nóng của xã hội vào trong hài dân gian.
Diễn viên Kim Oanh và Phạm Bằng trong đĩa hài "Chôn nhời" |
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp Tết về, Công ty Cổ phần Nghe nhìn Thăng Long cùng đạo diễn Phạm Đông Hồng lại giới thiệu với khán giả những sản phẩm hài đặc sắc. Chùm hài Tết 2014 với 3 đĩa “Tết để yêu thương”, “Chôn nhời” và “Cổ tích thời @” nhận được nhiều sự chú ý của khán giả khi đưa vào trong hài dân gian những nét đổi mới của đời sống hiện đại.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng (giữa) cùng đoàn làm phim trong buổi họp báo giới thiệu Chùm Hài Tết 2014
PV có cuộc trò chuyện với đạo diễn Phạm Đông Hồng.
PV: Được biết, đây là lần đầu tiên đạo diễn Phạm Đông Hồng đưa những đề tài hiện đại vào trong hài dân gian. Ông có thể nói rõ hơn về việc này?
ĐD Phạm Đông Hồng: Năm nay là năm đầu tiên, tôi thí điểm đổi mới hài dân gian. Việc đưa đề tài hiện đại vào trong chùm hài Tết 2014 là rất khó. Trước hết, chúng tôi phải tổng kết lại những sự kiện nóng, nổi cộm của đời sống xã hội trong năm 2013. Thứ hai là phải chọn hình thức phù hợp để đưa vào trong hài dân gian.
Trong tác phẩm “Chôn nhời” có một loạt vấn đề, dù không nhắc đến cụ thể nhưng ai xem cũng sẽ nhận ra. Đó không phải là “bác sĩ Cát Tường” mà đó là vai thầy lang có những hành động… y hệt bác sĩ Tường. Ví dụ như biến chuyện đo vòng ngực xem xét tiêu chuẩn lái xe máy thành… đo trâu, đo bò…
Chúng tôi phải tính toán rất kỹ để đưa những câu chuyện đó vào, bởi nếu đưa một cách thô thiển thì sẽ lập tức lại phản tác dụng. Hài dân gian phải kể theo cách của dân gian. Hành động và lời thoại cũng phải theo cách “các cụ”. Có rất nhiều điểm thú vị của đời sống hiện đại mà phải xem phim, khán giả mới vỡ lẽ ra được.
Diễn viên Lan Phương với phiên bản của "Bà Tưng"
PV: Đạo diễn Phạm Đông Hồng có “sợ” khi đưa những hiện tượng có tính tiêu cực của đời sống xã hội như “bác sĩ Cát Tường” hay “Bà Tưng” vào trong chùm hài sẽ phản tác dụng?
ĐD Phạm Đông Hồng: Thực ra bản thân tôi cũng rất sợ. Trong quá trình làm, có rất nhiều người trong ekip đã hỏi tôi câu này. Nhưng rất may, đĩa hài đã được Hội đồng phim Quốc gia duyệt và cho phép phát hành. Thời điểm này, chúng ta đang tích cực chống tham nhũng, chống tiêu cực. Không phải lúc nào cũng chống tham nhũng bằng cách hô hào khẩu hiệu mà phải có những tác phẩm tác động đến xã hội như “Chôn nhời” hay “Cổ tích thời @”.
Qua chùm hài Tết với những đề tài mang tính tiêu cực, chúng tôi cũng gửi gắm vào đó những thông điệp. Ví dụ như tác phẩm “Chôn nhời” kể về một anh nông dân. Hàng ngày anh phải chứng kiến nhiều điều chướng tai, gai mắt nhưng lại không dám nói với ai, đành về nhà nói vào một cái chum. Đến lúc, cái chum cũng vỡ ra, tạo thành lời sấm truyền, tạo ra những báo ứng. Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho xã hội trước những tiêu cực, những tư duy không phù hợp với thời đại.
PV: Khán giả đã rất yêu thích những vấn đề thời sự được đưa ra trong chương trình tổng kết “Táo quân” của VTV. Ông có sợ cách đổi mới của mình bị gọi là “ăn theo” hay không?
ĐD Phạm Đông Hồng: Tôi dám nói thẳng là, “Gặp nhau cuối năm” không thể làm được những gì như “Chôn nhời” hay “Cổ tích thời @” làm được. “Gặp nhau cuối năm” làm trên sân khấu với những câu chuyện riêng biệt, còn tôi tổng hợp tất cả thành một bộ phim.
Trong 90 phút, các chi tiết được xâu chuỗi, dẫn dắt, có đầu có cuối một cách hòa hợp, có mâu thuẫn, có bối cảnh, có vấn đề. Làm sân khấu và làm phim là 2 việc khác nhau. Vấn đề là việc chọn chi tiết như thế nào để đưa lên sân khấu hay phim cho phù hợp.
Làm hài không chỉ chọc cười khán giả mà còn phải viết lên được hiện thực xã hội. Nó không phải là việc “ăn theo” cái gì cả.
"Cổ tích thời @" với câu chuyện châm biếm về bác sĩ Cát Tường
PV: Hài của đạo diễn Phạm Đông Hồng thường là thể loại hài dân gian dựa trên những câu chuyện cười xưa với chủ đề nông thôn. Đề tài này khó tiếp cận với giới trẻ. Đó có phải là lý do ông quyết định đổi mới, thêm vào nét hiện đại?
ĐD Phạm Đông Hồng: Tôi cũng đã trăn trở rất nhiều về việc để hài dân gian tiếp cận được với giới trẻ. Tuy nhiên, chúng ta đã đánh giá nhầm về giới trẻ. Thực ra mà nói, 70-75% dân số chúng ta là từ nông thôn mà ra, giới trẻ có thể không hiểu rõ nhưng vẫn được nghe ông bà, bố mẹ kể nhiều chuyện. Tôi cũng đã kiểm định điều đó từ trên mạng, Youtube và các mạng xã hội khác. Lớp trẻ cũng thích phim của tôi, cũng thích về đề tài hài dân gian. Gọi là trẻ nhưng họ vẫn đang sống trong môi trường chung của xã hội và có hiểu biết.
Tuy nhiên, cũng có một bộ phận không nhỏ thích đề tài hiện đại hơn. Chúng tôi chẳng thể nào làm dâu trăm họ được. Bản thân tôi sẽ vẫn trung thành với dòng hài dân gian.
PV: Khó khăn nhất đối với đạo diễn khi quay chùm Hài Tết 2014 là gì?
ĐD Phạm Đông Hồng: Thực ra mà nói, để có thể cho ra mắt được đĩa, chúng tôi đã phải lao động trong một năm trời và gặp rất nhiều khó khăn. Riêng về kịch bản, chúng ta không thể mãi dựa trên cốt truyện dân gian, chỉ viết về đề tài ngày xưa được. Chúng tôi đã từng tổ chức những cuộc thi viết kịch bản với số tiền thưởng lên tới 20-30 triệu đồng. Dù được khán giả hưởng ứng nhiệt liệt nhưng để chọn ra kịch bản hay, có đất cho các diễn viên khai thác thì rất khó.
Về diễn viên, tôi không chọn diễn viên “quen” đóng hài của mình mà thường chọn diễn viên giống với nhân vật. Chỉ có phù hợp, họ mới sáng tạo được, mới chuyển tải được kịch bản. Tôi cùng ekip đã mất nhiều thời gian để lựa chọn diễn viên cho phù hợp. May mắn là chùm Hài Tết 2014 có được sự tham gia của dàn diễn viên hùng hậu như Xuân Hinh, Quang Thắng, Kim Oanh, Phạm Bằng, Minh Hằng, Quốc Anh, Thành Trung, Hán Văn Tình…
Khó khăn nhất trong quá trình làm phim phải kể đến mặt bối cảnh. Hiện nay, nông thôn Việt Nam bị thành thị hóa quá nhiều. Ở đâu cũng nhà cao tầng, xe ô tô, cột điện, đường nhựa… dẫn đến chúng tôi phải mất hàng tháng để chọn cảnh. Có những bối cảnh phải cải tạo lại theo ý của mình.
Chính vì thế, dù bây giờ mới ra mắt đĩa hài Tết 2014 nhưng chúng tôi đã phải nghĩ đến việc làm phim cho Tết 2015. Bởi việc viết kịch bản, chọn diễn viên cũng như tìm bối cảnh hiện tại đang quá khó đối với hài dân gian.
PV: Xin cảm ơn đạo diễn.
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'
- Đàm Vĩnh Hưng không thể hủy đơn kiện chồng tỷ phú của ca sĩ Bích Tuyền?
- MC Thành Trung sở hữu khối tài sản khủng cỡ nào ở tuổi 41?
- Thương Tín được người nhà đưa lên TP.HCM khám bệnh, nhìn chân của nam nghệ sĩ mà dân tình xót xa
- Dương Triệu Vũ hé lộ 'thế lực' giúp Đàm Vĩnh Hưng giải quyết vụ kiện triệu đô
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%